Di sản và hướng đi của HLV Troussier

22/05/2023 20:45:00

Sau thất bại tại SEA Games 32, HLV Philippe Troussier chịu áp lực lớn từ giới hâm mộ. Nhiều người cho rằng ông không giữ được di sản mà HLV Park Hang-seo để lại, nhưng liệu đó có phải điều quan trọng khi chiến lược gia người Pháp đang chọn hướng đi đúng đắn cho nền bóng đá nước nhà?

Di sản mơ hồ của HLV Park Hang-seo

Park Hang-seo là HLV thành công nhất lịch sử bóng đá Việt Nam, không ai có thể tranh cãi điều đó. Trong vòng 5 năm, ông giúp các đội tuyển Việt Nam “thống trị” bóng đá Đông Nam Á với 1 chức vô địch AFF Cup, 2 HCV SEA Games. Ngoài ra, thầy Park còn thiết lập các cột mốc mà có lẽ Việt Nam sẽ phải chờ thêm rất lâu để tái hiện, ví dụ như giành ngôi Á quân U23 châu Á, vào bán kết ASIAD, tứ kết Asian Cup và vào đến vòng loại World Cup cuối cùng.

Di sản và hướng đi của HLV Troussier
HLV Troussier sẽ đưa bóng đá Việt Nam vào nếp chuyên nghiệp đúng nghĩa.

Điều đáng tiếc nhất, HLV Park Hang-seo chia tay bóng đá Việt Nam bằng thất bại, và gần như không ai có thể cắt nghĩa chính xác di sản mà ông để lại là gì? Nếu đó là thành công ở các giải đấu cấp châu lục, là các danh hiệu ở Đông Nam Á, thì rõ ràng Park Hang-seo đã tạo dựng di sản đồ sộ cho bóng đá Việt Nam. Tuy nhiên, các thành tích đó chỉ có thể giúp các cầu thủ áo đỏ giữ vững sự tự tin trong tương lai.

Di sản của HLV Park Hang-seo không nằm ở con người. Thậm chí có ý kiến cho rằng chiến lược gia người Hàn Quốc đã tận dụng cầu thủ quá mức, khiến nhiều ngôi sao vật lộn với chấn thương trong thời gian dài. Điển hình là Đoàn Văn Hậu, Đình Trọng, Đỗ Duy Mạnh, Phan Văn Đức… Chiến lược gia người Hàn Quốc cũng gần như không có phát hiện mới nào trong 1-2 năm cuối cùng cầm đội tuyển. Trong phần lớn các đợt tập trung của U23 và ĐTQG Việt Nam, thầy Park ưu tiên gọi những cái tên quen thuộc ngay cả khi họ không đạt phong độ cao.

Di sản của HLV Park Hang-seo càng không nằm ở chiến thuật. Ông tạo dựng thương hiệu nhờ sự thực dụng nhiều hơn tạo ra một triết lý có tính kế thừa. Tất nhiên, không ai có thể trách thầy Park vì điều đó. Ông đến Việt Nam ở thời điểm các đội tuyển đang đánh mất niềm tin của người hâm mộ. Ông cần chiến thuật mang lại chiến thắng và thành tích ngay lập tức.

Nhưng vấn đề cũng nằm ở đó. Không ai thay đổi công thức đang thành công. Và sau khoảng 3 năm, chiến thuật của HLV Park Hang-seo bộc lộ vấn đề. Đừng quên, tuyển Việt Nam đã thất bại ở 2 kỳ AFF Cup liên tiếp cho dù sử dụng đội hình mạnh nhất, bao gồm một thất bại trước “đội hình 2” của Thái Lan. HCV ở SEA Games 31 - danh hiệu cuối cùng của HLV Park Hang-seo cũng có phần quan trọng đến từ việc chúng ta dồn toàn lực, sử dụng 3 cầu thủ quá tuổi hàng đầu trong khi các đối thủ thì không.

Nói cách khác, ngay cả bản thân HLV Park Hang-seo cũng không thể tiếp tục thành công, không thể đưa các đội tuyển Việt Nam tiến lên một đẳng cấp khác với chiến thuật của mình. Vì vậy, người kế nhiệm ông dù muốn cũng không biết kế thừa điều gì.

Hướng đi của Troussier

Philippe Troussier đang gây thất vọng, rất nhiều người đồng ý với điều đó. Nhưng còn quá sớm để cho rằng HLV người Pháp thất bại khi ông mới chính thức làm việc hơn 2 tháng. Troussier thậm chí chưa có thời gian dành cho ĐTQG Việt Nam vì muốn dồn toàn tâm trí cho U22/U23 Việt Nam.

