HLV Nguyễn Hữu Thắng |
Chuyên gia Vũ Mạnh Hải: Bộ giao chỉ tiêu HCV là hơi... buồn cười
Tôi nghĩ nếu quả thực Bộ VHTTDL chỉ đạo giao chỉ tiêu HCV thì hơi lạ lẫm, phải nói thực là hơi... buồn cười. Những vấn đề cụ thể về chuyên môn nên để VFF quyết định với HLV. Việc Bộ tham gia quá sâu vào chuyên môn như vậy, tôi nghĩ không cần thiết, Bộ nên tham gia vào các vấn đề khác vĩ mô hơn.
Tôi nghĩ việc giao chỉ tiêu cần căn cứ, đánh giá theo đúng thực chất của ĐT cũng như HLV ở thời điểm hiện tại. Còn cứ áp chỉ tiêu thế này thì giống như kiểu “đếm cua trong lỗ”. Chúng ta chưa đánh giá chính xác thực lực nền bóng đá như thế này sẽ tạo ra một tiền lệ không hay, rồi lại mất uy tín của những người ở thượng tầng thôi.
Việc giao chỉ tiêu cụ thể thế này sẽ tạo một áp lực nặng nề với một HLV nội. Chúng ta nên thực tiễn hơn, là tập trung đánh giá lại khả năng và trình độ của cả nền bóng đá xem có thể tranh chấp được với Thái Lan và các nước khác hay không. Nếu chỉ giao chỉ tiêu đơn thuần thế này thì giống như kiểu hô khẩu hiệu “chiến thắng”, nhưng thực chất không biết đối phương thế nào. Tôi nghĩ nếu giao chỉ tiêu như vậy - không thực tiễn, gây áp lực không tốt với HLV nội.
“Bầu” Đức (Phó Chủ tịch VFF Đoàn Nguyên Đức - PV) đã nói là phải giành HCV SEA Games 29, không thì cả HLV và lãnh đạo VFF nên nghỉ. Tôi không đồng tình với quan điểm này. Với tư cách một phó chủ tịch VFF mà phát ngôn như vậy là không được. Nói như vậy là vội vàng, thiếu sự đánh giá về chuyên môn một cách chính xác.
Tôi nghĩ, việc áp chỉ tiêu như vậy một phần do áp lực của dư luận. Mà đã là áp lực của dư luận thì cần tỉnh táo chứ không thể nào cứ theo dư luận được. Vai trò của những nhà chuyên môn ở đâu? Phải đánh giá thực tế nền bóng đá của Việt Nam đã hơn hẳn Thái Lan, Malaysia, Singapore… chưa, mà đòi giành HCV. Phải đánh giá minh bạch, chính xác, khách quan. Chứ không thể như ông Đức lấy đội tuyển U.19 làm thước đo được. ĐT quốc gia, ĐT U.23 khác.
Chuyên gia Trịnh Minh Huế: Đừng quan trọng hóa lứa U.23
Như các nước khác, người ta quan tâm đến ĐTQG, còn những đội trẻ U.23, U.21, U.19 chỉ là những lứa kề cận để đưa lên ĐTQG. Họ không quá quan tâm đến lứa trẻ như Việt Nam đâu. Người ta chỉ tự hào khi ĐTQG vô địch một giải đấu nào đó. Bởi ĐTQG mới là tập hợp những cầu thủ hay nhất, ở mọi độ tuổi. ĐTQG mới là đại diện cho cả nền bóng đá.
Lẽ ra Bộ nên quan tâm đến những cái vĩ mô để phát triển nền bóng đá, bao giờ thì nền bóng đá có 18 đội V-League, 20 đội hạng Nhất để cầu thủ có cơ hội thi đấu, thành tài và nền bóng đá phát triển. Chứ nếu chỉ quan tâm đến tấm HCV SEA Games thì chứng tỏ những người lãnh đạo không coi ĐTQG là gì nữa rồi à? Trong khi đó, giải AFF Cup cuối năm nay diễn ra quan trọng hơn, lại đi quan tâm cho cái ít quan trọng hơn vào năm sau. Như thế khác gì kéo nền bóng đá đi xuống. Vậy ĐTQG là gì bây giờ, sao không tập trung cho cái lớn ấy?
Như anh Đức phát ngôn, tôi nghĩ không nên quá quan trọng hóa ĐT U.23 để đẩy Liên đoàn (Liên đoàn Bóng đá Việt Nam - VFF) vào thế bị giải tán. Hãy tự hào khi nào ĐTQG vô địch thôi. Nền bóng đá phải được quyết định bởi ĐTQG, còn tất cả chỉ là trẻ. Việc vô địch các giải trẻ cũng là tốt, nhưng cái đó chỉ làm nền cho ĐTQG, đó không phải đỉnh cao. Theo quan điểm của tôi, dẫu có 10 lần vô địch SEA Games mà không vô địch AFF thì cũng không có ý nghĩa về nền bóng đá, về đỉnh cao.
Theo đại diện Bộ VHTTDL trong cuộc làm việc với VFF và HLV Nguyễn Hữu Thắng, thì VFF và Hữu Thắng không nên đặt mục tiêu chung chung mà cần đưa ra chỉ tiêu cụ thể, đó là tấm HCV SEA Games 29.
Trước đó, tại Hội nghị Ban chấp hành VFF lần thứ 7 tại TPHCM, sau khi chấm dứt hợp đồng trước thời hạn với HLV Miura, Ban chấp hành cũng đã thống nhất lựa chọn HLV nội dẫn dắt ĐT Việt Nam. Đồng thời mục tiêu được đề ra là hướng đến tấm HCV SEA Games 29 mà người quyết liệt nhất là Phó Chủ tịch VFF Đoàn Nguyên Đức.
Theo Đăng Huỳnh (Lao Động)