De Jong không muốn rời Barcelona, đội bóng của HLV Xavi, người được cho là không hài lòng nếu mất đi một tài năng sáng giá như tuyển thủ Hà Lan. Nhưng nếu ở lại, anh sẽ phải chấp nhận bị nợ lương, giảm lương, cắt giảm một loạt điều khoản nếu đặt bút ký vào hợp đồng mới. Bên cạnh đó, hàng tiền vệ của Barca đang cực kỳ chật chội với rất nhiều người đang cạnh tranh nhau ở cùng một vị trí.
De Jong đang ở một vị thế kỳ lạ, khi khả năng chơi bóng của anh còn kém quan trọng hơn so với những yếu tố khác trong kiểu xây dựng lối chơi của Barcelona (Memphis Depay cũng rơi vào tình trạng tương tự). Lợi ích lớn nhất hiện tại De Jong có thể đem lại cho CLB của mình là chấp nhận chuyển tới Old Trafford và giúp Barca nhận được 85 triệu euro (tương đương 72,2 triệu bảng hay 85,7 triệu đô la).
Đây không phải là điều lý tưởng đối với cựu cầu thủ Ajax, người đã có ước mơ chơi cho Barcelona từ khi còn nhỏ và thường đi nghỉ ở thành phố Catalan trước khi ký hợp đồng với đội chủ sân Camp Nou 3 năm trước. Hành trình của De Jong tại Barca tính đến nay pha nhiều thất vọng: 138 lần ra sân và chỉ giành được Cúp Nhà Vua.
De Jong là cầu thủ đã khiến Real Madrid và Juventus vất vả ở những trận đấu loại trực tiếp trong mùa giải Champions League 2018/19 đầy gay cấn, mùa giải mà Ajax đã suýt chút nữa lọt vào chung kết. Rất nhiều người cho rằng De Jong là người kế thừa hoàn hảo Sergio Busquest tại Camp Nou.
Nhưng trong khi tiền vệ kỳ cựu 34 tuổi Busquest đóng vai trò như một chiếc van an toàn nơi hàng tiền vệ của Barca, De Jong lại cho thấy anh thể hiện được những phẩm chất hoàn hảo nhất của mình nếu được xếp ở vị trí cao hơn.
Anh được cho là đã trở nên hoàn thiện hơn so với khi anh khiến cho Luka Modric phải chóng mặt trong trận thắng đầy bất ngờ 4-1 của Ajax tại Bernabeu bốn năm trước, nhưng ở kỳ chuyển nhượng mùa hè này, có lẽ De Jong không phải là cầu thủ khiến các Cules luyến tiếc nhất nếu anh nói lời chia tay CLB.
De Jong có lý do chính đáng để cảm thấy thất vọng. Dù đã đem tới cho Barcelona một tầm nhìn mới trên sân cỏ, nhưng những đóng góp của anh gần như không được ghi nhận một cách xứng đáng. Đây không phải là lần đầu tiên Barca hành xử theo cách này.
Vào mùa hè 2018, Roma đã tìm cách ký hợp đồng với cầu thủ chạy cánh người Brazil Malcom nhưng Barca đã “nẫng tay trên” đội bóng áo bã trầu chỉ 3 giờ sau khi Roma đăng tải thông tin chiêu mộ thành công Malcom từ Bordeaux. Chỉ một năm sau, Malcom được bán cho Zenit Saint Petersburg.
Trước đó, ở mùa giải 2017/18, Ousmane Dembele đến với Camp Nou từ Borussia Dortmund với mức giá đắt thứ hai trong lịch sử CLB là 105 triệu euro (tương đương khoảng 89 triệu bảng Anh). Và rồi anh ta cũng bị vùi dập cho đến lúc Xavi xuất hiện.
Có một giai đoạn, Arthur Melo dường như là giải pháp cho hàng tiền vệ già cỗi của Barcelona, kế thừa chiếc áo số 8 của biểu tượng Andreas Iniesta và nhận được lời khen ngợi từ đàn anh Xavi. Tuy nhiên, sự lạc quan đó đã bị dập tắt vào mùa hè 2020, sau khi Barca đi một nước cờ đổi Arthur lấy Miralem Pjanic của Juventus.
Cầu thủ trẻ triển vọng của Rapid Vienna là Yusuf Demir đã đến vào tháng 7/2021 trong một hợp đồng cho mượn ban đầu có điều khoản Barcelona sẽ phải mua anh với giá 10 triệu euro (8,5 triệu bảng) nếu anh được ra sân tối thiểu 10 lần.
Demir đã được đăng ký vào danh sách cầu thủ đội một và được trao chiếc áo mà Dembele đã mặc trước đó (cầu thủ người Pháp chuyển sang số 7 sau khi Antoine Griezmann trở lại Atletico Madrid). Demir có 9 lần ra sân thi đấu tính đến đầu tháng 12. Và đến tháng Giêng thì điều khoản cho mượn cả mùa giải của anh bị chấm dứt.
