FIFA ngược dòng quyền lợi thế giới bóng đá

16/10/2024 11:39:51

Hiệp hội Cầu thủ chuyên nghiệp quốc tế (FIFPro) và Hiệp hội Các giải chuyên nghiệp châu Âu (European Leagues) đã đệ đơn kiện Liên đoàn Bóng đá thế giới (FIFA)

Ngày 14-10, Hiệp hội Cầu thủ chuyên nghiệp quốc tế (FIFPro) và Hiệp hội Các giải chuyên nghiệp châu Âu (European Leagues) đã đệ đơn kiện Liên đoàn Bóng đá thế giới (FIFA) lên Ủy ban châu Âu về việc tổ chức này "lạm quyền" và "vi phạm luật cạnh tranh".

Liên quan 3 vụ kiện lớn trong vòng chưa đầy một năm, chắc chắn uy tín của FIFA sẽ xuống cực thấp, nhất là khi mới đây, họ bị cả Hiệp hội Cầu thủ chuyên nghiệp quốc tế lẫn Hiệp hội Các giải chuyên nghiệp châu Âu tố cáo lạm dụng quyền lực trong việc tổ chức các giải đấu.

Hiệp hội Cầu thủ chuyên nghiệp quốc tế (FIFPro) và Hiệp hội Các giải chuyên nghiệp châu Âu (European Leagues) đã kiện FIFA vì cho rằng tổ chức này đã quyết định mở rộng các giải đấu World Cup và FIFA Club World Cup, làm gia tăng áp lực và khiến nhiều cầu thủ bị chấn thương do lịch thi đấu dày đặc.

FIFPro và European Leagues cáo buộc FIFA về quyết định mở rộng World Cup 2026 từ 32 lên 48 đội và nâng số đội dự FIFA Club World Cup 2025 từ 7 lên 32 đội. FIFA độc quyền quyết định thể thức mới cùng lịch thi đấu khiến các cầu thủ phải thi đấu quá nhiều, chưa kể còn vi phạm luật cạnh tranh, chỉ quan tâm đến lợi ích thương mại các giải đấu kể trên, dẫn đến việc các giải đấu quốc nội bị chèn ép, lịch trình thi đấu bị "dồn toa", gây nguy hại trước mắt và lâu dài.

Mục tiêu của FIFPro và European Leagues là FIFA sẽ phải lắng nghe ý kiến của giới cầu thủ trước khi đưa ra bất cứ quyết định nào về việc mở rộng các giải đấu. Hồi tháng 9, tiền vệ Rodri (Man City) đã đánh động khả năng giới cầu thủ "đình công" vì lịch đấu quá dày. Chính Rodri chỉ sau đó vài tuần bị rách dây chằng gối khi tham gia trận đấu thứ 67 tính từ tháng 8-2023.

FIFA ngược dòng quyền lợi thế giới bóng đá
World Cup 2026 tại 3 quốc gia Bắc Mỹ được nêu trong vụ kiện của FIFPro và European Leagues. Ảnh: FIFA.COM

Sau Rodri, hàng loạt trường hợp cầu thủ dính chấn thương phải nghỉ từ vài tháng đến hết mùa, như Dani Carvajal, Marc-Andre Ter Stegen, Son Heung-min… FIFPro công bố một thống kê cho thấy 72% cầu thủ ủng hộ việc giảm lịch thi đấu và bảo đảm thời gian nghỉ ngơi bắt buộc, bởi 17% cầu thủ quốc tế đã ra sân đến hơn 55 lần trong mùa giải trước.

Chủ tịch Hiệp hội cầu thủ Ý Umberto Calcagno cho rằng "các cầu thủ đều muốn bảo vệ sức khỏe của bản thân" còn chủ tịch La Liga Javier Tebas cho biết: "Đây sẽ là một trong những cột mốc quan trọng nhất của bóng đá và chúng tôi tin là vụ kiện này sẽ làm thay đổi cách quản lý các thể chế bóng đá".

Cách đây vài tuần, Tòa án Công lý Liên minh châu Âu (CJEU) đã tuyên FIFA vi phạm trong vụ việc của cựu tiền vệ người Pháp Lassana Diarra thời còn khoác áo Lokomotiv Moscow, đồng nghĩa với các quy tắc chuyển nhượng của FIFA vi phạm luật pháp của Liên minh châu Âu.

Tháng 12-2023, cũng Tòa án Công lý Liên minh châu Âu đã ra phán quyết, xác định FIFA và UEFA trừng phạt các CLB và cầu thủ tham gia giải European Super League (ESL) là "bất hợp pháp", không phù hợp " luật cạnh tranh" và "quyền tự do cung cấp dịch vụ". 

CJEU cho biết phán quyết của họ "không có nghĩa là một giải đấu như dự án giải ESL nhất thiết phải được chấp thuận" nhưng những động thái này đã làm rung chuyển bóng đá châu Âu và thế giới. Nó khiến giới chuyên môn phải đưa ra dự báo về những cuộc chiến mới giữa FIFA, UEFA và "phần còn lại" trong tương lai sẽ rất khốc liệt.

Theo Đông Linh (Nld.com.vn)