Năm 1990, đội tuyển Argentina bất ngờ giới thiệu thủ môn Sergio Goycochea, người toả sáng trên đất Italia với những khoảnh khắc thăng hoa trong màn sút luân lưu cân não, giúp Argentina loại Nam Tư và chủ nhà Italia để lọt vào đến trận chung kết. Nhưng ít tai biết rằng, Goycochea suýt nữa đã chẳng có cơ may xỏ găng ra sân nếu không nhờ vào quyết định của một thủ môn khác.
Số là trước thềm World Cup 1990, HLV Carlos Bilardo đã mặc định Nery Pumpido là thủ môn số một của đội tuyển Argentina. Đây là điều không cần bàn cãi bởi Pumpido đã bắt chính tại Mexico 1986, giải đấu mà Maradona chơi tuyệt hay và giúp Argentina đăng quang.
Thủ môn số hai được Bilardo lựa chọn là Luis Isla. Mặc dù vậy, với cá tính của mình, Isla tự cho rằng anh xứng đáng được bắt chính chứ không chấp nhận một suất dự bị. Nguyện vọng không được giải quyết, Isla tuyên bố bỏ đội tuyển, không dự World Cup 1990.
Câu chuyện về sau diễn ra như thế nào thì ai cũng biết. Isla có lẽ không thể ngờ Pumpido bất ngờ dính chấn thương ngay ở trận thứ hai vòng bảng (Argentina gặp Liên Xô). Nếu vẫn cùng Argentina dự World Cup 1990, chưa biết chừng Isla chứ không phải Goycochea mới là người hùng của đội tuyển tới từ Nam Mỹ.
Ở World Cup 1994, Gianfranco Zola được coi là một trong những cầu thủ có lối chơi tài hoa, sáng tạo bậc nhất của đội tuyển Italia. Tiếc thay, HLV Arrigo Sacchi lúc đó đã đặt hết niềm tin vào Roberto Baggio, người đã trải qua một Cúp thế giới vừa đáng nhớ, vừa đáng quên trên đất Mỹ.
Zola phải ngồi dự bị cả 3 trận vòng bảng. Đến trận đấu vòng knock-out gặp Nigeria, khi Italia đang bị dẫn trước 0-1, Zola được ông Sacchi tung vào sân giữa hiệp hai để tăng cường sức tấn công. Nhưng rốt cục, giấc mơ World Cup của Zola đã trở thành ác mộng.
Chỉ 10 sau khi vào sân, Zola đã phạm lỗi với cầu thủ đối phương và phải nhận thẻ đỏ. Từng được coi là truyền nhân của huyền thoại Maradona tại Napoli, từng nhận tước hiệu Hiệp sĩ tại Anh nhờ đóng góp cho Chelsea, nhưng cuối cùng, ký ức về World Cup của người hùng không gặp thời Zola chỉ vẻn vẹn 10 phút thi đấu và dấu ấn là con số 0 tròn trĩnh.
Trước ngày khai mạc World Cup 2002, tiền vệ Emerson khi đó là trụ cột của đội tuyển Brazil. Đang yên đang lành, Emerson bỗng nhiên nổi hứng thử tài bắt gôn trong một buổi tập. Và khoảnh khắc định mệnh diễn ra khi cầu thủ này cố gắng cản phá cú sút của đồng đội Rivaldo. Kết quả: Emerson bị trật bả vai, buộc HLV Scolari phải thay anh bằng Ricardinho. Emerson sau đó hiển nhiên thấy mình “số nhọ” và tiếc hùi hụi khi phải xem World Cup trên tivi và chứng kiến đội tuyển Brazil giành chức vô địch.
Cũng đen đủi như Emerson, nhưng Marco Reus mất cơ hội dự World Cup 2014 vì một chấn thương khi đá giao hữu. Gần 4 năm trước, khi đội tuyển Đức rèn quân để bước vào World Cup 2014, họ có trận đấu giao hữu với Armenia.
Đức đã thắng đậm 6-1, nhưng đó có lẽ là trận đấu đáng quên nhất trong sự nghiệp của Reus khi anh dính chấn thương. Phải nghỉ thi đấu gần 2 tháng, Reus đã không có đủ thời gian để được dự World Cup 2014. Tất nhiên, anh đã “đứt từng khúc ruột” khi đội tuyển Đức thi đấu xuất sắc và đăng quang.
Mặc dù vậy, số phận bi thảm nhất với một cầu thủ trong lịch sử World Cup phải là trường hợp của Andres Escobar. Năm 1994, đội tuyển Colombia tới Mỹ với tư cách là ứng cử viên vô địch, sau khi trải qua vòng loại đầy ấn tượng và chỉ thua 1 trong 26 trận đấu trước đó.
Nhưng ở trận đầu tiên, Colombia bất ngờ thua Romania. Đến trận đấu thứ hai gặp đội tuyển Mỹ, ở phút 35, khi nỗ lực cản đường bóng tấn công của John Harkes bên phía đội chủ nhà, Escobar đã vô tình đá phản lưới nhà. Bàn thua nghiệt ngã này khiến Colombia thua Mỹ 1-2 và bị loại sớm.
Ở Colombia, thất bại ấy đã khiến các ông trùm cá độ bực mình. Và đoạn kết đau lòng đã diễn ra khi Escobar trở thành “vật tế thần” bởi sai lầm của chính anh. Rạng sáng ngày 2.7.1994, đúng 10 ngày sau trận thua Mỹ, Escobar đã bị bắn chết bên ngoài hộp đêm El Indio ở ngoại ô Medellin, Colombia.
Theo Đức Hiếu (Dân Việt)