"Tôi chưa từng thấy nhiều người qua đời cạnh nhau như vậy," nữ y tá làm việc tại một bệnh viện lớn ở Bergamo, thành phố Italy nằm trong tâm dịch lớn nhất tại châu Âu. "Cảm giác như chúng tôi đang di chuyển qua một chiến trường".
Hơn 3.400 người đã tử vong trong vòng bốn tuần tại Italy. Với hơn 41.000 trường hợp nhiễm bệnh, các bác sĩ và y tá tại những thành phố bị ảnh hưởng nặng nề nhất ở miền Bắc đang gặp khó khăn trong công tác phòng, chống dịch bệnh. Không đủ giường bệnh, trang thiết bị y tế, thậm chí cả nhân sự cũng thiếu thốn, bởi ngày càng nhiều y bác sĩ nhiễm virus.
Nữ y tá nói trên, trả lời phỏng vấn NBC trong điều kiện giấu tên, cũng đã phải tạm ngừng làm việc. Như nhiều y bác sĩ tiền tuyến khác, cô nhiễm virus mà các đồng nghiệp đang nỗ lực chống chọi hàng ngày.
"Chúng tôi cứ dần đổ bệnh, từng người một," nữ y tá nói.
Trong những tháng kể từ dịch bệnh bùng phát, miền Bắc Italy đã trở thành lời cảnh báo về việc điều gì có thể xảy ra với một trong những khu vực có hệ thống y tế công cộng hiệu tốt nhất Thế giới, ngay cả khi nước này đã có những biện pháp nghiêm ngặt để kiểm soát virus lây lan.
Milan và Bergamo bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Chỉ riêng tại Bergamo đã ghi nhận 4.300 ca nhiễm, tính tới ngày 18/03.
Số ca nhiễm quá lớn đã khiến các bệnh viện ở vùng Lombardy quá tải, ngay cả khi giới chức y tế nước này đã cho chuyển đỏi nhiều phòng bệnh thành các đơn vị điều trị tích cực dã chiến, và liên tục bổ sung thêm giường bệnh.
Bác sĩ Lorenzo D'Antiga, trưởng khoa Nhi tại Bệnh viện Papa Giovanni XXIII tại Bergamo cho biết ông cùng các đồng nghiệp đang công tác tại khu vực có số ca nhiễm Covid-19 mới hàng ngày cao nhất.
"Chúng tôi thực sự đang ở trong tâm bão," ông nói.
Đầu tháng ba, khi số ca nhiễm và số trường hợp tử vong vì căn bệnh tăng cao, chính phủ Italy đã ban hành những biện pháp kiểm soát quan trọng nhằm giảm tốc độ lây lan của virus.
Hôm 08/03, thủ tướng Italy Giuseppe Conte ban hành lệnh phong tỏa khu vực Lombardy với dân số 16 triệu người. Hai ngày sau, ông Conte mở rộng lệnh phong tỏa trên phạm vi toàn quốc. Những nghị định này được đưa ra một tháng sau khi các biện pháp cách ly tương tự phát huy tác dụng tại nhiều địa phương ở Trung Quốc, nơi dịch bệnh bùng phát.
Chỉ trong một đêm, những con phố tập nập tại các thành phố như Milan và Venice vắng bóng người, những cửa hàng pizza, những lối đi trở nên yên tĩnh, không một bóng người.
Khung cảnh tĩnh lặng này khác biệt hoàn toàn với thực tế tại tiền chuyến chống dịch ở Italy.
"Khung cảnh có vẻ tĩnh lặng vì mọi người ở nhà, nấu ăn, nhìn ngắm những bức ảnh cũ và làm việc tại nhà," Francesco Longo, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Y tế và Quản lý chăm sóc xã hội tại Đại học Bocconi, Milan nói. "Nhưng trong các bệnh viện, không khác gì một cuộc chiến tranh".
D'Antiga nói tại bệnh viện của ông, khoảng một nửa trong 1.000 giường bệnh được sử dụng để điều trị cho các bệnh nhân Covid-19. Đa số những khoa khác tại bệnh viện đã giảm hoạt động đáng kể, hoặc thậm chí ngừng hẳn.
"Tại khoa tiêu hóa, khoa nội hay những phòng bệnh khác, người ta phải để bệnh nhân khác về nhà, chỉ nhận những người mắc Covid-19. Ngay cả ở khoa thần kinh cũng vậy," D'Antiga nói. "Chúng tôi có 20-30 bệnh nhân mỗi ngày cần phải nhập viện, nhưng chúng tôi không còn giường bệnh. Tình trạng thực sự rất khó khăn."
Tình trạng trở nên tồi tệ hơn khi bản thân các nhân viên y tế cũng nhiễm bệnh và phải điều trị.
"Tại đây khoảng 20-30% nhân viên y tế đã nhiễm bệnh. Trong khoa của tôi, tôi có 25 bác sĩ nhi khoa thì 10 người đang phải nghỉ việc vì lý do sức khỏe. Những khoa khác cũng như vậy. Đây là một thử thách nan giải," D'Antiga nói.
