Không hề có đám tang
“Họ đã chôn cất ông như thế, không có đám tang, không có người thân, chỉ với một lời chúc phúc từ vị linh mục”, Marta Manfredi – cháu gái của ông Visioli cho biết.
Marta không thể tham dự lễ tang của ông mình bởi giống như hầu hết các gia đình ở Ý, cô đang phải tự cách ly mình ở nhà.
“Khi tất cả chuyện này kết thúc, chúng tôi sẽ tổ chức cho ông một đám tang thực sự”, người phụ nữ khẳng định.
Ở khắp mọi nơi virus corona xuất hiện, dù bất kể văn hóa hay tôn giáo nào, các nghi lễ truyền thống để tôn vinh người đã khuất và an ủi thân nhân đều bị cắt ngắn hoặc bị bỏ qua do lo ngại dịch bệnh sẽ lây lan từ những đám đông.
Tại Ireland, cơ quan y tế đang khuyên các nhân viên nhà xác nên đeo khẩu trang lên xác chết để giảm nguy cơ nhiễm bệnh. Ở Ý, một công ty tang lễ cung cấp dịch vụ phát trực tuyến để các gia đình có thể xem linh mục ban phước cho người quá cố của mình.
Ông Giacomo Angeloni, một quan chức địa phương phụ trách các nghĩa trang, cho biết có rất ít thời gian để làm lễ tại các thành phố khó khăn như Bergamo, miền Bắc nước Ý.
“Thành phố Bergamo có dân số khoảng 120.000 người, hiện chúng tôi đang chứng kiến số người tử vong cao cấp 5-6 lần so với ngày thường”, ông Angeloni nói.
Ý hiện đã ghi nhận gần 3.000 trường hợp tử vong do Covid-19, quân đội nước này đã điều động 50 binh sĩ và 15 xe tải đến Bergamo vào thứ Tư để đưa các thi thể tới nơi khác để thiêu hủy.
“Lệnh cấm tụ tập đã phá vỡ các nghi thức quan trọng của tang lễ. Đây là dịp để mọi người đến với nhau, bày tỏ cảm xúc và nói những lời tạm biệt với người đã khuất. Điều này có thể khiến nhiều người cảm thấy tồi tệ”, ông Andy Langford, giám đốc điều hành của Cruse Bereanterest Care, một tổ chức từ thiện phục vụ tang lễ, cho biết.
Ở Iran, các bệnh viện và công ty làm dịch vụ tang lễ đang tràn ngập thi thể, khi virus corona đã giết chết 1.284 người và lây nhiễm cho hàng nghìn người khác.
“Chính quyền đã phải tuyển thêm nhiều người chỉ để đào mộ”, một người quản lý nghĩa trang Behesht-e Zahra tại thủ đô Tehran, cho biết. “Chúng tôi làm việc cả ngày lẫn đêm. Tôi chưa bao giờ thấy tình cảnh buồn thảm. Không hề có một đám tang nào cho những người chết. Hầu hết các thi thể được đưa tới đây bằng xe tải và nhanh chóng chôn cất mà không được làm nghi thức chôn cất truyền thống nào”.
Cắt bỏ các nghi thức truyền thống
Ở một số quốc gia, các ổ dịch đã bắt nguồn từ chính những đám tang. Tại Hàn Quốc, nơi có hơn 90 người đã chết, chính phủ đã kêu gọi các gia đình bệnh nhân hãy hỏa táng người thân của mình trước rồi mới cử hành tang lễ.
Đám tang của người Hàn Quốc thường diễn ra trong bệnh viện và các nghi thức cúng lễ kéo dài suốt 3 ngày. Hơn 60% số trường hợp nhiễm bệnh ở nước này có liên quan đến các thành viên thuộc giáo phái Tân Thiên Địa ở thành phố Daegu.
Vào tháng 2, một số thành viên của Tân Thiên Địa đã tham dự một đám tang tại bệnh viện dành cho anh trai của người sáng lập giáo phái.
“Kể từ khi dịch bệnh bùng phát, số người chịu tang tại các tang lễ đã giảm tới 90%, bất kể người chết có nhiễm bệnh hay không”, Choi Min-ho, tổng thư ký Hiệp hội Tang lễ Hàn Quốc cho biết.
“Văn hóa tang lễ đã thay đổi đáng kể, ông Choi nói. “Một số ít người tới dự chỉ nhanh chóng đưa ra lời chia buồn và rời khỏi nhà tang lễ mà không ở lại ăn tối vì lo lắng nhiễm bệnh. Tiền phúng viếng cũng được chuyển khoản ngân hàng thay vì đưa trực tiếp cho thân nhân”.
