"Công Phượng được mọi người yêu mến nhờ tính cách tốt bụng. Đồng đội sẽ cảm thấy buồn vì không còn được uống những ly cà phê thơm ngon mà anh đã pha trong phòng thay đồ. Công Phượng là cầu thủ mạnh mẽ trước khung thành và có kỹ thuật tuyệt vời. Chúc Công Phượng may mắn ở chặng đường tiếp theo".
Đó là lời tạm biệt được Yokohama FC gửi đến cho Công Phượng khi cầu thủ này quyết định rời đội bóng sau gần 2 mùa giải gắn bó. Thông điệp này nhanh chóng trở thành chủ đề bàn luận của các CĐV Việt Nam. Lý do đơn giản bởi Công Phượng, một cầu thủ từng là ngôi sao của bóng đá Việt Nam, giờ đây khi chia tay một CLB nước ngoài lại được nhớ đến bởi việc… pha cà phê ngon.
Trên thực tế, lời nhắn của Yokohama FC cũng dành sự khen ngợi cho tố chất kỹ thuật của Công Phượng. Tuy nhiên nhìn vào việc sau gần 2 mùa giải, Công Phượng chỉ được ra sân vỏn vẹn 3 lần ở J.League Cup, chơi hơn 80 phút, không được thi đấu dù chỉ 1 phút tại J1 League và J2 League, đủ cho thấy những phẩm chất kia đã chẳng có mấy dịp để đóng góp cho CLB.
Giờ đây ở tuổi 29, nếu Công Phượng quyết định về Việt Nam, có lẽ anh cũng chính thức khép lại cơ hội xuất ngoại của mình. Thật khó để một cầu thủ Việt có thể tìm kiếm một đội bóng nước ngoài sau tuổi 30. Điều đó đồng nghĩa với việc sau nhiều năm bôn ba, giấc mơ xuất ngoại của Công Phượng đã kết thúc theo cách chẳng mấy vui vẻ gì.
Tính đến hiện tại, Công Phượng là cầu thủ Việt Nam chơi cho nhiều CLB nước ngoài nhất. Anh có 4 lần xuất ngoại, đầu quân cho Mito Hollyhock (Nhật Bản, 2016), Incheon United (Hàn Quốc, 2019), Sint-Truiden (Bỉ, 2019) và Yokohama FC (Nhật Bản, 2023-2024).
Tại 4 CLB này, Công Phượng có tổng cộng 17 lần ra sân, trong đó ở Incheon United anh có cơ hội nhiều nhất với 352 phút thi đấu sau 8 trận (3 lần đá chính). Nhưng rồi sau tất cả, dấu ấn mà Công Phượng để lại không có nhiều. Anh không có được bất kỳ bàn thắng hay kiến tạo nào, chật vật tìm vị trí dù đã rất nỗ lực hòa nhập, và cuối cùng đành rời đi với cùng một kịch bản: không được trọng dụng.
Ở tuổi 29, Công Phượng chuẩn bị nhận được một khoản tiền lót tay không lồ đến từ một CLB hạng Nhất. Sự trở lại lần này cũng được kỳ vọng sẽ mở ra cánh cửa lên ĐTQG với tiền đạo này. Tuy nhiên nhìn cách Công Phượng, rồi Quang Hải, Văn Hậu… lần lượt phải trở về không kèn không trống sau những lần xuất ngoại, người hâm mộ Việt Nam có lẽ đang tự hỏi đến khi nào mới có một cầu thủ Việt Nam thực sự có thể bùng nổ ở nước ngoài?
Đặng Văn Lâm là cái tên hiếm hoi được ra sân thi đấu nhiều khi xuất ngoại. Nhưng rồi với tình cảnh “tre đã già mà măng chưa mọc” như hiện tại của bóng đá nước nhà, giấc mơ này liệu có phải quá xa vời?
Theo Linh Đan (Nguoiduatin.vn)