“Thực sự rất khó khăn khi cùng lúc nắm cả U23 Việt Nam và tuyển Việt Nam. Tôi bị quá tải. Tôi đang thảo luận chuyện này và nếu tôi có thể tập trung và lựa chọn, tôi nghĩ nó sẽ tốt hơn". Đó là những chia sẻ của HLV Park Hang-seo khi vừa đặt chân trở lại Hàn Quốc, vào thời điểm ông vừa hoàn tất chiến dịch Asian Cup 2019 cùng ĐT Việt Nam với thành tích lọt vào tứ kết.
HLV Park Hang-seo bắt đầu kết duyên với bóng đá Việt Nam từ tháng 10/2017 và đã trải qua 4 giải đấu chính thức cùng các cấp độ đội tuyển. Ở sân chơi nào, thầy Park và các học trò cũng đều giành được thành công và để lại dấu ấn đậm nét.
Tuy nhiên việc phải kiêm nhiệm quá nhiều cấp độ đội tuyển khiến HLV Park Hang-seo có một năm làm việc vô cùng vất vả, đặc biệt trong hoàn cảnh đội đều tập trung từ rất sớm, tập luyện trong một thời gian dài và sau đó gần như đều đi đến giai đoạn cuối cùng của giải đấu. Chưa kể đến việc các đội tuyển còn thi đấu tại Vòng loại Asian Cup 2019 (gặp Jordan vào tháng 3/2018) và các trận đấu giao hữu chuẩn bị trước thềm mỗi giải đấu.
Bảng thống kê các giải đấu và thời gian tập trung của đội U23 QG, Olympic QG và ĐTQG dưới thời HLV Park Hang-seo
Giải đấu | Số trận | Thời gian tập trung | Thời gian tập trung |
U23 Châu Á 2018 | 6 trận | 18/12/2017 – 27/1/2018 | 47 ngày |
ASIAD 18 | 7 trận | 23/7/2018 – 1/9/2018 | 40 ngày |
AFF Cup 2018 | 8 trận | 11/10/2018 – 15/12/2018 | 72 ngày |
Asian Cup 2019 | 5 trận | 20/12/2018 – 24/1/2018 | 35 ngày |
Nhìn ra thế giới, công việc dành cho ĐTQG và các đội trẻ luôn có sự tách biệt rõ ràng. Ví dụ như ở Anh, HLV trưởng Gareth Southgate chỉ có nhiệm vụ duy nhất là dẫn dắt ĐTQG. Trong năm 2018, vị chiến lược gia 48 tuổi này dẫn dắt ĐT Anh tham dự hai đấu trường quan trọng là World Cup 2018 (7 trận) và UEFA Nation Cup (4 trận).
Trong khi đó, cấp độ đội tuyển liền kề nhất với ĐTQG tại Anh là đội U21 thi đấu 13 trận trong năm 2018. Tuy nhiên Gareth Southgate không phải là người quản lý đội U21 mà HLV Aidy Boothroyd, người bắt đầu đảm nhận vai trò dẵn dắt các đội trẻ của Anh từ năm 2014.
Một ví dụ gần hơn tại khu vực đó là Thái Lan. Bóng đá nước này cũng tham dự cả 4 giải đấu lớn trong hơn 1 năm qua giống như Việt Nam, tuy nhiên LĐBĐ Thái Lan quyết định không để cho một HLV kiêm nhiệm cả đội U23 QG, Olympic QG và ĐTQG.
Ở VCK U23 Châu Á 2018, U23 Thái Lan được dẫn dắt bởi HLV Jankovic. Sau 3 trận đấu và phải dừng bước ngay tại vòng bảng, HLV Worrawoot Srimaka được đưa lên thay ông Jankovic và sau đó đảm nhận vị trí HLV trưởng Olympic Thái Lan tại ASIAD 18.
Trong khi đó với ĐTQG, người giữ vai trò này tại AFF Cup 2018 là HLV Rajevac. Ông này sau đó cùng ĐT Thái Lan tham dự Aisan Cup 2019 và bị sa thải ngay sau trận đấu đầu tiên gặp Ấn Độ. Người lên thay ông Rajevac là HLV Sirisak Yodyardthai sau đó đã đưa đội bóng này lọt vào đến vòng 1/8.
Cần phải nhấn mạnh, việc kiêm nhiệm như HLV Park Hang-seo trên thế giới không phải là không có. Đó là trường hợp của HLV Felix Sanchez và bóng đá Qatar. Tuy nhiên ông này cũng chỉ phải dẫn dắt đội U23 QG tham dự VCK U23 Châu Á 2018 và sau đó là Asian Cup 2019. Còn tại ASIAD 18, người dẫn dắt Olympic Qatar là HLV Unai Melgosa.
"Tôi sẽ trải qua vòng loại đầu tiên (U23 châu Á) vào tháng 3, bước đầu tiên hướng tới TVH Tokyo 2020. Vòng loại cuối cùng diễn ra vào tháng 1 năm sau. Rồi vòng loại World Cup 2022 cũng sẽ bắt đầu (tháng 5). Vào tháng 11 có SEA Games - với người Việt thì cũng tương đương như AFF Cup”.
Đó là những giải đấu mà HLV Park Hang-seo liệt kê trong năm 2019. Chưa dừng lại ở đó, ngay sau khi SEA Games 30 kết thúc vào ngày 10/12, ông sẽ lại phải tiếp tục bắt tay vào chuẩn bị cho VCK U23 Châu Á 2020 diễn ra vào tháng 1 năm sau, trong trường hợp U23 Việt Nam vượt qua vòng loại.
Rõ ràng, những thử thách đang chờ đợi HLV Park Hang-seo là rất lớn. Và trong bối cảnh đã có một năm quá thành công, áp lực đến với ông thầy người Hàn Quốc trong năm thứ hai của hợp đồng là điều không thể tránh khỏi, điều sẽ góp phần rất lớn gây nên cảm giác quá tải đối với người chịu trách nhiệm lớn nhất của đội bóng.
Âu Bằng (SHTT)