Chức vô địch World Cup 1998 của Pháp đến nay vẫn là một thắc mắc của nhiều người. Không phủ nhận Zinedine Zidane cùng các đồng đội đã có giải đấu quá hay trên sân nhà nhưng nhiều chuyện kỳ lạ tại Paris đến nay vẫn chưa có lời giải thích.
Tuy nhiên, sau khi Pháp vô địch tiếp EURO 2000, sự hoài nghi về thầy trò Roger Lemerre giảm hẳn. Đặc biệt là khi Gà trống Gaulois đánh bại đội bóng sở hữu nhiều ngôi sao nhất thế giới vào thời điểm đó là Italia.
Nói cách khác, trận chung kết EURO 2000 là nơi để Serie A chứng minh sự độc tôn của mình trước toàn thế giới vào thời điểm đó. Trong đội hình của nhà tân vô địch Pháp, số ngôi sao từng chơi bóng tại Italia nhiều không kể xiết.
Tính ra, có đến 7 người như vậy trong đội hình xuất phát ở trận chung kết, gồm Laurent Blanc, Youri Djorkaeff, Didier Deschamps, Zinedine Zidane, Thierry Henry, Lilian Thuram và Christophe Dugarry.
|
Zidane và cuộc đối đầu kinh điển với Maldini |
Ngay đến David Trezeguet, người ghi bàn thắng vàng quyết định trong hiệp phụ trận chung kết, cũng đã chuyển tới Juventus sau kỳ EURO đại thành công. Các CLB Pháp cũng được tác động không nhỏ khi Monaco lọt vào trận chung kết Champions League vào mùa 2003/04, nếu biết rằng lần gần nhất có 1 CLB Ligue 1 lọt tới trận cuối cùng đấu trường số một châu Âu đã là từ mùa 1992/93.
Về phần Italia, dù lỡ hẹn với EURO 2000 nhưng không một ai dám phủ nhận sức mạnh đáng sợ của ĐTQG cũng như nền bóng đá đất nước hình chiếc ủng. Họ có trận chung kết Champions League toàn Italia giữa Juventus và Milan 2 năm sau đó, mang về 2 Quả bóng Vàng châu Âu cho Pavel Nedved và Andriy Shevchenko. Quan trọng hơn, người Ý vẫn duy trì được tiềm lực và vị thế của mình thêm một khoảng thời gian nữa trước khi bị Ngoại hạng Anh và Serie A lấn lướt.
EURO 2004: BÓNG ĐÁ THỰC DỤNG LÊN NGÔI
Có lẽ đã từ rất lâu rồi cụm từ “thực dụng” mới lại đứng trên đỉnh bóng đá như trong năm 2004. Đầu tiên, cái tên lạ hoắc Jose Mourinho xuất hiện và đưa Porto giành “cú ăn ba” lịch sử, trong đó có chức vô địch Champions League 2003/04. Trên đường giành cúp bạc, Mourinho và thứ bóng đá dựa trên nền tảng phòng ngự vững chắc đã loại bỏ một loạt đại gia như M.U, Lyon, Deportivo rồi cuối cùng là Monaco để đánh dấu sự ra mắt của Người đặc biệt.
Niềm cảm hứng đó tiếp tục được ĐT Hy Lạp đẩy lên đỉnh cao tại EURO 2004. Ở lần thứ 2 tham dự ngày hội châu lục này, cửa vô địch của thầy trò Otto Rehhagel có lẽ chỉ tương đương… Leicester giành Ngoại hạng Anh trước khi mùa 2015/16 diễn ra. Tuy nhiên, cũng giống như thầy trò Claudio Ranieri, câu chuyện cổ tích Hy Lạp đã kết thúc có hậu.
Lần đầu tiên trong lịch sử EURO, 2 đội gặp nhau trong trận mở màn là Bồ Đào Nha và Hy Lạp lại gặp nhau trong trận chung kết. Ở cả 2 lần đối đầu này, kết cục đều là nỗi buồn vô hạn cho đội chủ nhà. Hy Lạp và sự thực dụng của mình chỉ ghi có 7 bàn/6 trận. Họ có đến 4 chiến thắng tối thiểu, cầm bóng luôn ít hơn đối thủ và chỉ chực lùi cả đội hình về mỗi khi có bàn dẫn trước.
|
Hy Lạp và chức vô địch thần kỳ |
Thứ bóng đá có phần tiêu cực đó đã phát huy hiệu quả đến không ngờ. Đó có thể là cái tát vào bóng đá đẹp và nghệ thuật nhưng đã mở ra một hướng đi khác cho những đội bóng nhược tiểu hoặc thậm chí cả các đại gia trong thời khắc buộc phải thắng.
Sau EURO 2004, Hy Lạp, Otto Rehhagel và Jose Mourinho, một cuộc cách mạng trong tư duy chiến thuật nổ ra. Triết lý thực dụng lại được đề cao và dù vẫn bị coi như quay lưng vào tinh thần chung của bóng đá, Rehhagel được nhân dân Hy Lạp suy tôn và muốn ông làm thủ tướng, còn Mourinho trở nên “đắt hàng” hơn bao giờ hết.
Theo Lộc Trần (Bongdaplus.vn)