Đối với nhiều người, ung thư gan là một căn bệnh xa vời, nhưng thực tế nguy cơ mắc bệnh này luôn tiềm ẩn xung quanh chúng ta, thể hiện qua những con số "biết nói":
- Trên thế giới mỗi năm có khoảng 841.000 ca mắc mới ung thư gan và 781.000 người tử vong vì căn bệnh này.
- Ung thư gan cũng là bệnh ung thư có tỉ lệ mắc mới cao nhất ở nước ta trong năm 2018 với 25.335 trường hợp và đặc biệt tỷ lệ tử vong do căn bệnh này gần tương đương số người mắc bệnh.
Một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc ung thư gan có thể kể đến như: Bệnh viêm gan B, viêm gan C, xơ gan, béo phì, nhiễm độc tố aflatoxin do nấm mốc… Ngoài ra, nguyên nhân gây ung thư gan có thể liên quan đến các yếu tố môi trường, chế độ ăn uống.
Nếu không muốn căn bệnh ung thư gan ập đến với mình, WHO khuyến cáo người dân nên tránh xa 3 loại thực phẩm sau càng sớm càng tốt:
1. Thực phẩm bị mốc
Tiết kiệm là một đức tính tốt của nhiều người Việt, tuy nhiên đôi khi sự tiết kiệm quá mức sẽ dẫn đến những hậu quả đáng tiếc.
Để tiết kiệm, nhiều người luôn cố gắng để không phải vứt bỏ thức ăn thừa và trái cây bị mốc. Tuy nhiên, khi để lâu hoặc đã bị mốc thì đồ ăn sẽ không còn bổ dưỡng nữa, thậm chí chúng còn bị biến chất.
Một số thực phẩm như ngô, bánh mì, gạo... khi bị mốc có thể sản sinh ra aflatoxin - chất độc được Tổ chức Y tế thế giới WHO xếp vào nhóm gây ung thư số 1. Chất độc hại này có độc tính cực mạnh đối với gan, thậm chí còn độc gấp 68 lần asen.
Chỉ 1mg aflatoxin cũng đủ gây ung thư. Nếu ăn một lượng nhỏ trong thời gian dài, aflatoxin có thể liên tục làm tổn thương tế bào gan và cuối cùng gây ung thư gan.
2. Đồ muối
Tổ chức Y tế Thế giới từ lâu đã liệt các loại thực phẩm bảo quản bằng muối là chất gây ung thư, ví dụ như cá muối kiểu Trung Quốc đã xác định rõ khả năng gây ung thư đối với con người.
Ngoài ung thư dạ dày, thực phẩm ngâm cũng có thể gây ung thư gan, chủ yếu do gan là cơ quan giải độc lớn nhất trong cơ thể. Lượng lớn nitrit có trong đồ muối chua sau khi vào cơ thể sẽ chuyển hóa thành nitrosamine gây ung thư và đi vào gan, tiếp xúc lâu dài có thể khiến gan bị tổn thương và tăng tỷ lệ ung thư ở giai đoạn sau.
3. Rượu
Theo WHO, đồ uống có cồn làm tăng đáng kể nguy cơ ung thư gan, khoang miệng, hầu họng, thanh quản, thực quản và ung thư vú. Trong đó, rượu là loại đồ uống có cồn tỉ lệ gây ung thư cao nhất.
Khi chúng ta uống rượu, chỉ có khoảng 5 - 10% lượng rượu được bài tiết qua phổi, thận, da hoặc mồ hôi, số lượng còn lại sẽ được chuyển xuống gan để đào thải. Chính vì thế, gan là cơ quan chịu nhiều tổn thương nhất do tác hại của bia rượu.
Khi chuyển xuống gan, ethanol trong rượu sẽ chuyển hóa thành acetaldehyd gây hư tổn và hoại tử màng tế bào dẫn đến viêm gan. Ngoài ra, quá trình này cũng tạo ra hydrogen thay thế những axit béo nhằm cung cấp năng lượng, vì vậy, axit béo dư sẽ tích tụ tại gan, gây nên tình trạng gan nhiễm mỡ. Bên cạnh đó, các axit lactic được giải phóng cũng kích thích sự phát triển của tế bào xơ dẫn đến xơ gan.
Theo Đỗ Đỗ (Trí Thức Trẻ)