Thất bại tại SEA Games 32 là điều được dự báo từ trước khi U22 Việt Nam không có ngôi sao nào nổi trội và phần lớn tuyển thủ đều thiếu kinh nghiệm thực chiến. Không quá lời nếu nói rằng các tuyển thủ U20 như Khuất Văn Khang, Nguyễn Văn Trường, Đinh Xuân Tiến… còn nổi tiếng hơn các đàn anh. Chưa kể, phần lớn cầu thủ phải làm quen với chiến thuật hoàn toàn mới. Không cần bàn thêm về triết lý của Troussier bởi lẽ đó là câu chuyện cần thời gian, nhưng hiện tại, ông đã vạch ra một ý tưởng đúng đắn cho bóng đá Việt Nam. Đó là hạn chế làm phiền các giải đấu chuyên nghiệp trong nước, điều vốn gây nhức nhối xuyên suốt thời HLV Park Hang-seo.

SEA Games 32 có lẽ sẽ là giải đấu cấp độ trẻ cuối cùng mà V-League phải tạm hoãn dài ngày để nhường chỗ. Đây vốn là lịch trình mà VFF sắp xếp từ đầu năm, không chịu ảnh hưởng từ mong muốn của HLV Troussier.

Chia sẻ sau khi U22 Việt Nam đánh bại U22 Myanmar ở trận tranh HCĐ SEA Games 32, HLV Troussier cho biết: “Tôi và VFF quyết định cử đội U20 tham dự ASIAD 19 và U23 Đông Nam Á 2024 thay cho U23 Việt Nam, vì các giải đấu này không diễn ra vào dịp FIFA Days. V-League đã phải tạm hoãn nhiều lần để nhường chỗ cho cả đội trẻ và điều này không hợp lý. Tôi không muốn các đội tuyển của mình gây ảnh hưởng xấu đến các CLB và hệ thống giải đấu chuyên nghiệp”.

“Ngay cả đội U20 Việt Nam cũng chưa chắc có đầy đủ ngôi sao. Nếu các CLB không chấp nhận nhả người, chúng tôi sẽ chấp nhận điều đó. Họ cũng có mục tiêu của riêng họ. Tôi nghĩ các đội tuyển cần nghĩ đến lợi ích của các CLB, sao cho tất cả hài hòa. Không thể để các giải đấu chuyên nghiệp trong nước ngắt quãng liên tục để phục vụ cả đội trẻ. Tôi muốn xây dựng ĐTQG dựa trên nền tảng là các CLB. Khi các CLB mạnh, giải VĐQG mạnh thì ĐTQG cũng sẽ mạnh theo. Đó là điều tất yếu”.

Thực tế, đây đã là vấn đề gây tranh cãi âm ỉ từ lâu. Ngay cả người hâm mộ cũng tin rằng các ĐTQG Việt Nam cần vận hành đúng theo FIFA Days để hòa nhịp với châu lục và thế giới, qua đó thăng tiến một cách bền vững.

HAGL ủng hộ kế hoạch của HLV Troussier

HAGL là một trong những đội bóng đầu tiên của V-League công khai ủng hộ kế hoạch của HLV Troussier. Trước thềm SEA Games 32, đội bóng phố Núi thậm chí đánh công văn cho Ban tổ chức V-League bày tỏ mong muốn giải đấu được vận hành đúng chuẩn thế giới, giống như Thái League. Cụ thể, trừ dịp FIFA Days, không có lý do gì khiến các giải đấu trong nước phải tạm hoãn để các CLB nhả người cho các ĐTQG.

HAGL nhấn mạnh: “Sau khi tham khảo ý kiến của các nhà chuyên môn, lãnh đạo các CLB, rút kinh nghiệm mùa giải năm nay bị gián đoạn liên tục ảnh hưởng đến V-League 1 và 2, CLB HAGL kiến nghị LĐBĐ Việt Nam chủ trì tổ chức hội thảo để tìm ra phương án tổ chức tốt nhất cho giải”.

“Hiện nay, bóng đá Việt Nam đã hòa nhập với bóng đá thế giới, châu lục và khu vực. HAGL kiến nghị giải đấu cao nhất nước ta sẽ đi theo hướng chung của các giải đấu chuyên nghiệp của châu lục hoặc như cách tổ chức của Thai League. Giải chỉ dừng trong những ngày FIFA Days hoặc các giải đấu của tuyển quốc gia như Asian Cup, AFF Cup.

Theo An Khánh (CAND Online)