Quả bom truyền thông mới nhất có tên Tôi là một phần của phe chống đối trong chính quyền Trump "phát nổ" hôm 5/9 và lập tức trở thành trung tâm của dư luận những ngày qua. Theo Washington Post, người ta không chỉ nói về nó bởi những hỗn loạn bên trong Nhà Trắng nó vạch trần, bài báo được bàn tán còn bởi tất cả đều tỏ mò ai là tác giả.
Từ tin đồn đến thuyết âm mưu
New York Times, một trong những tờ báo lâu đời nhất nước Mỹ, đã làm một việc mà họ miêu tả là "hiếm khi", đăng tải bài viết ẩn tên tác giả, với người viết được cho là của một nhân vật cấp cao trong chính quyền Trump.
Những người theo thuyết âm mưu đã bắt đầu đặt ra một danh sách dài nhân vật có khả năng là tác giả bài viết nặc danh. Những đồn đoán nhanh chóng xuất hiện và nhắm vào tất cả nhân vật thuộc hàng thân cận nhất của Tổng thống Trump tại Nhà Trắng, từ Thư ký báo chí Sarah Sanders, Trợ lý Kellyanne Conway tới Chánh văn phòng John Kelly.
Một số người tin chắc tác giả phải là một nhân vật có "máu mặt". Người ta thậm chí nghi ngờ cả Phó tổng thống Mike Pence bởi bài viết có từ "sao bắc đẩu", một từ thường được nhân vật số 2 tại Nhà Trắng sử dụng trong các bài phát biểu năm 2001.
Ngay cả người quá cố cũng không thoát khỏi cơn bão tin đồn tại Washington. Có người nghi ngờ bài viết là tác phẩm của cố thượng nghị sĩ John McCain trong những ngày cuối đời, là đòn phản kháng cuối cùng chống lại Tổng thống Trump trước ngày chính trị gia kỳ cựu này ra đi vì bệnh ung thư não.
Nhiều người, ngược lại, tin rằng Tổng thống Trump cùng bộ sậu đạo diễn và chắp bút cho bài viết gây tranh cãi trên tờ New York Times, nhằm đánh lạc hướng sự phẫn nộ của công luận trước các tranh cãi nội bộ cũng như phiên điều trần của ứng viên cho chức thẩm phán của Tòa Tối cao Mỹ, ông Brett Kavanaugh.
Tranh cãi công - tội
Ngay chiều hôm 5/9, Tổng thống Trump đã công kích tờ New York Times và bài viết nặc danh là "hèn nhát".
"Một số người ở nơi mà tôi xin gọi là tờ báo suy đồi New York Times tự nhận ông ta là một phần của sự chống đối trong chính quyền Trump. Đó là cái tôi hiện phải giải quyết. Và các bạn biết đấy, giới truyền thông thiếu trung thực. Chuyện này thật đáng xấu hổ", Tổng thống Trump nói.
Chẳng bao lâu sau, ông viết trên Twitter cá nhân, cáo buộc bài báo được cho là vạch trần sự bất ổn trong Nhà Trắng là một hành động "phản quốc".
Trong một tuyên bố đầy giận giữ, thư ký báo chí Sarah Sanders tuyên bố bài viết trên New York Times là "đáy mới" của tờ báo, đồng thời yêu cầu lời xin lỗi chính thức từ tờ báo cũng như yêu cầu tác giả bài viết từ chức.
"Ông ta không đặt lợi ích đất nước lên hàng đầu. Thay vào đó, ông ta đặt bản thân và cái tôi cá nhân lên trên ý nguyện của nhân dân Mỹ. Kẻ hèn hạ đó nên làm điều đúng đắn và nộp đơn từ chức", bà Sanders phát biểu.
Những lời đón đoán đang mọc lên "như nấm sau mưa", ngay cả sau cánh cửa đóng kín của Nhà Trắng. Những câu chuyện lan truyền giữa các nhân viên và trợ lý của ông Trump, phỏng đoán ai là tác giả bài viết gây chấn động Washington, khiến Nhà Trắng chẳng khác nào phiên bản đời thực của phim truyền hình hài kịch Guess Who (tạm dịch: Đoán xem là ai) từng nổi tiếng tại nước Mỹ khoảng 10 năm trướcc.
Ngay tại tòa soạn tờ New York Times, danh tính tác giả bài viết cũng là ẩn số, chỉ một số ít biên tập viên và lãnh đạo cấp cao của tòa soạn biết được chính xác ai thực sự đã "đâm nhát dao" vào lưng Tổng thống Trump.
Trong một buổi phỏng vấn với CNN, biên tập viên Jim Dao của New York Times cho biết tác giả tiếp xúc với tờ báo thông qua một bên trung gian, đề nghị hé lộ phe chống đối bên trong chính quyền Mỹ cho toàn thế giới. Mặc dù vậy, Dao không tiết lộ tờ báo liên hệ với tác giả như thế nào, cũng như không làm rõ chức vụ của người này.
Sau những giả thiết đoán già đoán non về thân phận tác giả nặc danh bài viết gây tranh cãi, những kẻ tò mò dự đoán các kịch bản có thể sớm xảy ra. Người ta đều thắc mắc nhân vật tự nhận là quan chức cao cấp của Nhà Trắng kia có thể đạt được lợi ích gì sau màn "phản bội" công khai tổng tư lệnh.
Một số người, trong đó có biên tập viên Karen Attiah của tờ Washington Post, một tờ báo lớn khác của Mỹ, đặt ra khả năng tác giả nặc danh kia cùng những người có liên quan sẽ được "tôn phong là anh hùng", tham gian những buổi nói chuyện trên truyền hình, thậm chí có cơ hội viết sách và thu về hàng núi tiền.
Những người khác, đồng tình với Tổng thống Trump, cho rằng tác giả bài viết là một kẻ phản diện. Điều này cho thấy nhiều người, dù có thể coi ông Trump là mối đe dọa an ninh tới nước Mỹ, vẫn không sẵn sàng đối đầu ông trước công luận.
Theo Duy Anh (Tri Thức Trực Tuyến)