Sarin, cùng với hai chất hóa học Tabun và Soman, là tác phẩm của nhà hóa học người Đức Gerhard Schrader cùng nhóm cộng sự vào cuối thập niên 30 của thế kỷ 20. Cái tên của chất độc thần kinh Sarin được ghép từ chữ cái đầu tiên trong họ của những người đã tạo ra nó: Gerhard Schrader, Otto Ambros, Gerhard Ritter, và Hans-Jürgen von der Linde.
Nhóm khoa học gia người Đức ban đầu không chủ ý chế tạo ra chất độc thần kinh chết người này mà dự định chế tạo một loại thuốc trừ sâu. Tuy nhiên, sau một sự cố về công thức, Sarin đã ra đời. Schrader cùng nhóm cộng sự trở thành những nạn nhân đầu tiên của Sarin, bị mù lòa và thoái hóa cơ bắp.
Chất độc không màu, không mùi, không vị
Sarin là loại hóa chất trong suốt, không màu, không mùi và không vị khi ở trạng thái tinh khiết. Loại hóa chất này được Tổ chức Cấm vũ khí hóa học (OPCW) liệt kê vào danh sách vũ khí hóa học thần kinh và bị cấm sử dụng hoàn toàn trong bất cứ hoàn cảnh nào.
Sarin thường được lưu trữ ở dạng lỏng. Tuy nhiên, trong phần lớn các cuộc tấn công, chất độc này được bốc hơi thành dạng khí để dễ dàng phát tán ra môi trường.
Bởi đặc tính không màu, không mùi, không vị, các nạn nhân rất khó nhận ra thời điểm họ bắt đầu nhiễm chất độc Sarin. Những triệu chứng nhiễm độc đầu tiên bao gồm sổ mũi, đau mắt, chảy nước dãi, đổ mồ hôi nhiều, thở nhanh, tiểu tiện liên tục và buồn nôn.
Khi phơi nhiễm lượng lớn Sarin, nạn nhân có thể bị mất ý thức, toàn thân tê liệt, co giật và suy hô hấp. Tất cả các triệu chứng này sau đó sẽ dẫn tới tử vong.
Theo Tổ chức Y tế thế giới WHO, Sarin có khả năng đe dọa tính mạng con người cao gấp 26 lần so với chất độc Xyanua. Nạn nhân hít phải khí Sarin với liều lượng 200 miligam sẽ tử vong chỉ trong vài phút, thậm chí không đủ thời gian để xuất hiện các triệu chứng.
Sarin cũng có thể xâm nhập vào cơ thể nạn nhân qua da. Một lượng nhỏ Sarin bằng đầu kim châm cũng đủ để giết chết một người trưởng thành. Nhiễm độc Sarin qua da sẽ lâu hơn so với qua đường hô hấp. Tuy nhiên, sau 30 phút, các triệu chứng sẽ xuất hiện và cái chết đến nhanh chóng.
Những nạn nhân may mắn sống sót sau khi nhiễm độc Sarin có nguy cơ đối mặt những tình trạng bệnh lý lâu dài như tổn thương phổi, tổn thương mắt hoặc suy giảm chức năng hệ thần kinh trung ương.
Lịch sử đẫm máu của chất độc thần kinh Sarin
Một trong những thảm họa nhân đạo tồi tệ nhất có liên quan tới chất độc thần kinh Sarin là vụ tấn công năm 1988 tại Halahbja, Iraq. Quân đội chính phủ Iraq sử dụng kết hợp khí Sarin và khí hóa học mù tạt gây ra cái chết cho hơn 5.000 người Kurd. Khoảng 65.000 người bị thương trong vụ tấn công hóa học này.
Tháng 3/1995, giáo phái Aum Shinrikyo sử dụng chất độc Sarin tấn công nhà ga tàu điện ngầm ở Tokyo, Nhật Bản, khiến hơn 6.000 người bị trúng độc. 13 người trong số các nạn nhân đã thiệt mạng. Chất độc này cũng khiến 7 người khác thiệt mạng trong một cuộc tấn công trước đó tại thành phố Matsumoto, Nhật Bản, năm 1994.
Trong cuộc nội chiến Syria, chất độc Sarin từng được sử dụng tháng 8/2013 khi quân đội chính phủ không kích Đông Ghouta. Tổ chức Bác sĩ không biên giới xác định khoảng 4.000 người đã nhiễm độc, trong đó ít nhất 500 người thiệt mạng.
Năm 2017, Liên Hợp Quốc và OPCW cáo buộc chính phủ Syria sử dụng chất độc Sarin trong cuộc không kích ngày 4/4/2017 vào thị trấn Khan Sheikhun do quân nổi dậy kiểm soát. Vụ tấn công làm 83 người thiệt mạng và hàng trăm người bị thương. Mỹ sau đó phóng hàng chục tên lửa Tomahawk vào căn cứ không quân Sharyrat của quân chính phủ Syria.
Vụ tấn công vào thị trấn Douma ngày 8/4 là lần thứ 6 vũ khí hóa học bị cáo buộc được sử dụng trên chiến trường Syria trong năm 2018. Tới thời điểm hiện tại, ít nhất 70 người đã thiệt mạng và hơn 500 người bị thương vì chất độc thần kinh Sarin trong vụ tấn công ở Douma.
Theo Duy Anh (Tri Thức Trực Tuyến)