Reuters đưa tin, trong cuộc họp trực tuyến ngày 14.12, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết, biến thể Omicron được phát hiện lần đầu tiên ở Nam Phi và Hong Kong (Trung Quốc) vào tháng 11.2021, hiện được báo cáo ở 77 quốc gia và có lẽ đã hiện diện ở hầu hết các nước trên toàn thế giới, nên không thể coi nhẹ.
"Omicron đang lây nhiễm với tốc độ mà chúng tôi chưa từng thấy với bất kỳ biến thể nào trước đó. Ngay cả khi Omicron gây ra bệnh ít nghiêm trọng hơn, số lượng ca bệnh có thể một lần nữa áp đảo các hệ thống y tế chưa được chuẩn bị" - ông Tedros Adhanom Ghebreyesus nói.
Ông cũng cho biết: “Ngày càng nhiều bằng chứng cho thấy, hiệu quả của vaccine COVID-19 giảm nhẹ trong chống lại bệnh nặng và tử vong, đồng thời cũng giảm trong ngăn ngừa bệnh nhẹ hoặc lây nhiễm''.
Một nghiên cứu dựa trên dữ liệu thực tế được công bố ngày 14.12 cho thấy, vaccine COVID-19 của Pfizer-BioNTech kém hiệu quả hơn một chút, chỉ đạt 70% trong ngăn ngừa ca COVID-19 nhập viện ở Nam Phi trong khoảng thời gian kể từ khi biến thể Omicron nổi lên hồi tháng trước.
Mike Ryan - Giám đốc Chương trình Y tế Khẩn cấp của WHO - nói rằng, vaccine vẫn mang lại sự bảo vệ đáng kể chống tình trạng bệnh nghiêm trọng và tử vong.
"Câu hỏi đặt ra là các loại vaccine COVID-19 hiện tại mà chúng ta đang sử dụng có khả năng bảo vệ như thế nào, loại nào đang là cứu cánh chống lại tất cả biến thể và mức độ bảo vệ chống lại bệnh nặng và tử vong đối với biến thể Omicron ở mức độ nào. Dữ liệu chỉ ra rằng hiệu quả bảo vệ là đáng kể" - theo ông Mike Ryan.
Ông Ryan cho hay, vẫn còn ''vài tuần nữa'' mới đến đỉnh điểm của làn sóng lây nhiễm này, do biến thể Omicron lây lan rất nhanh, vượt xa biến thể Delta đang thống trị trên toàn cầu.
Tổng Giám đốc WHO nhấn mạnh, các mũi tiêm tăng cường có thể có vai trò trong hạn chế sự lây lan của COVID-19 miễn là những người cần được bảo vệ nhất cũng có thể tiếp cận với tiêm chủng.
"Đó là vấn đề về mức độ ưu tiên. Thứ tự rất quan trọng. Việc cung cấp liều tăng cường vaccine cho các nhóm có nguy cơ mắc bệnh nặng hoặc tử vong thấp đơn giản là đang gây nguy hiểm đến tính mạng của những người có nguy cơ cao vẫn đang chờ được tiêm mũi ban đầu vì nguồn cung hạn chế'' - người đứng đầu WHO cho hay.
Ông nói: “Mặt khác, tiêm liều tăng cường cho những người có nguy cơ cao có thể cứu sống nhiều người hơn so với tiêm liều ban đầu cho những người có nguy cơ thấp''.
Ông Tedros lưu ý, sự xuất hiện của Omicron đã thúc đẩy một số quốc gia triển khai các chương trình tiêm chủng tăng cường vaccine COVID-19 cho toàn bộ dân số trưởng thành của họ, ngay cả khi các nhà nghiên cứu vẫn chưa đủ bằng chứng về hiệu quả của mũi tiêm này đối với biến thể mới.
Ông nói: “WHO lo ngại rằng, các chương trình như vậy sẽ lặp lại việc tích trữ vaccine mà chúng ta đã thấy trong năm nay và làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng trên thế giới''.
Theo Bảo Châu (Lao Động)