3 nguyên tắc giúp mẹ chồng nàng dâu chung sống hòa hợp

22/02/2025 10:00:23

Mẹ chồng – nàng dâu vốn là mối quan hệ nhạy cảm và khó dung hòa khi sống chung dưới một mái nhà.

Mới đây, bài viết "Chồng muốn đón mẹ ở quê lên sống cùng, vợ 'sốc' trằn trọc mấy đêm không ngủ" trên mục Đời sống của báo VietNamNet thu hút nhiều ý kiến trái chiều từ độc giả. Một số người phê phán nàng dâu ích kỷ, trong khi nhiều người khác thừa nhận đây là mối quan hệ nhạy cảm, khó dung hòa. 

Cũng có nhiều độc giả trăn trở với những câu hỏi như: Con dâu có nên sống chung với mẹ chồng? Mẹ chồng - nàng dâu nên ứng xử thế nào để có được một cuộc sống chung êm đẹp? Khi xảy ra xích mích, mẹ chồng - nàng dâu cần cư xử như thế nào để mâu thuẫn, căng thẳng không bị đẩy lên cao trào... 

Trao đổi với PV VietNamNet, chuyên gia tâm lý Vera Hà Anh cho rằng không có đáp án cụ thể cho câu hỏi “con dâu có nên sống chung với mẹ chồng?”, bởi "cây mỗi hoa, nhà mỗi cảnh".

Có trường hợp sống chung là hợp lý và nhân văn như khi mẹ chồng già yếu, bố chồng qua đời, không có ai nương tựa ngoài con trai, mẹ muốn ở với con cháu. Khi đó, sự quan tâm, chăm sóc và đón nhận của con cái rất quan trọng, không chỉ là trách nhiệm mà còn thể hiện giá trị đạo đức, lòng hiếu thảo.

Có những trường hợp, vợ chồng kinh tế bấp bênh, chưa đủ vững vàng để sống riêng thì việc sống chung với ông bà để có người phụ giúp chăm cháu là một giải pháp hợp lý. Tuy nhiên, trong trường hợp này, ở chung chỉ nên là giải pháp tạm thời, khi vợ chồng đủ vững vàng thì hãy ra riêng.

3 nguyên tắc giúp mẹ chồng nàng dâu chung sống hòa hợp
Mối quan hệ mẹ chồng - nàng dâu luôn ẩn chứa nhiều khúc mắc. Ảnh minh họa:  PureWow

Trường hợp bố mẹ chồng trẻ khỏe, gia đình nhiều thế hệ, thiếu không gian riêng tư thì việc vợ chồng trẻ ra ở riêng là hợp lý. Khi đó, mối quan hệ mẹ chồng – nàng dâu không bị căng thẳng vì những khác biệt trong sinh hoạt hàng ngày, mà còn giữ được sự tôn trọng và yêu thương lẫn nhau.

“Nếu sắp xếp được, ở riêng là lựa chọn tốt nhất cho tất cả. Các thành viên cần cởi mở hơn, bớt kỳ vọng, kiểm soát, để mỗi người có khoảng trời riêng mà vẫn gắn kết, yêu thương. Và dù ở chung hay ở riêng, điều quan trọng nhất vẫn là tôn trọng, thoải mái và hòa hợp”, chuyên gia nhấn mạnh.

Nữ chuyên gia chia sẻ thêm, dưới góc độ tâm lý, có nhiều nguyên nhân khiến cho mối quan hệ mẹ chồng – nàng dâu khó hòa hợp.

Thứ nhất, mẹ chồng – nàng dâu cùng yêu thương một người đàn ông nhưng cách thể hiện khác nhau. Mẹ chồng muốn bảo vệ, kiểm soát, che chở dù con trai đã trưởng thành. Nàng dâu muốn chồng mạnh mẽ, độc lập, ưu tiên vợ con. Sự khác biệt này dễ tạo ra mâu thuẫn.

Thứ hai, người mẹ đã dành cả thanh xuân để chăm sóc con trai, dạy dỗ, hy sinh. Nhưng đến khi con trai lập gia đình, bà lại phải học cách buông tay – điều này không dễ dàng. Còn nàng dâu, khi bước vào hôn nhân, cô ấy cần nhận về, cần được chồng ưu tiên, chung tay xây dựng tổ ấm riêng. 

Sự đối nghịch này dễ tạo ra xung đột: Mẹ lo lắng, sợ mất con trai, muốn tiếp tục dạy dỗ, chỉ bảo, thậm chí can thiệp vào cách con dâu chăm sóc gia đình. Nàng dâu muốn độc lập, có không gian riêng, không muốn cảm giác bị soi xét hay kiểm soát. 

3 nguyên tắc giúp mẹ chồng nàng dâu chung sống hòa hợp - 1
Chuyên gia tâm lý Vera Hà Anh. Ảnh: NVCC

Trong trường hợp mẹ chồng – nàng dâu buộc phải sống chung thì cần có cách ứng xử phù hợp để giữ được hạnh phúc gia đình. Chuyên gia Vera Hà Anh đưa ra một số nguyên tắc cụ thể:

Thứ nhất, cần thiết lập ranh giới ngay từ đầu. Mẹ chồng không can thiệp sâu vào đời sống riêng của các con. Nàng dâu tôn trọng thói quen, giá trị của mẹ chồng.

