Đại tá Patrick Sensburg, người đứng đầu liên đoàn quân dự bị của quân đội Đức (Bundeswehr) nhận định, trong trường hợp xảy ra khủng hoảng sẽ không thể triển khai nhanh chóng xe tăng ở Đức nếu binh lính không biết những cây cầu nào đủ chắc chắn để điều khiển phương tiện hạng nặng này đi qua.
"Tình trạng của nhiều cây cầu ở Đức thực sự đáng lo ngại. Cứ 3 cây cầu thì có một công trình đang xuống cấp. Mối quan tâm chính của tôi là, nếu sức chịu tải của cây cầu không rõ ràng, xe tăng hoặc các thiết bị quân sự lớn khác sẽ không có đủ tuyến đường thoát hiểm trong trường hợp khẩn cấp, khiến việc triển khai lực lượng nhanh chóng trở nên bất khả thi", ông Sensburg chia sẻ với tờ Telegraph.
Trong khi đó, Đức sẽ đóng vai trò trung chuyển quan trọng trong trường hợp châu Âu xảy ra xung đột với Nga, vì số lượng lớn binh lính, xe tăng và các thiết bị quân sự khác của lực lượng đồng minh sẽ đi qua nước này để hướng tới mặt trận phía đông.
Tuy nhiên, tình trạng xuống cấp của mạng lưới cầu đường ở Đức đã làm dấy lên lo ngại rằng, binh lính và vật tư sẽ gặp khó khăn khi di chuyển qua. Một cuộc khảo sát gần đây của Transport & Environment, nhóm vận động hành lang của châu Âu, cho thấy 16.000 cây cầu ở Đức đã xuống cấp và nhiều cây công trình thậm chí không được thiết kế để chịu tải trọng nặng như xe tăng khoảng 60 tấn.
Nghiên cứu hé lộ, khoảng 5.900 cây cầu trong số đó sẽ cần được thay thế hoàn toàn, trong khi 10.000 cây cầu còn lại có thể được sửa chữa bằng cách gia cố.
Trong nhiều thập kỷ, cơ sở hạ tầng của Đức, quốc gia vốn nổi tiếng về năng lực kỹ thuật, lại rơi vào cảnh thiếu sự đầu tư. Hậu quả là tình trạng xuống cấp diện rộng trong mạng lưới đường bộ, cầu và đường sắt.
Theo ông Sensburg, chính phủ mới của Đức nên ưu tiên hàng đầu cho việc sửa chữa các cây cầu, dựa vào quỹ cơ sở hạ tầng mới, trị giá 500 tỷ Euro do Thủ tướng dự kiến Friedrich Merz công bố vào tháng 3.
Cũng theo ông Sensburg, một giải pháp tạm thời là lắp lại các biển báo xe tăng màu vàng trên cầu và ghi rõ trọng tải mỗi công trình có thể chịu được. Các biển báo này hầu hết đã bị gỡ bỏ ở Đức sau Chiến tranh Lạnh, do chúng được cho không còn cần thiết.
“Ở Ba Lan, các biển báo xe tăng đã được lắp lại vào năm 2024 như một phần trong cuộc tập trận Steadfast Defender 2024 của NATO. Chúng ta nên làm theo họ”, ông Sensburg nhấn mạnh.
Tình trạng đáng báo động của mạng lưới cầu tại Đức được nêu bật vào mùa hè năm ngoái, khi cầu Carola, một trong những điểm giao cắt chính qua sông Elbe ở Dresden, bị sập.
Tuy nhiên, phát ngôn viên của Bundeswehr khẳng định, các cây cầu tại Đức "nói chung là chắc chắn". Khi được hỏi liệu chúng có bị sập dưới sức nặng của xe tăng hay không, người phát ngôn đã từ chối trả lời và đề nghị chuyển câu hỏi sang Bộ Giao thông vận tải Đức.
"Bất kỳ bên tấn công tiềm tàng nào cũng nên hiểu rằng, một cuộc tấn công vào lãnh thổ liên minh của chúng tôi sẽ không có cơ hội thành công, bởi chúng tôi đang sẵn sàng và có khả năng tự vệ", phát ngôn viên của Bundeswehr nhấn mạnh.
Trong khi đó, phát ngôn viên Bộ Giao thông vận tải Đức cho biết công tác hiện đại hóa cầu là "ưu tiên hàng đầu", nhưng lại chuyển câu hỏi về rủi ro sập cầu cho Bộ Quốc phòng Đức giải đáp.
Liên quan tới công tác cải tạo, phát ngôn viên Bộ Giao thông vận tải Đức cho hay: "Do tình hình cấp bách, chúng tôi sẽ ưu tiên các cây cầu lớn, nơi việc hiện đại hóa sẽ phức tạp và tốn thời gian hơn so với các cây cầu nhỏ hơn".
Theo Telegraph, Đức đang tìm cách thiết lập một "bức tường máy bay không người lái (UAV)" dọc theo biên giới phía đông của NATO với Nga để giúp bảo vệ các đồng minh vùng Baltic khỏi nguy cơ bị tấn công trong tương lai. Bức tường UAV này sẽ bao gồm hàng trăm, thậm chí hàng nghìn UAV làm nhiệm vụ giám sát biên giới. Chúng sẽ hoạt động như một hệ thống phát hiện sớm và ngăn chặn cuộc tấn công tiềm tàng từ Nga.
Theo Minh Thu (VietNamNet)