Từ Hoàng Dũng nhìn về CLB Thanh Hóa
Hoàng Dũng là một nghệ sĩ trẻ vừa sáng tác, vừa ca hát và để lại dấu ấn trong lòng khán giả với những nhạc phẩm như "Nàng thơ", "Nửa thập kỷ" hay "Đoạn kết mới". Giọng hát của Hoàng Dũng rất ngọt ngào nhưng cũng bộc lộ nhiều khuyết điểm.
Với người hâm mộ, họ yêu mến khả năng sáng tác của anh và cũng dễ dàng chấp nhận một giọng hát vừa đủ để truyền tải bài hát. Nhưng bản thân Quang Dũng luôn muốn hướng tới một phiên bản tốt hơn, hát hay hơn. Và mới đây, trong concert "Yên", Hoàng Dũng khiến mọi người bất ngờ với màn trình diễn "Nửa thập kỷ" (một bài hát khó) có thể so sánh với những giọng ca nam nhạc nhẹ hàng đầu hiện nay.
Hoàng Dũng vẫn có thể hát như cũ, người ta vẫn yêu mến anh. Nhưng rõ ràng, với trình độ thanh nhạc được cải thiện, anh tự nâng tầm bản thân và khán giả lên một bậc. Nhìn Hoàng Dũng trình diễn, có thể thấy sự thỏa mãn của một nghệ sĩ vượt qua giới hạn bản thân và sự tự tin của một ca sĩ có thể chinh phục và kiểm soát những nốt cao.
Hành trình vượt ngưỡng của Hoàng Dũng ít nhiều khiến người viết bài liên tưởng đến CLB Thanh Hóa ở mùa giải năm nay. Dưới tài cầm quân của HLV Popov, đội bóng xứ Thanh đang chơi thứ bóng đá đẹp bậc nhất V-League và thể hiện sự hiệu quả khi đang dẫn đầu giải đấu.
Họ chơi kiểm soát bóng, pressing cường độ cao và triển khai tấn công từ hàng thủ. Đó là thứ bóng đá mà người hâm mộ và bản thân các cầu thủ Thanh Hóa có lẽ đã từng nghĩ rằng họ không thể chạm tới. Ông Popov chỉ dẫn và cho họ khát khao thay đổi mình.
HLV Popov từng nói sẽ biến tiền vệ Lê Phạm Thành Long thành "Pirlo của Thanh Hoá", và điều này gây cười cho nhiều người hâm mộ thời điểm đó. Nhưng sau những vòng đấu vừa qua, Thành Long đã dần chứng tỏ tầm quan trọng trong lối chơi của Thanh Hóa, càng đá càng hay. Thành Long từng là một cầu thủ tiềm năng nhưng không thể phát triển đúng mức. HLV Popov cho anh cơ hội trở thành phiên bản tốt hơn.
Hãy còn quá sớm để nói Thanh Hóa có vô địch hay không hoặc Lê Phạm Thành Long có giữ được phong độ thời gian dài hay không. Tuy nhiên, trường hợp của đội bóng xứ Thanh cho thấy cầu thủ Việt Nam hoàn toàn có khả năng thi đấu hiện đại và trực diện hơn, đáp ứng được những yêu cầu chiến thuật khác nhau. Bên cạnh rèn giũa về chuyên môn, cầu thủ cần phải thoát khỏi tâm lý sợ thay đổi, sợ làm mới.
Trình độ chuyên môn được nâng cao sẽ giúp các cầu thủ mở rộng cơ hội xuất ngoại hoặc tìm kiếm bến đỗ tốt hơn. Điều đó đúng không chỉ với bóng đá, âm nhạc mà còn nhiều ngành nghề khác. Thanh Hóa đang làm bất ngờ cả V-League với lực lượng (bị cho là) hạng B nhờ khát khao vượt ngưỡng như thế.
Chuyện của đội tuyển Việt Nam
Rất trùng hợp, HLV Popov đến Việt Nam đúng lúc ĐTQG ký hợp đồng với HLV Troussier. Hai nhà cầm quân này có nhiều điểm tương đồng trong triết lý, nhất là việc kiểm soát bóng và cố gắng ghi bàn nhiều hơn đối phương để thắng trận.
Với HLV Troussier, ông bị nhiều người hâm mộ chỉ trích là sử dụng lối chơi quá sức với các cầu thủ Việt Nam, đòi hỏi những điều "trên trời". Nhưng CLB Thanh Hóa đã chứng tỏ cầu thủ Việt Nam không phải là không có tiềm năng. Và thực sự nếu không chịu thay đổi, bóng đá Việt Nam sẽ không thể tìm thấy một con đường mới để hướng tới những thành công xa hơn.
Nhưng chiến lược gia người Pháp có thể sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Vì thời gian làm việc với cầu thủ không nhiều như ở CLB. Thêm vào đó, nhiều cầu thủ trụ cột ở ĐTQG đều có "sức ỳ" nhất định khi đã gặt hái nhiều vinh quang trong những năm vừa qua.
Do đó, ông sẽ cần thêm những cái tên trẻ để tăng sức cạnh tranh trong đội hình. Và khi đó, những đội bóng chủ trương chơi kiểm soát bóng ở V-League như Thanh Hóa sẽ là nguồn cung cầu thủ chất lượng. Đúng như HLV Troussier nói, V-League mạnh thì đội tuyển quốc gia mới mạnh.
Theo Mạnh Tùng (Tiền Phong)