Thứ hai, cần tôn trọng và chấp nhận sự khác biệt. Mẹ chồng không mong con dâu cư xử như thế hệ trước, nàng dâu cũng đừng mong mẹ chồng thay đổi theo ý mình.

Thứ ba, người chồng phải là cầu nối để dung hòa giữa đôi bên. Một nguyên tắc người chồng cần ghi nhớ: “Mẹ cần được tôn trọng nhưng không phải lúc nào cũng kiểm soát con trai, vợ cần được yêu thương nhưng cũng phải ứng xử khéo léo với mẹ chồng”.

“Giải pháp cụ thể dành cho người chồng là khi có xung đột, không khuyên vợ nhịn mẹ, không bảo mẹ thông cảm cho vợ, mà giúp cả hai hiểu nhau. Nếu mẹ quá khắt khe hoặc vợ quá căng thẳng, chồng cần khéo léo điều chỉnh”, vị chuyên gia nói.

Trong những xích mích vụn vặt hàng ngày, mẹ chồng – nàng dâu cần tuân thủ nguyên tắc 3 không: KHÔNG tranh cãi khi nóng giận, KHÔNG than vãn, kéo người khác về phe mình, KHÔNG làm quá mọi chuyện.

Ngoài ra, đôi bên không nên cố thay đổi đối phương mà phải tôn trọng sự khác biệt. Khi có xung đột lớn, cần tìm giải pháp thay vì chỉ trích.

Chuyên gia chia sẻ trải nghiệm làm dâu của chính mình. Chị thừa nhận, thời điểm mới về làm dâu, chị cũng có lúc bối rối trong cách cư xử với bố mẹ chồng. Sau nhiều năm chị nhận ra, cần học cách trưởng thành nhờ sự bao dung.

“Về nhà bố mẹ chồng, tôi tuân thủ 100% theo ý bố mẹ. Trong gia đình nhỏ của tôi, tôi là người nắm giữ quyền quyết định. Mọi xích mích, tôi luôn là người nhận lỗi trước. Có thể với nhiều người, điều này nghe có vẻ thiệt thòi nhưng nhờ vậy mà nhà tôi chưa bao giờ to tiếng, căng thẳng với bố mẹ chồng.

Và tôi luôn biết ơn gia đình chồng, yêu chồng tức là yêu cả người sinh thành ra anh ấy. Chính sự biết ơn đó giúp tôi cảm thấy việc làm dâu không phải gánh nặng mà là niềm vui. Tôi nhận ra, bí quyết để giữ hòa khí trong gia đình là học cách sống với nhau trong sự tôn trọng, bao dung và biết ơn”.

Với những mối quan hệ mẹ chồng – nàng dâu từng xảy ra xích mích lớn tưởng như không thể hóa giải, đôi bên cũng cần có cách để vượt qua “vết thương lòng”.

Chuyên gia tâm lý khuyên nhủ, mẹ chồng – nàng dâu nên nhìn lại quá khứ với góc nhìn bao dung, đặt mình vào hoàn cảnh của đối phương để hiểu áp lực của họ, chuyển oán trách thành biết ơn, học cách buông bỏ để giải thoát chính mình, chủ động hàn gắn bằng những hành động nhỏ, tôn trọng sự khác biệt bởi lẽ sự tôn trọng có thể tạo ra một mối quan hệ bình yên.

“Cuối cùng, tha thứ không phải vì ai đó xứng đáng mà vì bản thân mình cần sự bình yên. Khi lòng nhẹ nhõm, mọi mối quan hệ sẽ tự nhiên tốt đẹp hơn”, chuyên gia nhấn mạnh.

Chuyên gia Vera Hà Anh nhắn nhủ riêng đến vai trò người chồng, con trai trong mối quan hệ mẹ chồng, nàng dâu:

“Có một thực tế ít ai nói ra: Sống chung, con dâu khó một, mẹ chồng khó mười. Người già suy nghĩ nhiều, lo xa, trong khi con dâu trẻ sống thoáng, vô tư. Một người coi bữa cơm gia đình là thiêng liêng, một người chỉ cần ăn qua loa. Một người quan trọng từng lời ăn tiếng nói, một người thích tự do thể hiện cảm xúc. Những khác biệt ấy, nếu không được dung hòa, mẹ sẽ tổn thương nhiều nhất.

Nhiều người nghĩ rằng, yêu mẹ là phải giữ mẹ bên cạnh nhưng thực ra, để mẹ có không gian riêng, sống thoải mái lúc tuổi già mới là thương mẹ đúng cách. Có nhiều phương án thay thế để con cái vẫn làm tròn chữ hiếu mà mẹ chồng – nàng dâu không nhất thiết phải sống chung. Chẳng hạn: 

• Ở gần để tiện chăm sóc nhưng ăn riêng, sinh hoạt riêng. 

• Thuê người chăm sóc mẹ, giúp mẹ có sự hỗ trợ mà vẫn giữ được sự riêng tư. 

• Nếu mẹ cao tuổi, sức khỏe yếu, có thể xem xét đến các trung tâm dưỡng lão tốt, nơi mẹ được chăm sóc chuyên nghiệp, có bạn bè đồng trang lứa chia sẻ. 

Một người đàn ông nếu thực sự yêu thương mẹ, hãy cố gắng hết sức để mẹ và vợ không phải sống chung. Không phải vì ai hơn ai, mà vì để cả hai người phụ nữ quan trọng nhất đời mình đều được sống vui vẻ, thoải mái nhất

Theo Thanh Minh (VietNamNet)

Nổi bật