"Một số nước ngoài khu vực, chủ yếu là Mỹ, đã đưa vũ khí chiến lược lớn đến khu vực, đặc biệt là ở Biển Đông, như là cách để phô bày sức mạnh quân sự và gây sức ép với các nước tại khu vực, bao gồm Trung Quốc", Straits Times dẫn lời Ngoại trưởng Vương Nghị phát biểu tại Singapore hôm 4/8.
"Tôi e rằng đây là động lực lớn nhất cho việc Trung Quốc thúc đẩy việc quân sự hóa tại khu vực", ông Vương nói trong cuộc họp báo bên lề Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF).
Trung Quốc đã gia tăng các hoạt động quân sự hóa tại các điểm chiếm đóng trái phép ở Biển Đông những năm qua, bất chấp sự lên án của cộng đồng quốc tế. Trong nửa đầu năm nay, Bắc Kinh đã ngang ngược đưa máy bay ném bom đến Hoàng Sa, đồng thời triển khai tên lửa và thiết bị gây nhiễu sóng ở Trường Sa.
Mỹ liên tục thách thức các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc bằng việc đưa tàu chiến đến gần các đảo, đá mà nước chiếm đóng trái phép, chỉ trích Bắc Kinh trong các phát biểu công khai. Lầu Năm Góc mới đây cũng hủy lời mời Trung Quốc tham gia tập trận Vành đai Thái Bình Dương (RIMPAC), viện dẫn các hoạt động quân sự hóa của Bắc Kinh trên Biển Đông.
Chỉ ra các nhóm tàu sân bay, máy bay ném bom chiến lược và nhiều vũ khí tối tân khác, người đứng đầu ngành ngoại giao Trung Quốc nói: "Đối mặt với những mối đe dọa và sức ép quân sự ngày càng gia tăng như vậy, các nước ở khu vực, bao gồm Trung Quốc, tự động chọn, tự gìn giữ, tự bảo vệ mình và sẵn sàng các cơ sở phòng vệ”.
Khi được hỏi liệu các nước khác có hành động đáp trả vì hoạt động quân sự hóa của Trung Quốc ở Biển Đông hay không, ông Vương nói: "Trung Quốc hoàn toàn có quyền làm những việc đó vì Trung Quốc cần bảo vệ chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của mình. Và bởi vì ngày càng có nhiều áp lực với Trung Quốc, việc Trung Quốc tiến hành thêm nhiều biện pháp tự vệ là điều tự nhiên".
Tuy nhiên, ngoại trưởng Trung Quốc cũng nói rằng bất kể tình hình diễn biến thế nào, Bắc Kinh sẽ tiếp tục làm việc với các nước khác để hoàn thành các nghĩa vụ quốc tế, bao gồm củng cố tự do hàng hải ở các vùng biển quốc tế, duy trì hòa bình và ổn định tại khu vực.
Ông Vương cáo buộc "các nước ngoài khu vực" cố tình gây rối tại hội nghị ngoại trưởng Thượng đỉnh Đông Á (EAS), hội nghị của ASEAN và 8 nước khác, bao gồm Australia, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, New Zealand, Nga, Hàn Quốc và Mỹ.
"Điều này vô cùng đáng tiếc. Chúng tôi tin rằng những người chơi chính tại các nước trong khu vực mới là những giám khảo tốt nhất cho những gì đang xảy ra ở đây", ông nói, hy vọng rằng các nước ngoài khu vực "thay đổi tư duy".
Mới đây, quốc hội Mỹ cũng đã thông qua dự luật về ngân sách quốc phòng được cho là cứng rắn nhất với Trung Quốc trước nay, giữa lúc làn sóng đối đầu với Bắc Kinh đang được cả hai đảng ủng hộ. Dự luật năm nay nhắm tới đối phó một loạt chính sách của Trung Quốc, từ việc gia tăng hoạt động quân sự trên Biển Đông cũng như theo đuổi công nghệ tiên tiến của Mỹ.
Dự luật cũng cấm Trung Quốc tham gia cuộc tập trận RIMPAC cho đến khi Bắc Kinh chấm dứt việc quân sự hóa đảo đá ở Biển Đông.
Theo Đông Phong (Tri Thức Trực Tuyến)