Của chung – BĐVN - ông còn đầu tư quyết liệt. Thế tại sao, của riêng - CLB HAGL - ông không đầu tư mạnh để đạt thành tích cao ở V-League?
- Phóng viên: Cuộc đời của ông gắn liền với những cột mốc lịch sử của BĐVN: Ông ký hợp đồng với Kiatisak – cầu thủ số 1 Đông Nam Á cuối năm 2001 mở ra trào lưu các cầu thủ ngoại "đổ bộ" vào V-League; 2007 ông mở Học viện HAGL JMG Arsenal - mở ra làn sóng phát hiện, đầu tư bóng đá trẻ chất lượng cao toàn quốc; cuối 2017 ông đã mời được ông Park Hang-seo làm thay đổi hoàn toàn một cách tích cực về vị thế của BĐVN ở tầm châu lục. Vậy quyết định nào ông cảm thấy hài lòng nhất?
- Ông Đoàn Nguyên Đức: Nói về bóng đá thì năm vừa rồi là tôi hài lòng nhất. Thành công này mang tầm quốc gia và có công đóng góp của tôi đã quá rõ, từ HLV cho đến VĐV. Tôi muốn nhắc lại câu chuyện cách đây hơn 10 năm khi xây dựng Học viện HAGL JMG Arsenal là cho Quốc gia chứ không phải cho CLB HAGL. Khi xây dựng học viện, không ít người nói tôi "chém gió" nhưng tôi làm là xây dựng lực lượng trẻ, cung cấp nguồn cầu thủ cho đội tuyển quốc gia (ĐTQG) và từ ý tưởng nay đã trở thành hiện thực nên tôi rất vui.
Với ông Park Hang-seo, tôi khẳng định là đích thân đi mời chứ không phải bất kỳ ai khác. Tôi đi mà chẳng có tư vấn, tất cả xuất phát từ mối quan hệ của HAGL với các đối tác ở Hàn Quốc. Khi HAGL có cầu thủ thi đấu ở Hàn Quốc thì thương hiệu HAGL được trân trọng ở Hàn Quốc và khi họ biết tôi là Chủ tịch CLB HAGL thì họ càng tôn trọng, từ đó những cuộc tiếp xúc trở nên dễ dàng hơn. Cuộc làm việc giữa tôi với ông Park không thông qua VFF cũng như LĐBĐ Hàn Quốc.
Tôi nói trắng ra là như thế này: "Tại sao tôi quyết liệt như thế?". Lúc đó, ý VFF muốn đưa HLV nội lên, và ai lên, tôi không nói ra, nhưng chắc mọi người cũng nhớ và biết, một người mà không có thành công nào ở cấp CLB làm sao đủ trình độ huấn luyện đội tuyển quốc gia. Thôi thì tế nhị, tôi không nêu tên, nhưng nếu đội tuyển quốc gia trao cho người này thì nát luôn rồi.
Mà nát BĐVN thì trong đó có tôi. Giấc mơ của tôi xây dựng Học viện là cho quốc gia, do đó càng nghĩ đến càng cho tôi thêm động lực phải mời bằng được HLV Park Hang-seo. Để làm được điều này, tôi buộc phải trả lương cho ông Park. Bởi không làm được thì Học viện HAGL JMG Arsenal nát, cầu thủ nát và BĐVN nát. Đó là lý do khiến tôi càng phải quyết liệt.
Điều thật may cho tôi là ông Park thành công. Tôi đã đánh cược cả sự nghiệp của mình vào canh bạc này, đánh cược vì sự nghiệp chung. Trước đó quá nhiều người chê trách ông Park, thậm chí nhận định không tốt về nhà cầm quân Hàn Quốc. Nếu ông Park thất bại, chắc chắn "tôi sẽ lên thớt và bị bằm nát". Khi đó, có lẽ gần như là chắc chắn, tôi sẽ phải từ bỏ sự nghiệp bóng đá.
