TÌM ĐÂU TÂM THẾ CỦA NỀN BÓNG ĐÁ LỚN?
Một ông lớn thực thụ, liệu có quan tâm một nền bóng đá nhỏ nào đó muốn gặp ĐTQG của họ và giành chiến thắng? Nếu bóng đá Nhật Bản hay Australia biết ĐTVN muốn gặp ĐTQG của họ, thậm chí còn kỳ vọng sẽ giành chiến thắng... thì có lẽ 2 cường quốc bóng đá châu Á này cũng chẳng mấy quan tâm.
Nhưng bóng đá Trung Quốc thì khác. Họ đang cảm thấy bị tổn thương mạnh mẽ, đang nổi giận đùng đùng khi ĐTVN muốn chung bảng với đội tuyển Trung Quốc, thậm chí mong thắng thầy trò HLV Li Tie.
Mà thực tế, mong muốn của ĐTVN là rất bình thường. Đội tuyển Trung Quốc và đội tuyển Iraq ở cùng nhóm hạt giống số 4 trước khi chia bảng. Chính truyền thông Trung Quốc còn từng cảm thấy may mắn khi chắc chắn không chung bảng với Iraq. Vậy thì cớ sao lại cảm thấy bị xúc phạm, nếu bóng đá Việt Nam muốn chung bảng với đội tuyển Trung Quốc hơn là đội tuyển Iraq?
Còn về kỳ vọng muốn thắng đội tuyển Trung Quốc ư? Đội tuyển Trung Quốc mạnh hơn đội tuyển Việt Nam, nhưng không quá nhiều. Trong bóng đá, chênh lệch ở mức không quá lớn như vậy chưa nói lên điều gì. Và kỳ vọng muốn thắng, hoặc chí ít cầm hòa đội tuyển Trung Quốc của đội tuyển Việt Nam cũng là rất, rất bình thường.
Nhưng với bóng đá Trung Quốc, logic bình thường ấy lại trở thành bất bình thường. Vậy bóng đá Trung Quốc có hay không tâm thế của một ông lớn? Câu trả lời có lẽ là "KHÔNG".
CƠN GIẬN PHẢI CHĂNG XUẤT PHÁT TỪ SỰ GANH TỴ VÀ SỢ HÃI?
Không chỉ thiếu tâm thế của một nền bóng đá lớn, bóng đá Trung Quốc nổi giận còn phần nào cho thấy họ đang ganh tỵ và sợ hãi.
Vài năm trở lại đây, truyền thông, NHM và giới chuyên gia bóng đá Trung Quốc thường chủ động ca ngợi các chiến tích của đội tuyển Việt Nam, rồi đem ra so sánh, chỉ trích đội nhà. Họ cảm thấy chán nản khi bóng đá nước nhà sa sút, còn một nền bóng đá nhỏ như Việt Nam lại không ngừng tiến bộ để vươn tầm châu lục.
Bóng đá Trung Quốc thậm chí từng lo ngại về một tương lai, ĐTQG của họ có thể sẽ thua đội tuyển Việt Nam. Nhưng khi đó, chưa có kịch bản để đôi bên gặp nhau. Vì vậy, nỗi lo đó gần như chỉ mang tính kích thích đội tuyển Trung Quốc.
Theo thời gian, khi kịch bản đội tuyển Trung Quốc có thể đụng độ đội tuyển Việt Nam lộ diện, bóng đá Trung Quốc cũng xoay chiều. Họ nhấn mạnh vị thế cửa trên so với bóng đá Việt Nam, và muốn thắng đối thủ để thể hiện sức mạnh của đội nhà.
Những bình luận của bóng đá Trung Quốc về bóng đá Việt Nam có không ít sự cay nghiệt, ngạo mạn. Nhưng sau cùng, chúng lại chỉ chứng tỏ bóng đá Trung Quốc đang ganh tỵ trước sự tiến bộ của bóng đá Việt Nam và sợ hãi viễn cảnh có thể thất bại khi đôi bên đối đầu.
Trước những nhiệm vụ khó khăn, bóng đá Trung Quốc không chỉ dìm đội tuyển mà mới ngày nào họ còn ca ngợi; ngay cả chính sách nhập tịch từng tạo ra nhiều tranh cãi ở bóng đá Trung Quốc thì giờ cũng thành một chiếc phao cứu sinh được người người yêu bóng đá Trung Quốc đặt niềm tin.
Với bóng đá Việt Nam, viễn cảnh thua đội tuyển Trung Quốc là bình thường và không quá khó để chấp nhận. Nhưng bóng đá Trung Quốc liệu đã tự hỏi về kịch bản ấy. Rằng họ sẽ ra sao khi thật sự thua một đối thủ nhỏ yếu hơn nhiều? Khi ấy, sự sợ hãi và ganh tỵ của bóng đá Trung Quốc có thể bùng nổ rồi xóa hết niềm tin của họ.
Theo Đoàn Dự (Pháp Luật và Bạn Đọc)