Các nhà chức trách ở Vũ Hán, tâm chấn của Trung Quốc, đã nhanh chóng xác định việc kinh doanh tang lễ là một nguồn lây truyền tiềm năng.
Văn phòng dân sự địa phương vào cuối tháng 1 đã ra lệnh cho tất cả các đám tang cho các nạn nhân Covid-19 sẽ được xử lý tại một nhà tang lễ duy nhất ở thành phố.
Mặc dù số ca lây nhiễm tại Trung Quốc hiện đã giảm đi nhanh chóng, nhưng quy định này vẫn còn được áp dụng. “Các gia đình thậm chí không được phép nhìn thấy xác của những người thân”, một công nhân tại nhà tang lễ nói.
Ở Trung Quốc, tro cốt của người quá cố thường được giữ trong nhà tang lễ cho đến khi gia đình chuyển tới mộ vào lễ Thanh Minh tháng 3 âm lịch. Tuy nhiên, dịp lễ này cũng đã bị hủy bỏ vào năm nay.
Đã có 60 người dương tính với virus corora sau khi tham dự ,ột đám tang ở thành phố Vitoria-Gasteiz, phía bắc Tây Ban Nha.
Tại Ireland, hầu hết các gia đình đang lựa chọn các tang lễ quy mô nhỏ và khuyến khích người khác bày tỏ lời chia buồn trực tuyến thông qua các trang web như RIP.ie, nơi thông báo về cái chết và lời mời tang lễ thường được đăng.
Nghi thức mở nắp quan tài sẽ không được cho phép nếu người chết từng mắc Covid-19 và gia đình được khuyên không nên hôn người quá cố, theo các nhà chức trách Ireland.
Dù nguy cơ lây nhiễm Covid-19 từ các thi thể là rất nhỏ, theo các chuyên gia y tế, nhưng một số quốc gia đang khuyến nghị các biện pháp bổ sung nhằm xử lý các xác chết nhằm giảm thiểu nguy cơ.
Dù chưa có trường hợp tử vong nào, nhưng Bộ Y tế Israel cho biết thi thể người chết nên được bọc hai lớp bằng nhựa không thấm nước trước khi chôn cất. Thông thường thi thể người Do Thái khi sẽ được phủ trong một chiếc áo vải và tấm vải liệm.
Công việc thầm lặng
Tháng trước, một công nhân tên Huang làm việc tại nhà tang lễ ở Vũ Hán đã đăng tải một bài viết trên mạng xã hội, cho biết các nhân viên nhà tang cũng làm việc với cường độ cao như các bác sĩ, y tá nhưng không nhận được sự quan tâm của xã hội.
Huang nói rằng mình và các đồng nghiệp đã làm việc mà không nghỉ ngơi kể từ khi bắt đầu dịch. “Vì phải liên tục mặc đồ bảo hộ nên chúng tôi không cả dám uống nước bởi nếu uống sẽ phải đi vệ sinh”, Huang viết.
Cách đó nửa vòng trái đất, tại thị trấn Bergamo ở Ý, những người làm công tác tang lễ cũng đang lên tiếng.
“Cảm giác như đang trong thời chiến, nhưng kẻ thù của chúng ta lại vô hình” Keithta Caprini, một người làm dịch vụ tang lễ, cho biết. “Chúng tôi đã làm việc liên tục trong hai tuần và ngủ 3-4 tiếng mỗi đêm. Chúng tôi cũng có những người thân đã qua đời hoặc đang phải tự cách ly trong nhà vì dịch bệnh”.
Nhà thờ All Saints của Bergamo, đã trở thành một nhà xác tạm thời, khi các dãy ghế dài phải nhường chỗ cho các quan tài. Caprini cho biết cô đã đếm được ít nhất 60 quan tài khi tới đây vào đầu tuần.
“Đối với những gia đình chỉ được nhìn mặt người thân lần cuối trước khi nhập viện, cảm giác này hẳn như tra tấn”, công ty của cô đã thu xếp các buổi ghi hình trực tiếp các lễ ban phước của linh mục cho những người quá cố.
“Đôi khi, chúng tôi phải tạt xe tang qua trước cửa các gia đình của người quá cố để ít nhất thân nhân của họ có chút thời giờ chạy xuống và nói lời sau cùng”, Caprini chia sẻ.
Theo Bắc Hiệp (Ngaynay.vn)