Djokovic chưa để thua set nào trong suốt 5 vòng đấu đã qua. Tay vợt từng 4 lần vô địch Australian Open đã lọt vào trận bán kết Grand Slam thứ 25 sau khi đánh bại Milos Raonic với các tỷ số 7-6 (7-5), 6-4, 6-2.
Một trong những bí quyết giúp Djokovic thi đấu xuất sắc như thế chính là khả năng trả giao bóng cực kỳ tuyệt vời.
Giao bóng mạnh ư, xin mời!
Cú giao bóng đầu tiên của Raonic trong trận tứ kết là một lỗi đánh bóng hỏng. Tốc độ của nó là 221 km/h, đủ để tạo nên những tiếng thì thầm từ đám đông trên khán đài. Cú giao thứ 2 là một pha ăn điểm trực tiếp (ace) ở vận tốc 219 km/h. Tiếp sau đó là hàng loạt những cú “sấm sét” kiểu như thế lần lượt với tốc độ 220, 221, 215 rồi 226 km/h. Nhưng Djokovic vẫn có được tới 2 cơ hội giành break point dù chưa thành công. Sáu jeux đấu sau đó, Raonic tiếp tục thể hiện khả năng giao bóng tuyệt vời với tốc độ tăng lên khá đáng kể: 229 km/h, rồi 216, 219, 226, 220. Và Nole tiếp tục đối mặt với 2 điểm break. Một lần nữa, anh thất bại nhưng người hâm mộ cũng hiểu rằng tay vợt người Serbia đang ở rất gần break point. Nhưng tất cả đã chẳng phải đợi lâu vì ở set thứ 2 và 3, Djokovic đã biến cơ hội của mình thành điểm số một cách dễ dàng.
Raonic cao 1 mét 96, nặng 98 kilogam, nổi tiếng với những cú giao bóng đáng sợ đã liên tiếp tấn công Djokovic bằng vũ khí ấy của mình ở khoảng cách 23 mét 77. Nole chỉ đáp trả trong vòng 0,37 giây, như một cú chớp mắt. Anh đã khiến cho những đòn giao bóng tưởng như vô cùng lợi hại ấy trở nên thật bình thường và vô hại. Đó cũng là lý do mà vị HLV cũ của Pete Sampras và Roger Federer, ông Paul Annacone từng bảo: “Cậu ấy có thể cạnh tranh với Andre Agassi và Jimmy Connors với tư cách tay vợt trả giao bóng xuất sắc nhất lịch sử quần vợt”.
Một trực giác tuyệt vời
Thực ra Djokovic không phải ông vua tốc độ trong thể thao. Những thủ môn hockey có thể di chuyển nhanh như chớp còn các tay đua F1 thì có thể chạy xe 300 km/h hay Usain Bolt thì lập kỷ lục thế giới ở cự ly 100 mét năm 2009. Nhưng để nói về sự bùng nổ, thì Nole chẳng kém cạnh ai. Anh là một chuyên gia đọc giao bóng, huyền thoại Todd Woddbrige đã nói vậy sau một thời gian dài quan sát hành động, khả năng chạy chỗ của Djokovic. Tay vợt số 1 thế giới sở hữu bản năng trời phú ấy, cộng thêm với kinh nghiệm và trực giác tuyệt vời.
Tầm mắt của Nole cũng cực kỳ tốt. Nói như Roger Rasheed, người huấn luyện Grigor Dimitrov thì đó là “một năng khiếu” giống kiểu Cristiano Ronaldo trong vòng cấm. Annacone bảo rằng Djokovic có thể đoán tình huống bóng rất sớm ngay cả khi đối thủ vừa mới bắt đầu động tác đầu tiên. Nhưng nếu chỉ di chuyển tốt không thôi thì chưa thể làm nên một Djokovic nhanh nhạy đến thế. Anh thực hiện gần độ hoàn hảo từ động tác xoay hông, xoay vai, chỉnh mặt vợt, điều chỉnh bàn chân và trong một vài tích tắc có thể phân tích vận tốc, góc bóng sẽ rơi và độ nảy. Tất cả gói gọn trong một chớp mắt để tạo nên vũ điệu ballet thể thao tuyệt vời.
Và chính Nole đã thừa nhận điều này: “Đó chính là chìa khóa. Khi trả giao bóng tốt, mọi chuyện sẽ diễn ra theo đúng ý tôi.”
Đối đầu Djokovic – Wawrinka - Hai tay vợt gặp nhau 19 lần, Djokovic thắng 16, thua 3 - Họ gặp nhau 4 lần tại các giải Grand Slam, Djokovic thắng 3 thua 1. - Hai tay vợt chạm trán nhau 13 lần trên mặt sân cứng, Djokovic thắng 11 |
Theo Yến Nhi (Thethaovanhoa.vn)