Tính tôi đã nói là phải làm. Như tại SEA Games 2017, tôi tuyên bố nếu không đoạt HCV thì tôi sẽ rút khỏi VFF và khi đã nói là phải giữ lời. Tôi không như những lãnh đạo khác ở VFF. Thật ra dù có từ chức khi VFF chưa hết nhiệm kỳ khóa VII không có nghĩa là không còn trách nhiệm. Thậm chí như tôi bây giờ không còn trong VFF khóa VIII nhưng tôi nói là tôi giữ lời, tôi vẫn trả lương cho ông Park cho đến hết hợp đồng vào cuối tháng 1-2020.
- Ông nghĩ gì khi VFF chưa có động thái nào cho thấy muốn kéo dài hợp đồng với ông Park vì theo nguyên tắc, hai bên sẽ chỉ ngồi lại với nhau trước ba tháng khi kết thúc hợp đồng - có nghĩa là trên lý thuyết, đến cuối tháng 10-2019 hai bên mới thỏa thuận lại với nhau?
- Tôi nói luôn. Như thế là không chuyên nghiệp. Người tài không chờ chúng ta đâu, mình cần người tài mà. Mình phải trân trọng và cần đàm phán sớm, càng chậm trễ không khác nào coi thường người ta. Lỡ đàm phán mà ông Park lắc đầu thì sao? Thời điểm đó là trước SEA Games, ông Park mà tuyên bố không gắn bó với BĐVN nữa thì tôi tin chắc sẽ ảnh hưởng đến thành tích tại SEA Games 2019.
Đừng quên, 60 năm rồi, kể từ lần đầu tiên đoạt HCV năm 1959 cho đến nay, BĐVN vẫn chưa một lần đăng quang SEA Games. Về góc cạnh kinh doanh, người khôn là khi đàm phán sớm, chúng ta sẽ được giá phải chăng hơn.
- Với những gì ông Park làm được cho BĐVN, mức lương sắp tới chắc chắn phải cao hơn hiện nay. Ông có nghĩ VFF sẽ kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân cùng nhau đóng góp, chia sẻ với VFF? Khi đó ông có tiếp tục hay trở thành người ngoài cuộc?
- Đi xuống biển giữa giông bão bắt cá không phải ai cũng dám, còn bây giờ có cá rồi thì nhiều người quan tâm lắm, không đến lượt mình đâu. Ý tôi muốn nói như thế này, nếu VFF khôn khéo, thì nhiều người tham gia lắm. Vì ai trả lương cho ông Park là niềm vinh dự, là sự đóng góp cho đất nước. Lúc trước mờ mờ ảo ảo chưa có gì tôi còn xuất hiện, còn bây giờ rõ rồi thì nhiều người lắm. Vấn đề ở đây là VFF chỉ cần khôn khéo.
- Quan điểm của ông khi các học viên vào Học viện không chỉ được đào tạo về chuyên môn mà còn được học văn hóa và phải có bằng đại học cũng như được học ngoại ngữ để trao đổi lưu loát. Với ông, cầu thủ không chỉ đá đẹp mà còn phải ứng xử văn hóa. Vậy tại sao ông lại giang rộng vòng tay cứu Quế Ngọc Hải khi Hải đã có hành động phi thể thao khiến đồng nghiệp bị chấn thương và từ giã sự nghiệp?
- Quế Ngọc Hải là trường hợp khác. Hải là một tài năng và còn trẻ. Nếu được thức tỉnh thì Hải sẽ khác và chúng ta thấy Hải nay đã hoàn toàn khác. Ở đây là tôi cứu một tài năng, chúng ta nên cho cầu thủ trẻ Ngọc Hải một cơ hội. Ngọc Hải không phải là cầu thủ vô đạo đức. Xem Hải thi đấu chững chạc mà tôi rất vui.
Có những lần Hải thi đấu ở Pleiku nhưng tôi không có mặt. Thông qua anh em CLB HAGL, Hải muốn gặp tôi cám ơn, nhưng tôi có nhắn lại là Hải hãy thoải mái và đừng lăn tăn gì nữa.
- Dư luận cho rằng ông cứu Ngọc Hải là mở đường cho Hải về HAGL vì HAGL yếu ở tuyến phòng thủ?