Hai tuần sau khi Demir quay về Áo, tuyển thủ Tây Ban Nha từng thuộc học viện Barcelona là Adama Traore quay lại mái nhà xưa dưới dạng cho mượn với mức lương thấp hơn mong đợi. Cầu thủ chạy cánh của Wolves dự kiến sẽ nhận được mức đãi ngộ xứng đáng nếu Barca mua đứt anh trong mùa hè này, nhưng điều đó đã không xảy ra.
De Jong là một trong số những cầu thủ - bao gồm Martin Braithwaite, Oscar Mingueza, Riqui Puig, Neto và Samuel Umtiti - được đem về để phục vụ cho các mục đích của cựu chủ tịch Josep Maria Bartomeu. Nhưng dưới thời Laporta, họ không còn được trọng dụng và đều được rao bán. Ở nhiệm kỳ thứ hai của mình, Laporta đang tìm kiếm điều gì đó khác biệt.
Cựu cầu thủ Ajax trước đây là một viên ngọc quý, nhưng giờ phải được bán đi để Barca có thể cân bằng quỹ lương vốn đã nặng nề giờ ngày càng phình to ra sau khi CLB ký hợp đồng với Raphinha từ Leeds United và cả tiền đạo Robert Lewandowski của Bayern Munich, cũng như những cầu thủ khác.
Bất chấp sự hỗn loạn tài chính này, De Jong dường như vẫn do dự không muốn rời khỏi một CLB có sức thu hút kỳ lạ với các cầu thủ theo cách nào đó mà ít câu lạc bộ khác có thể sánh kịp. Chính vì thế, thương vụ De Jong là một bài toán khó khăn cho tất cả các bên liên quan.
Man United đã đồng ý khoản tiền Barca yêu cầu để sở hữu De Jong - và ít HLV nào trong thế giới bóng đá hiện nay hiểu anh hơn Erik ten Hag. De Jong đã có 59 lần ra sân trong hai mùa giải ở Ajax dưới sự huấn luyện của Ten Hag. Anh cùng với tiền vệ giàu kinh nghiệm Lasse Schone là bộ đôi đóng vai trò là trái tim đội bóng ở mùa giải 2018/19, giành cú đúp danh hiệu quốc nội và chỉ bị loại một cách đáng tiếc ở trận bán kết lượt về Champions League trước Tottenham.
Tập trung vào các màn trình diễn của De Jong ở thời điểm đó, chúng ta sẽ nhìn thấy một cầu thủ có phong cách chơi bóng đầy mê hoặc và sẽ cần rất nhiều mỹ từ để mô tả chính xác về những gì tuyển thủ Hà Lan đã làm được trên sân cỏ. Dưới sự dẫn dắt của Ten Hag, De Jong không hoàn toàn là một tiền vệ số 6, nhưng rất khéo léo khi nhận bóng từ hàng thủ 4 người và kéo bóng lên phía trước.
Anh không hoàn toàn là một tiền vệ box-to-box vì chủ yếu hoạt động ở khu vực 2/3 sân nhà, nhưng luôn khiến cho các đồng đội phía trên chơi tốt hơn nhiều. De Jong phiên bản Ajax là một hình mẫu cơ bản về cách các tiền vệ trung tâm hoạt động trong phần còn lại của thập kỷ này.
Việc cầm bóng và chịu áp lực tốt của De Jong trở thành một chiếc chìa khóa thành công nếu xung quanh anh là một tập thể được xây dựng đúng cách. Đáng tiếc là Barcelona đã không thể tạo điều kiện thuận lợi cho tài năng của anh trong suốt 3 mùa giải và 4 sự thay đổi trên băng ghế chỉ đạo.
Đó cũng là một thách thức mà HLV Ten Hag sẽ phải tìm cách thuyết phục cậu học trò cũ của mình. Man United đã đưa ra lời đề nghị, nhưng De Jong sẽ không đến Old Trafford trừ khi chính anh lựa chọn đó là nơi phù hợp với bản thân. Có những lý do chính đáng khiến De Jong vẫn do dự.
Anh đang bị Barcelona nợ một số tiền khá lớn. Những bất ổn tài chính vẫn còn đó, nhưng Barca vẫn được tham dự Champions League 2022/23 và biết đâu sẽ giành chức vô địch, trong khi Man United vẫn ngổn ngang và chưa chắc sẽ được góp mặt tại đấu trường danh giá nhất châu lục trong các mùa giải tiếp theo - ngay cả khi họ có De Jong trong đội hình.
Sự xuất hiện của Ten Hag không xóa bỏ được định kiến về những tài năng đã lụi tàn ở Man United - De Jong chắc chắn đang đề cao cảnh giác và Man United cần đưa ra tầm nhìn bóng đá phù hợp để thuyết phục được tiền vệ 25 tuổi.
Sự bất ổn của Man United khác với Barcelona, nhưng dường như họ đang có một con đường rõ ràng hơn để thay đổi thực trạng và mong muốn tuyển thủ Hà lan cùng lên chuyến tàu và trở thành người dẫn dắt trong kỷ nguyên mới của CLB. Dù thế nào chăng nữa, De Jong vẫn đang đứng trước lựa chọn khó khăn và tất cả các bên vẫn đang phải chờ đợi đáp án cuối cùng.
Theo Khôi Nguyên (Bongdaplus.vn)