Bản quyền Ngoại hạng Anh dưới góc nhìn cạnh tranh

17/04/2016 13:48:37

Giữa lúc việc mua bản quyền truyền hình giải Ngoại hạng Anh đi vào ngõ cụt, Cục trưởng Cục Quản lý Cạnh tranh (Bộ Công Thương) cho biết đơn vị này đang liên hệ để nắm thông tin.

Giữa lúc việc mua bản quyền truyền hình giải Ngoại hạng Anh đi vào ngõ cụt, Cục trưởng Cục Quản lý Cạnh tranh (Bộ Công Thương) cho biết đơn vị này đang liên hệ để nắm thông tin.

Có thể thấy, trong những năm gần đây, VSTV luôn là đơn vị tiên phong trong việc đàm phán với các đối tác nước ngoài trong việc mua bản quyền truyền hình nhằm hướng đến quyền lợi và sự hài lòng cao nhất cho các thuê bao của mình.

Bản quyền truyền hình EPL giai đoạn 2016-2019 tại Việt Nam hiện thuộc về MP&Silva. Đơn vị này hiện chưa chào giá đối với các đài truyền hình của Việt Nam, nhưng theo dự báo của một số cơ quan chuyên môn, với đà tăng liên tiếp vài năm gần đây, bản quyền truyền hình EPL 2016-2019 sẽ có giá trị khoảng 70 triệu USD (tương đương 1.500 tỷ đồng).

Số tiền nói trên rõ ràng không hề nhỏ. Bộ Thông tin và truyền thông đã có văn bản yêu cầu các đơn vị truyền hình Việt Nam không được mua bản quyền truyền hình EPL bằng mọi giá, các đơn vị phải hợp tác với nhau để mua và chia sẻ bản quyền, không cạnh tranh mua với giá cao gây lãng phí.

Theo đó, các đơn vị kinh doanh truyền hình trả tiền đã thành lập ban đàm phán, trong đó Hiệp hội Truyền hình trả tiền (VNPayTV) làm đại diện đứng ra làm việc với MP&Silva để thỏa thuận về giá cả đối với bản quyền truyền hình EPL.

Tuy nhiên, trước việc VNPayTV đàm phán không hiệu quả, VSTV đã có công văn đề nghị được tự đàm phán mua bản quyền truyền hình EPL.

VSTV đàm phán mua bản quyền: “Hoàn toàn hợp pháp”

Trao đổi với PV, Luật sư - Trần Tuấn Anh - Công ty Luật hợp danh Thiên Thanh cho rằng, dưới góc độ pháp lý, có thể thấy việc đàm phán mua bản quyền của VSTV hoàn toàn hợp pháp và theo đúng tinh thần của pháp luật cạnh tranh hiện hành.

Ở Việt Nam, trước đây, các giải bóng đá nước ngoài được các đài truyền hình Việt Nam tự ý phát sóng mà không quan tâm lắm đến vấn đề bản quyền. Áp lực hội nhập khiến cho thói quen xài chùa không được chấp nhận. Vấn đề bản quyền được chú trọng nhiều hơn, buộc các đài truyền hình phải tuân thủ đúng quy định pháp luật, chi trả phí để được phát sóng chương trình bóng đá này tại Việt Nam, mà người ta vẫn gọi nôm na là “mua quyền”.

Luật sư Tuấn Anh phân tích, VSTV đã tham gia hợp tác để cùng mua và chia sẻ bản quyền truyền hình EPL. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại việc hợp tác đàm phán không đem lại hiệu quả, gây ảnh hưởng không nhỏ đến việc kinh doanh và cung cấp dịch vụ.

“Lưu ý rằng trong những năm trở lại đây, K+ luôn là kênh truyền hình phát sóng đầy đủ các trận đấu tại giải bóng đá Ngoại hạng Anh, được người tiêu dùng tin tưởng và lựa chọn. Sẽ ra sao nếu trong mùa giải tới, K+ không thể đem đến cho các thuê bao các trận đấu trong khuôn khổ của giải nữa?

Pháp luật cạnh tranh cấm việc lạm dụng vị trí độc quyền để áp đặt giá, kìm hãm không cho doanh nghiệp khác tham gia vào thị trường. Nhưng rõ ràng VSTV đã làm hết sức có thể để cùng các đơn vị truyền hình khác chia sẻ bản quyền”, luật sư này nhấn mạnh.

Trên thực tế, chính sách và chiến lược kinh doanh của mỗi đơn vị là khác nhau, việc lựa chọn/không lựa chọn hay mức giá thế nào là cao, thế nào là thấp thì không thể chung cho tất cả các đơn vị.

Luật sư Tuấn Anh nhận định: “Thói quen của xem truyền hình Việt đang là thói quen xem miễn phí. Truyền hình trả tiền là một dịch vụ văn minh và cần được khuyến khích. Nhà cung cấp dịch vụ có quyền đem đến cho khách hàng những dịch vụ tốt nhất theo mức giá mà các bên đã thỏa thuận trong khuôn khổ quy định của pháp luật”.

Giữa lúc các đơn vị truyền hình ở Việt Nam đang đóng cửa bảo nhau thì ngày 14/4, Công ty MP&Silva - đơn vị nắm quyền phân phối bản quyền giải Ngoại hạng Anh tại Việt Nam cho biết khó có thể đàm phán với Hiệp hội truyền hình trả tiền Việt Nam (VnPayTV) vì những lý do rất “nguyên tắc”.

MP&Silva nhấn mạnh rằng những quy định nghiêm ngặt từ ban tổ chức giải Ngoại hạng Anh chính là lý do khiến công ty này không thể tiến hành một cuộc gặp gỡ, đàm phán với VNPayTV.

Giám đốc truyền thông của MP&Silva, Elgen Kua cũng tiết lộ đã nhận được đề nghị từ một đài truyền hình tại Việt Nam để đàm phán trực tiếp, nhưng việc này không nhận được sự ủng hộ từ VNPayTV.

Phía đơn vị nắm bản quyền mong muốn, VNPayTV cho phép các thành viên sắp xếp thương lượng để giúp khán giả Việt Nam hưởng những quyền lợi tốt nhất.

Cục Quản lý Cạnh tranh: Vẫn đang nghe ngóng tình hình

Trao đổi với PV, Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) Bạch Văn Mừng cho biết: “Về việc này tôi chưa có đủ thông tin ai mua, ai bán hay họ làm thế nào. Tôi chỉ thấy các báo đưa tin cái này có nên mua hay không, đắt hay rẻ thôi chứ có biết ai làm gì đâu”.

Không chỉ lãnh đạo, một cán bộ thuộc Phòng Điều tra và xử lý các hành vi cạnh tranh không lành mạnh của Cục này cũng chưa nắm được thông tin nào về vụ đàm phán trên.

Trao đổi với phóng viên, cán bộ xin được giấu tên này nói: “Tôi mới xem thông tin trên báo, cũng chưa rõ ràng, cụ thể lắm nên chúng tôi đang liên hệ với một số bên để xin thêm thông tin. Do vậy, Cục chưa thể có ý kiến chính thức về việc này”.
 
>> Vụ bản quyền truyền hình giải Ngoại hạng Anh: Các đài có thể đàm phán riêng lẻ
>> Bản quyền Ngoại hạng Anh: Việt Nam bế tắc, Singapore và Malaysia "bạo chi"

Theo Kiều Vui (Zing.vn)

Nổi bật