Phát biểu này của bà Kerkhove được đưa ra trong chương trình hỏi đáp trực tuyến của WHO ngày 15/12 vừa qua. “2022 là năm chúng ta có thể kết thúc đại dịch Covid-19. Hiện chúng ta đã có các công cụ. Chúng ta có thể khiến Covid-19 không còn gây chết chóc nữa.”, người này quả quyết.
Tháng 10 vừa qua, WHO đã công bố chiến lược nhằm đạt mục tiêu tiêm vaccine ngừa Covid-19 toàn cầu, với 70% dân số thế giới được tiêm đủ vaccine vào giữa năm sau.
Tuy nhiên, trong bản cập nhật dịch tễ học hằng tuần được đưa ra cùng ngày, WHO đánh giá rủi ro tổng thể từ biến thể mới Omicron “vẫn còn rất cao”.
WHO cho biết 77 quốc gia đã báo cáo về các ca mắc biến thể Omicron, nhưng hiện nay có lẽ biến thể này đã có mặt ở hầu hết các nước, chỉ là chưa được phát hiện. Tuy nhiên vaccine vẫn là công cụ hạn chế đáng kể nguy cơ tiến triển tình trạng bệnh nặng và tử vong.
Theo WHO, dữ liệu vẫn đang được cung cấp để đánh giá rõ hơn về khả năng lẩn tránh miễn dịch ở người đã tiêm vaccine hay từng nhiễm Covid-19 của biến thể Omicron.
Theo phân tích dữ liệu ở Nam Phi được công bố vào ngày 14/12, Omicron dường như dễ lây lan từ người sang người hơn và tránh được vaccine tốt hơn, nhưng cũng có triệu chứng nhẹ hơn.
WHO cũng cho biết, lần đầu tiên kể từ khi Delta được xếp vào loại biến thể đáng lo ngại (VOC) hồi tháng 4, tỷ lệ % trình tự gene của Delta được ghi nhận trên cơ sở dữ liệu khoa học toàn cầu GISAID trong tuần này đã giảm so với các VOC khác.
Tuy nhiên, WHO cũng lưu ý cần hiểu thông tin này một cách thận trọng, bởi nhiều nước có thể tiến hành giải trình tự gene đối với biến thể Omicron, vì vậy ít cập nhật hơn các biến thể khác, trong đó có Delta.
WHO khẳng định, Delta vẫn là biến thể chủ đạo, chiếm 99,2% trong gần 880.000 trình tự gene được cập nhật lên GISAID với các mẫu thu được trong vòng 60 ngày qua.
Biên Thùy (Nguoiduatin.vn)