Tổ chức Y tế Thế giới cho biết, khoảng 500 người đã tới các cơ sở y tế với "các dấu hiệu và triệu chứng tương ứng với việc phơi nhiễm hóa chất độc hại" sau cuộc tấn công vào thị trấn Douma, Syria vào cuối tuần qua.
"WHO đòi hỏi tiếp cận ngay lập tức, không bị cản trở tới khu vực này để chăm sóc những người bị ảnh hưởng, đánh giá các tác động về sức khoẻ và đưa ra một phản ứng toàn diện với sức khoẻ cộng đồng", ông Peter Salama - Phó Tổng giám đốc WHO về phòng ngừa và ứng phó tình trạng khẩn cấp cho biết trong tuyên bố từ Geneva.
Theo The Guardian, các cơ quan viện trợ của Liên Hợp Quốc không có quyền tiếp cận tới hầu hết các khu vực bị bao vây ở Đông Ghouta, bao gồm cả Douma, nơi được cho là xảy ra vụ tấn công. Chính phủ Syria đã bác bỏ các cáo buộc liên quan tới vụ tấn công này.
Báo cáo của WHO bổ sung thêm bằng chứng về việc sử dụng chất độc trong vụ tấn công làm ít nhất 42 người thiệt mạng và dấy lên nguy cơ Mỹ không kích nhắm vào các lực lượng trung thành với Tổng thống Bashar al-Assad.
Các chuyên gia y tế tại Douma cho hay, hàng trăm bệnh nhân đã đến các cơ sở y tế đêm ngày 7.4 với các triệu chứng nghi do phơi nhiễm hóa chất độc hại. Các triệu chứng bao gồm sùi bọt mép, ngạt thở, giãn nở và co thắt đồng tử, bỏng giác mạc, có mùi giống clo...
Vụ tấn công bằng vũ khí hóa học dường như khiến các tay súng nổi dậy Jaysh al-Islam, vốn kiểm soát Douma và kiên quyết bám trụ nhiều tuần qua, đã bất ngờ đồng ý rời khỏi thị trấn ngay. Kể từ đó, hàng nghìn người trong số 100.000 người dân ở Douma đã lên xe buýt đi về phía bắc. Nhiều dự kiến rời đi vào ngày 11.4.
Douma là thành trì cuối cùng do quân nổi dậy kiểm soát ở Đông Ghouta sau khi các nhóm nổi dậy khác đồng ý rời đi theo các thỏa thuận với quân chính phủ Syria.
Tờ báo của Anh nhận định, khả năng can thiệp của phương Tây vào Syria dâng cao sau khi Nga và các nước phương Tây như Mỹ, Anh và Pháp dùng quyền phủ quyết bác bỏ các dự thảo do hai bên soạn thảo về Syria trong phiên họp Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc ngày 10.4.
Theo Thanh Hà (Lao Động)