“Kho báu” niềm tin!
Trong năm 2018, mọi thứ đến với BĐVN cứ như một giấc mơ. Từ chỗ chỉ mong kiếm được 1 điểm tại vòng chung kết giải U23 châu Á ở Thường Châu (Trung Quốc), thầy trò huấn luyện viên (HLV) Park Hang-seo với bầu nhiệt huyết nóng bỏng cộng với niềm tin chiến thắng đã ghi tên mình vào lịch sử với tấm HCB diệu kỳ.
Sau đó ít lâu, vẫn là ông thầy người Hàn Quốc cùng các “chiến binh” của mình đập tan mọi nghi ngờ, những luận điệu thiếu tự tin cho rằng U23 Việt Nam đơn giản chỉ… ăn may! Ở Indonesia, bất chấp những khó khăn về điều kiện sân bãi khi tập luyện, Olympic Việt Nam đã đi tới tận bán kết ASIAD 18, khiến Olympic Hàn Quốc (đội sau đó đã lên ngôi vô địch) của ngôi sao Son Heung-min phải toát mồ hôi hột. Trận đó, đội bóng xứ kim chi thắng 3-1, nhưng cú sút phạt đẳng cấp của Minh Vương mới là dấu ấn đẹp nhất.
Sau những dấu ấn trên đấu trường châu lục ở cấp độ trẻ, người hâm mộ Việt Nam chờ đợi HLV Park Hang-seo khẳng định đẳng cấp ở khu vực Đông Nam Á. Và không phụ lòng tất cả, đội tuyển đã lên ngôi vô địch AFF Cup 2018 sau 10 năm chờ đợi mỏi mòn.
Sau tất cả, “kho báu” niềm tin mà HLV Park Hang-seo đã để lại cho bóng đá Việt Nam không chỉ dừng ở lý thuyết suông; mà chính là những bài học thực tiễn về việc dám ước mơ, dám hành động tỉ mỉ, chi tiết, thận trọng để biến ước mơ thành hiện thực.
Tại vòng bảng ASIAN Cup 2019, đội tuyển Việt Nam đã chơi mạnh mẽ, tự tin trước Iraq và suýt thắng...
Từ châu Á vươn ra thế giới
Từ nay tới World Cup 2026 còn 7,5 năm nữa. Còn nếu tính thời điểm thi đấu vòng loại khu vực châu Á để giành vé dự World Cup thời điểm ấy thì còn khoảng 6,5 năm – thời gian mà những Đoàn Văn Hậu, Đình Trọng, Quang Hải, Phan Văn Đức, Đức Huy, Đức Chinh, Tiến Linh, Bùi Tiến Dũng… ở vào độ chín nhất của sự nghiệp. Đó chính là những chàng trai từng dự FIFA U20 World Cup 2017 dưới thời HLV Hoàng Anh Tuấn.
Thực tế, trong năm 2018, HLV Park Hang-seo vẫn luôn để mắt tới những “hạt ngọc” U20 như Phan Thanh Hậu, Lương Hoàng Nam, Nguyễn Hoàng Đức, Huỳnh Tấn Sinh, Nguyễn Trọng Đại, Đinh Thanh Bình, Trương Văn Thái Quý, Dương Văn Hào…
Có thể họ không đồng hành cùng đội tuyển Việt Nam lên ngôi vô địch AFF Cup và thi đấu tại Asian Cup 2019, nhưng đó là “của để dành” cho chiến lược lớn, tham vọng lớn mang tên World Cup 2026.
Trao đổi với báo chí trong ngày nhậm chức Chủ tịch VFF khóa VIII (nhiệm kỳ 2018-2022), Thứ trưởng Bộ VHTTDL Lê Khánh Hải nói ý tứ về mục tiêu World Cup: “Mục tiêu đến năm 2030 của chúng ta là lọt vào tốp 10 châu Á. Vậy nên để có mặt trong 8 đội giành quyền đại diện châu Á dự World Cup 2026, BĐVN sẽ phải nỗ lực rất nhiều”.
Lúc này, BĐVN đã dám ước mơ World Cup và không coi đó là điều… không tưởng như trong quá khứ nữa! Nhưng khi mọi thứ đang ở gần trong tầm tay cũng là lúc phải biết phát huy mọi nội lực, mạnh dạn hành động để biến ước mơ thành hiện thực!
Trao đổi với phóng viên NTNN, nhiều chuyên gia, HLV bóng đá cho rằng có 3 việc cần làm ngay với BĐVN sau Asian Cup 2019. Thứ nhất là tiếp tục duy trì đào tạo trẻ, thậm chí phải rộng và sâu hơn. Thứ 2, V.League cần những ngôi sao hàng đầu thế giới đã “về hưu” kiểu như Hải Phòng đã mời Denilson trước đây. Tất nhiên, không phải chỉ mang họ đến để du lịch, “làm màu” mà là gắn bó thực sự như cách những Ljungberg, Pires, Silvestre, Del Piero, Trezeguet, Anelka... đến với giải bóng đá vô địch Ấn Độ. Kinh nghiệm, sự trải nghiệm ở đỉnh cao thế giới của họ sẽ giúp ích rất nhiều cho các cầu thủ của chúng ta, đặc biệt là cầu thủ trẻ.
Thứ 3, các cầu thủ “hạt giống” như Quang Hải, Công Phượng… cần được sang châu Âu chơi bóng ở những nơi phù hợp phong cách và triết lý chơi bóng - như Hà Lan chẳng hạn!
Các giải pháp được đưa ra đồng bộ với sự vào cuộc từ nhiều phía, huy động mọi nguồn lực của xã hội, BĐVN lo gì không thể “vượt vũ môn”!
Theo Lê Đức (Dân Việt)