Ở hầu hết các quốc gia, tình trạng béo phì phổ biến hơn tình trạng thiếu cân. Trong số đó có nhiều quốc gia thu nhập thấp và trung bình, từng phải vật lộn với tình trạng cư dân thiếu dinh dưỡng.
Giáo sư Majid Ezzati - tác giả của báo cáo đăng trên The Lancet hôm 29/2 cho biết: "Có một số lượng đáng kinh ngạc những người đang sống chung với bệnh béo phì".
Theo ông Ezzati, tỷ lệ béo phì ở các quốc gia phát triển đang ở mức ổn định, trong khi ở một số nơi khác lại tăng nhanh. Và mặc dù tình trạng thiếu cân đang dần trở nên ít phổ biến hơn trên toàn cầu, thì ở nhiều quốc gia, đây vẫn là một vấn đề nghiêm trọng, tạo nên "gánh nặng kép" về dinh dưỡng.
“Trước đây, chúng ta từng nghĩ béo phì là vấn đề của người giàu. Nhưng thực tế béo phì là vấn đề của cả thế giới”, người đứng đầu bộ phận dinh dưỡng của WHO - Francesco Branca cho biết tại một cuộc họp báo.
Tỷ lệ béo phì ở người lớn đã tăng hơn gấp đôi từ năm 1990 đến năm 2022, và tăng hơn gấp bốn lần ở trẻ em và thanh thiếu niên từ 5 đến 19 tuổi. Trong cùng khoảng thời gian này, tỷ lệ bé gái, bé trai và người trưởng thành được coi là thiếu cân lần lượt giảm 1/5, 1/3 và 1/2.
Thiếu cân nghiêm trọng có thể gây bất lợi cho sự phát triển của trẻ em. Trong khi đó, béo phì làm tăng nguy cơ khởi phát sớm bệnh tiểu đường, bệnh tim và thận cũng như một loạt các tình trạng sức khỏe nghiêm trọng khác.
Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết việc thực hiện các biện pháp như đánh thuế đối với các sản phẩm có hàm lượng đường cao và thúc đẩy bữa ăn lành mạnh ở trường học là cần thiết để giúp giải quyết tình trạng béo phì.
Nguồn Reuters
Theo Minh Hạnh (Tiền Phong)