WHO dự báo thời điểm hết Covid-19, lên án tham nhũng trong đại dịch

22/08/2020 08:02:25

Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) bày tỏ hy vọng đại dịch Covid-19 sẽ kết thúc trong không đầy 2 năm nữa, đồng thời lên án các hành động lợi dụng dịch bệnh để trục lợi cá nhân.

Phát biểu tại một cuộc họp báo ở Geneva, Thụy Sỹ hôm 21/8, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus nói, thế giới mất 2 năm để vượt qua dịch cúm Tây Ban Nha năm 1918. Theo quan chức này, với công nghệ tân tiến như hiện tại, nhân loại có thể ngăn chặn Covid-19 trong thời gian ngắn hơn.

WHO dự báo thời điểm hết Covid-19, lên án tham nhũng trong đại dịch
Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus. Ảnh: Reuters

Trước câu hỏi về tình trạng tham nhũng liên quan đến đồ bảo hộ cá nhân (PPE) trong đại dịch, lãnh đạo WHO gọi đó là tội ác.

"Bất kỳ kiểu tham nhũng nào cũng không thể chấp nhận được. Tuy nhiên, tham nhũng liên quan đến PPE đối với tôi thực sự là tội giết người. Vì nếu các nhân viên phải làm việc trong điều kiện không có đồ bảo hộ cá nhân, họ đang phải mạo hiểm tính mạng. Việc đó cũng dẫn tới đe dọa mạng sống của những bệnh nhân họ đang phục vụ", ông Tedros nhấn mạnh.

Theo BBC, mặc dù câu hỏi có liên quan đến các cáo buộc tham nhũng ở Nam Phi nhưng nhiều quốc gia khác cũng đang đối mặt với vấn đề tương tự.

Hôm 21/8, nhiều người dân tại thủ đô Nairobi, Kenya đã đổ ra đường để phản đối tình trạng tham nhũng trong bối cảnh dịch bệnh hoành hành. Các y, bác sĩ đến từ các bệnh viện công trong thành phố cũng tiến hành biểu tình để phản đối việc bị trả lương thấp và thiếu đồ bảo hộ y tế giữa lúc virus tiếp tục lây lan.

Số ca mắc tăng mạnh ở nhiều nước

Chỉ trong vòng 24 giờ qua, nhiều quốc gia ghi nhận số ca nhiễm mới Covid-19 cao nhất vài tháng trở lại đây, ám chỉ diễn biến dịch bệnh vẫn hết sức phức tạp trên thế giới.

Trang Worldometers thống kê, tính đến sáng sớm ngày 22/8 (theo giờ Việt Nam), trên thế giới đã có hơn 20,2 triệu người mắc Covid-19 với ít nhất 801.545 trường hợp đã tử vong. Tuy nhiên, gần 15,7 triệu ca bệnh khắp toàn cầu đã được chữa khỏi.Mỹ hiện vẫn là nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, với tổng số ca mắc xấp xỉ 5,8 triệu người và tử vong hơn 179.000 người. Các ổ dịch lớn thứ hai và thứ ba thế giới lần lượt là Brazil với hơn 3,5 triệu ca nhiễm, trên 113.000 người tử vong và Ấn Độ với gần 3 triệu ca nhiễm, 55.928 trường hợp thiệt mạng.

Tại châu Á, Hàn Quốc hôm 21/8 ghi nhận 324 ca nhiễm mới, mức cao nhất trong một ngày kể từ tháng Ba, nâng tổng số ca mắc trên toàn quốc lên tới 16.670 người. Tổng số người thiệt mạng vì virus hiện là 309 người, tăng 2 trường hợp so với một ngày trước đó.

Theo BBC, tương tự như đợt bùng phát dịch đầu tiên, các ổ dịch mới ở xứ sở kim chi có liên quan đến hoạt động của các giáo phái. Để ứng phó, nhà chức trách hiện đã ra lệnh đóng cửa những nơi tập trung đông người như các bảo tàng, hộp đêm và quán karaoke trong và quanh khu vực Seoul.

Chính quyền thủ đô cũng cấm các cuộc biểu tình trên đường phố có sự tham gia của 10 người trở lên. Người vi phạm sẽ bị phạt tới 3 triệu won (khoảng hơn 2.500 USD). Thành phố khẳng định sẽ truy tố hình sự đối với mọi tổ chức, cá nhân vi phạm Đạo luật Phòng chống và kiểm soát bệnh truyền nhiễm. 

Tại Lebanon, số ca mắc Covid-19 cũng tăng gấp đôi kể từ sau thảm họa nổ hóa chất ở cảng Beirut, khiến ít nhất 178 người chết và hàng nghìn nạn nhân khác bị thương hôm 4/8. Tính đến sáng 22/8, quốc gia Trung Đông này đã có 11.580 ca nhiễm với 116 trường hợp tử vong vì dịch.

Các quan chức y tế Thụy Sỹ hôm 21/8 cho biết, lần thứ 2 trong tuần nước này có thêm 300 ca nhiễm mới trong một ngày, mức cao chưa từng thấy kể từ giữa tháng 4. Bộ trưởng Y tế Alain Berset cảnh báo, tình trạng có thể bắt nguồn từ việc người dân lơ là thực hiện các hướng dẫn y tế và giãn cách xã hội sau khi Chính phủ tuyên bố đã kiểm soát được dịch.

Paraguay triển khai giãn cách xã hội

Bộ trưởng Y tế Paraguay Julio Mazzoleni thông báo, nước này sẽ bắt đầu triển khai các biện pháp giãn cách xã hội ở thủ đô Asunción và khu vực miền trung kể từ ngày 24/8 nhằm đối phó với sự gia tăng chóng mặt các ca nhiễm mới Covid-19. Lệnh dự kiến sẽ có hiệu lực trong vòng 2 tuần.

Theo CNN, đi kèm với sắc lệnh trên là việc hạn chế người dân đi lại vào ban đêm, giới hạn hoạt động vận tải đường dài dịp cuối tuần cũng như quy định cấm bán rượu cồn.

Tính đến hết ngày 21/8, quốc gia Nam Mỹ ghi nhận tổng cộng 11.817 ca nhiễm với 170 người đã tử vong. Theo số liệu thống kê chính thức của Bộ Y tế, số trường hợp thiệt mạng vì virus đã tăng hơn gấp đôi chỉ trong vòng 10 ngày qua. Tổng số ca mắc cũng tăng gần 25% trong cùng thời điểm,.

Theo Tuấn Anh (VietNamNet)

Nổi bật