CH Séc ở Euro 2004: Cỗ máy tấn công toàn diện

20/04/2016 17:28:34

Hy Lạp có thể là đội bóng được nhắc đến nhiều nhất tại Euro 2004 nhưng CH Czech với thế hệ vàng của mình mới xứng đáng được người hâm mộ nhớ đến bởi lối chơi tấn công rực lửa và đầy phóng khoáng.

Hy Lạp có thể là đội bóng được nhắc đến nhiều nhất tại Euro 2004 nhưng CH Czech với thế hệ vàng của mình mới xứng đáng được người hâm mộ nhớ đến bởi lối chơi tấn công rực lửa và đầy phóng khoáng.

Năm 2004 ấy, CH Czech có mọi thứ. Từ một tiền đạo cao hơn 2 mét và chơi đầu cực tốt như Jan Koller, đến một chân sút sở hữu tốc độ và khả năng dứt điểm toàn diện như Milan Baros. Họ cũng sở hữu những tiền vệ công có lẽ là hay nhất châu Âu ở thời điểm đó, với lão tướng Karel Poborsky, tài năng trẻ Tomas Rosicky và nhạc trưởng, thủ lĩnh và cũng là quả bóng vàng châu Âu khi đó, Pavel Nedved. HLV Karel Bruckner khi đó còn sở hữu một tiền vệ phòng ngự theo thiên hướng đánh chặn là Tomas Galasek, cũng như cặp hậu vệ biên sẵn sàng lên công về thủ như những con thoi Jankulovski và Grygera. Như thế là đội tuyển đến từ Trung Âu này đã có đủ mọi nguyên liệu cho hàng công “khủng bố”, cộng với một thủ thành đầy chắc chắn như Petr Cech, ai cũng biết CH Séc sẽ là đối thủ đáng gờm với bất kỳ đội bóng nào.

Rơi vào bảng tử thần với sự hiện diện của Đức, Hà Lan và đội bóng nhỏ bé Latvia, mọi chuyện có vẻ không hề dễ dàng với thầy trò HLV Karel Bruckner, song thực tế lại hoàn toàn khác hẳn. CH Séc toàn thắng cả 3 trận đấu vòng bảng, trong đó có trận cầu được cho là hay nhất Euro năm đó trước Hà Lan. HLV Bruckner đã sử dụng sơ đồ lạ lẫm 4-1-3-2 quá thiên về tấn công vốn là để tận dụng hết điểm mạnh của những ngôi sao hàng đầu mà ông có trong tay. Tưởng chừng như một mình Galasek trấn an tuyến giữa sẽ là vấn đề lớn, nhưng bộ ba Rosicky, Nedved và Poborsky đều là những mẫu tiền vệ tấn công cơ động và sẵn sàng lùi về hỗ trợ các đồng đội khi cần thiết.

Điều thú vị là ở cả 3 trận đấu tại vòng bảng, họ để rơi vào thế phải lội ngược dòng nhưng đã thành công. Ở trận đấu thứ hai khi đối mặt với Hà Lan của những Jaap Stam, Phillip Cocu, Clarence Seedorf, Edgar Davis, Arjen Robben hay Ruud van Nistelrooy, CH Séc đã sớm phải vào lưới nhặt bóng tới 2 lần chỉ trong vòng 20 phút đầu tiên. Ngay lập tức, Karel Bruckner thực hiện quyền thay đổi người. Khi mà Vladimir Smicer còn đang khởi động để chuẩn bị vào sân, Jan Koller đã nhanh chóng gỡ lại 1 bàn cho đội nhà.

CH Séc rõ ràng nên ưu tiên tránh khỏi thất bại, hơn là cố gắng giành chiến thắng, khi mà họ đã có 3 điểm sau loạt trận đầu tiên, nhưng Bruckner vẫn quyết định tung Smicer, một tiền vệ cánh, vào sân. Người phải ra nghỉ bất ngờ chính là một hậu vệ, đó là Grygera. Không phải một trận đấu định đoạt số phận, nhưng HLV sinh năm 1939 vẫn quyết định chơi một canh bạc.

Chưa dừng lại ở đó, ông đã còn cất tiền vệ phòng ngự của mình lên băng ghế dự bị để thay bằng Marek Heinz, một tiền đạo, khi mà trận đấu vẫn còn nửa giờ đồng hồ. Thế nhưng diễn biến sau đó đã cho thấy ông hoàn toàn có lý. Milan Baros và Smicer đều lập công giúp Pavel Nedved và các đồng đội lội ngược dòng thành công trước đội bóng đến từ xứ sở của những chiếc cối xay gió.

CH Séc càng chơi càng hay và dù thay đổi cả 10 vị trí trong đội hình xuất phát cho trận đấu cuối cùng với Đức, khi mà đã chắc suất đi tiếp, họ vẫn thành công trong việc vượt qua “những cỗ xe tăng”, cũng với phong cách lội ngược dòng hào hùng như thế. Với phong độ xuất sắc, CH Séc dễ dàng đánh bại Đan Mạch ở trận tứ kết với cú đúp của Milan Baros và bàn còn lại đến từ gã khổng lồ Jan Koller, qua đó trở thành ứng cử viên nặng ký cho chức vô địch cũng như được người hâm mộ trung lập dành tình cảm lớn lao.

Thế nhưng mọi thứ bắt đầu sụp đổ khi nhạc trưởng Pavel Nedved dính chấn thương ở phút 40 trong trận bán kết với Hy Lạp, nhiều người đã bắt đầu nghi ngờ rằng những chuyện không hay nữa sẽ xảy ra. Đội bóng đến từ Nam Âu phòng ngự quá kín kẽ và điều này khiến cho HLV Karel Bruckner gặp rất nhiều rắc rối. Ngay cả việc sử dụng Jan Koller cũng không phải phương án hay khi mà Hy Lạp cũng có một trung vệ cao tới 1m96 như Dellas. Ngoài trường hợp chấn thương bất đắc dĩ với Nedved, ông Bruckner đã không tung ra thêm quyền thay đổi nào trong suốt 120 phút trận đấu, để rồi CH Séc để thua ở một tình huống mà nhiều người cũng đã lường trước: Cố định, bóng bổng và cái đầu của Traianos Dellas.

Nếu còn Pavel Nedved trên sân, có thể mọi chuyện sẽ tốt đẹp hơn với CH Séc và Euro 2004 sẽ trở thành một giải đấu trong mơ với những CĐV của trái bóng tròn, nhưng không phải bộ phim nào cũng có cái kết trọn vẹn và trong bóng đá, điều này còn xảy ra thường xuyên hơn nữa. Thế hệ vàng của CH Séc còn đến World Cup 2006 với một chiến thắng huỷ diệt trước Mỹ ở ngày khai màn, nhưng những chiếc thẻ đỏ trong các trận đấu với Ghana và Ý đã lấy đi của họ chiếc vé lọt vào vòng knock-out. Việc thất bại tại Euro 2008 và thậm chí còn không lọt nổi tới World Cup 2010 đã thực sự chấm dứt huyền thoại về một cỗ máy tấn công toàn diện bậc nhất thập kỷ vừa qua.

Theo Hàn Phi (Bongda24h.vn)

Nổi bật