- Không bao giờ. Tôi đã nói là tôi không đầu tư ở V-League nữa.
- Ông thành lập Học viện HAGL JLG Arsenal rồi CLB HAGL tồn tại để làm gì khi không đặt nặng vấn đề thành tích?
- Tôi hỏi ngược lại như thế này, trên thế giới có một ông chủ nào mà thay cả một đội hình đang thi đấu ở giải vô địch quốc gia bằng một lực lượng hoàn toàn trẻ tuổi đôi mươi? Thậm chí có cả những cầu thủ 17, 18 tuổi?
Nên nhớ V-League không phải là đấu trường dành cho một CLB 100% là cầu thủ trẻ. Mục đích của tôi là tạo điều kiện và rèn cầu thủ trẻ. Nếu không làm như thế thì làm sao chúng ta có Công Phượng dám cầm bóng đột phá giữa vòng vây cầu thủ Nhật Bản khiến cho họ phải vất vả! Nếu cho các cầu thủ lớn kèm cầu thủ trẻ, thì BĐVN sẽ không có thành quả như ngày hôm nay. Đội tuyển có tuổi bình quân trẻ nhất châu Á đồng thời cầu thủ Việt Nam giờ đây không bán độ vì không bị ảnh hưởng bởi cầu thủ lớn tuổi. Tôi xin lỗi, cầu thủ Việt Nam những thế hệ trước đa số là không sạch nên người hâm mộ luôn nghi ngờ và mất niềm tin.
Ở HAGL, ngay từ đầu, tôi đã tách biệt hai khu riêng biệt: cầu thủ Học viện và cầu thủ đội lớn. Nhà bếp khác nhau, sinh hoạt khác nhau. Cho đến bây giờ việc thay đổi đội hình trẻ ở HAGL với tôi là không sai. Lịch sử sẽ không lặp lại. Cho đến bây giờ quyết định của tôi là đúng. Đội HAGL đâu có xuống hạng và cũng không đạt thành tích cao vì sao thì tôi cũng đã giải thích. Nhưng đóng góp của HAGL cho ĐTQG là có, là đúng với mong muốn của tôi.
- Có lúc nào ông nghĩ là ông đã có những quyết định sai?
- Đã là con người thì đương nhiên phải có lúc đúng, lúc sai, không thể tuyệt đối được. Nhưng khi biết sai mình phải chấp nhận và sửa chữa, còn bảo thủ là mất hết. Đương nhiên là chẳng có ai đúng 100% mãi được. Cho đến bây giờ Học viện HAGL là nơi cung cấp cầu thủ nhiều nhất thi đấu ở V-League vì chúng tôi còn cho nhiều CLB mượn cầu thủ và đó cũng là đúng với tiêu chí của tôi là đào tạo cầu thủ để được trui rèn từ đó có khả năng thì khoác áo ĐTQG.
Ngay như đội U22 Việt Nam lần này cũng triệu tập 9 cầu thủ từ Học viện HAGL. Tôi tin rằng với xu hướng các nơi đã và đang quan tâm ngày càng nhiều việc đào tạo cầu thủ trẻ thì BĐVN sẽ không lo thiếu hụt tài năng. Vì ngay lúc này, Học viện HAGL cũng đã có nhiều cầu thủ tài năng sẵn sàng thay thế đàn anh trong vài năm tới. Điều này tạo sự cạnh tranh sòng phẳng và như thế là rất tốt cho BĐVN. Tôi nói điều này hẳn nhiều người cũng nói là tôi nói quá, nhưng nhiều đối tác từ Nhật và Hàn Quốc khi đến thăm quan Học viện HAGL thì họ ngỡ ngàng và khen là cơ sở vật chất cùng điều kiện tập luyện, ăn học, sinh hoạt ở Học viện HAGL quá bài bản và tốt hơn rất nhiều so với những học viện bóng đá khác ở Nhật Bản và Hàn Quốc.
Giờ đây tôi có thể khẳng định rằng, Học viện HAGL đã có sức lan tỏa để từ đó BĐVN mới có thêm các lò đào tạo của PVF, Viettel, Hà Nội. Đặc biệt là chính quan điểm đào tạo cầu thủ vừa giỏi vừa có văn hóa đã ảnh hưởng tích cực đến các lò đào tạo khác.