Dù đa phần những ca nhiễm Covid-19 chỉ có triệu chứng nhẹ, những ca bệnh nặng có thể dẫn tới tình trạng suy hô hấp. Khoảng 13.000 bệnh nhân Covid-19 tại Italy nhập viện với các triệu chứng khác nhau, trong đó có hơn 2.000 người hiện đang phải điều trị tích cực, gây ra tình trạng quá tải ở nhiều bệnh viện.
D'Antiga nói 80 trong tổng số 100 giường bệnh điều trị đặc biệt tại nơi ông công tác là dành cho các bệnh nhân Covid-19 phải cần đến máy thở hỗ trợ. Các bệnh viện đang nhanh chóng hết giường bệnh và trang thiết bị cần thiết để duy trì sự sống cho bệnh nhân.
Nguồn tài nguyên hạn chế khiến các bác sĩ phải đưa ra những quyết định khó khăn về việc bệnh nhân nào có thể được cứu chữa, bệnh nhân nào có thể đã quá nặng.
Các bác sĩ thường dựa trên những thông tin về độ tuổi và tình trạng của bệnh nhân để đưa ra quyết định, và đây là tiêu chuẩn của ngành y, ngay cả khi không có dịch bệnh, theo bác sĩ D'Antiga. Ông nói thêm rằng hiện tại, các bác sĩ đang áp dụng những tiêu chuẩn đánh giá như nhau khi họ phải đưa ra lựa chọn khó khăn.
Khi không có dịch bệnh, nếu bệnh nhân 90 tuổi nhập viện với triệu chứng viêm phổi, chúng tôi nhiều khả năng sẽ không đưa họ vào phòng điều trị tích cực và đặt nội khó quản," D'Antiga nói. "Chúng tôi phải lựa chọn, tiếc là như vậy, nhưng ít ra ở thời điểm này cúng tôi không phải lựa chọn giữa những người có thể được điều trị ở những lúc bình thường".
Tuy vậy điều đó có thể thay đổi, ông nói thêm. Khi dịch bệnh lan rộng, tình trạng đáng buồn tại Lombardy có thể sẽ tiến triển nặng hơn ở những khu vực khác của Italy, hay ở những quốc gia khác.
"Những gì đang xảy ra ở Italy có thể xảy ra tại những bệnh viện khác trên Thế giới trong những tuần, tháng tới," nhà khoa học Yascha Mounk thuộc Đại học Johns Hopkins nói. "Một đặc tính của căn bệnh này là thời gian ủ bệnh rất dài. Sẽ mất nhiều thời gian để dịch bệnh làm quá tải một hệ thống y tế, nhưng khi điều đó xảy ra, mọi thứ sẽ diễn ra rất nhanh".
Tại Venice, bác sĩ tại một bệnh viện lớn trong khu vực nói rằng bà và các đồng nghiệp đang điều trị 92 bệnh nhân Covid-19, nhưng họ dự đoán tình trạng sẽ còn tồi tệ hơn.
"Chúng tôi đang rất vất vả, nhưng ai cũng hiểu rằng đây chưa phải là thời khắc tồi tệ nhất của đợt bùng phát," nữ bác sĩ giấu tên nói. "Phải làm việc trong tình trạng như thế này rất mệt mỏi. Mọi người đều mệt mỏi về tinh thần".
Bệnh viện nơi bà công tác đã phải lập những phòng điều trị tích cực dã chiến, và các y bác sĩ ở vùng Đông Bắc đã được điều đến những nơi bị ảnh hưởng nặng nhất. Ngành y tế tại Venice, vốn là nơi có nhiều thời gian chuẩn bị hơn Lombardy, đang phải chịu áp lực rất lớn.
"Thời điểm hiện tại, tình hình chúng tôi tại đây vẫn tốt, nhưng nếu tình trạng khẩn cấp cứ kéo dài thêm nhiều tuần lễ, tôi không biết chúng tôi sẽ phải đối phó như thế nào", bà nói.
Các bác sĩ và chuyên gia y tế tại Italy liên tục nói về tình hình dịch bệnh, với hy vọng các nước khác sẽ rút ra được bài học.
Longo nói điều bài học quan trọng là hành động sớm sẽ mang tới khác biệt lớn.
"Giảm tiếp xúc xã hội càng nhanh càng tốt. Hiệu quả nhất là áp dụng những biện pháp hạn chế để người dân ở nhà. Đây không phải là bài học chỉ ở Italy, mà còn ở Trung Quốc," ông nói.
Bên cạnh đó, Longo cũng cho rằng người dân Italy vẫn sẽ tiếp tục lạc quan, dù lệnh phong tỏa đã kéo dài gần được hai tuần.
"Cảm giác chung lúc này là một tinh thần đoàn kết. Mọi người đều cho rằng chúng tôi chỉ có thể tự cứu bản thân nếu đoàn kết", ông nói.
Tố Linh (Nguoiduatin.vn)