Đó là lý do CLB HAGL là đội hiện nay đi đến đâu cũng được người hậm mộ cổ vũ, thậm chí có những nơi dù đá trên sân khách nhưng khán giả đội chủ nhà vẫn cổ vũ cho HAGL. Vì sao? Vì họ yêu bóng đá đẹp, yêu cách ứng xử văn hóa của các cầu thủ HAGL và hình ảnh này đã lan tỏa đến ĐTVN – một đội tuyển quốc gia trẻ nhất ở Asian Cup 2019 và tác phong cùng cách ứng xử của toàn đội đều rất cao thượng. Một hình ảnh được người hâm mộ yêu mến.
- Nhưng đẹp mà không đạt được thành tích cao thì đẹp để làm gì, thưa ông?
- Người ta đến với HAGL trước tiên là vì cái đẹp, vì bóng đá sạch và vì cách ứng xử văn hóa. Tôi đưa ra ví dụ thế này, mỗi khi Công Phượng cầm bóng, đi bóng, đột phá là khán giả trầm trồ, khán đài nóng hẳn lên. Đó là gì? Đó là thứ bóng đá truyền cảm hứng. Các cầu thủ HAGL dù có ngồi trên ghế dự bị cũng vui vẻ nhưng khi được tung vào sân là máu lửa ngay. Công Phượng cũng vậy. Dù là ngôi sao, nhưng tính cách không ngôi sao.
- Với mối quan hệ phải nói là mật thiết với ông Park Hang-seo, có khi nào ông có dùng ảnh hưởng của mình và nói với ông Park chỉ nên triệu tập các cầu thủ trẻ và loại các cầu thủ lớn tuổi nhằm tránh sự lôi kéo của cái xấu?
- Dứt khoát là tôi không tác động đến chuyên môn. Đó là công việc của ông Park. Ông để các cầu thủ HAGL dự bị có sao đâu? Đến trận gặp Nhật Bản ông sử dụng 5 cầu thủ HAGL thì cũng bình thường. Chúng ta phải tôn trọng ông Park. Khi nào cần tấn công, cần thắng đối thủ ngay thì đội hình gồm nhiều cầu thủ HGAL, còn ngược lại khi cần phòng thủ thì ông Park chọn đội hình khác. Đó là vấn đề chuyên môn và chúng ta không thể can thiệp.
- VP Milk vừa chia tay HAGL vậy HAGL đã có nhà tài trợ mới cho mùa giải 2019?
- Giờ này thì chưa có, nhưng sẽ có và do còn đàm phán nên chưa thể nói.
- Điều gì khiến ông hài lòng và chưa hài lòng nhất trong 20 năm làm bóng đá?
- Từ trong tâm mà nói ra thì thành công của BĐVN trong năm qua và cho đến bây giờ là tôi hài lòng nhất. Mà không hài lòng thì cũng nói thẳng luôn là bộ máy điều hành của BĐVN.
- Ông có tiếc khi không mua được 20% cổ phần Arsenal vào năm 2007?
- Trị giá 20% của đội Arsenal lúc đó chỉ khoảng 40 triệu USD và HAGL lúc đó lại có tiền. Nếu mua được thì thành công cả về hình ảnh lẫn kinh doanh. Tiếc là luật lúc đó không cho phép, luật Việt Nam chưa cho phép đầu tư gián tiếp ra nước ngoài.
- Ông tiếc nhất điều gì trong sự nghiệp bóng đá của mình?
- Tiếc nhất là BĐVN không đoạt được HCV SEA Games 2017. Về khả năng, thực sự đội Việt Nam đủ lực để đoạt chức vô địch. Nhưng bóng đá không thể nói trước được.
Nhưng cũng chỉ có bóng đá mới làm cho cả nước xuống đường phất cao Quốc kỳ, hò reo vui mừng. Đó là niềm vui chung của cả nước.
Theo Nhóm PV (Nld.com.vn)