Các hãng hàng không giá rẻ Indonesia đang điêu đứng khi chính phủ nước này ra một quy định mới nhằm siết chặt an toàn bay sau vụ tai nạn thảm khốc của máy bay QZ8501.
Ngày 7/1, cuộc tìm kiếm xác chiếc máy bay gặp nạn QZ8501 trên biển Java của Indonesia đang có nguy cơ bị phủ bóng bởi một cuộc tranh cãi chính trị quyết liệt giữa Bộ Giao thông Vận tải Indonesia với các hãng hàng không giá rẻ và cộng đồng những người đi máy bay.
Tờ Kompa của Indonesia cho hay Bộ Giao thông Vận tải nước này đang chuẩn bị ra quyết định cấm các hãng hàng không giá rẻ của nước này bán các loại vé giá thấp “như cho” chỉ 4 USD sau khi chiếc máy bay QZ8501 của hãng hàng không giá rẻ AirAsia gặp nạn khiến toàn bộ 162 người thiệt mạng.
|
Mảnh vỡ của chiếc QZ8501 nằm dưới đáy biển Java
|
Ông Hadi Djuraid, quan chức Bộ Giao thông Vận tải Indonesia tuyên bố: “Quy định này nhằm mục đích để các hãng hàng không có đủ năng lực tài chính để nâng cao tiêu chuẩn an toàn. Chúng tôi không phản đối nếu họ hạ thấp tiêu chuẩn dịch vụ, nhưng hạ thấp tiêu chuẩn an toàn thì không được phép”.
Sự thay đổi chính sách này của chính phủ Indonesia đã làm dấy lên một “cơn bão” trong cộng đồng mạng xã hội Indonesia, bởi nhiều người trong số 250 triệu dân của nước này ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào hàng không để di chuyển giữa các hòn đảo lớn hoặc ra nước ngoài làm việc.
Indonesia có khoảng 700.000 lao động xuất khẩu làm việc ở khắp các nước trên thế giới, chủ yếu là Malaysia và Arab Saudi, với số ngoại tệ mà họ gửi về nước lên tới 6,6 tỉ USD vào năm 2009.
Bất cứ hạn chế nào của chính phủ không chỉ ảnh hưởng đến túi tiền của những người thường xuyên đi lại bằng máy bay mà còn tác động xấu đến các hãng hàng không giá rẻ như AirAsia, vốn đã chao đảo trước cáo buộc của các quan chức Indonesia rằng chuyến bay QZ8501 đã cất cánh hôm Chủ nhật mà không có giấy phép.
|
Các hãng hàng không giá rẻ Indonesia đang điêu đứng trước quy định mới của chính phủ |
Tổng giám đốc AirAsia Tony Fernandes đã phải đứng ra phân trần và nói rằng đây “đơn thuần là lỗi hành chính”. Ông nói: “Chúng tôi được quyền bay từ Surabaya tới Singapore. Chúng tôi đã bay theo lịch trình này một cách đều đặn 7 ngày trong tuần, và đã được phê chuẩn từ phía Indonesia và Singapore”.
Mặc dù vậy, nhà chức trách Indonesia vẫn quyết định rút giấy phép đối với 5 tuyến bay nội địa chủ chốt của AirAsia từ Surabaya để phục vụ điều tra, và chặng bay Surabaya-Singapore cũng bị ngừng hoàn toàn.
Nhà chức trách Indonesia cũng chỉ trích cơ trưởng Iriyanto trên chuyến bay QZ8501 vì đã không tiếp nhận tài liệu thông báo về tình hình thời tiết của đài kiểm soát không lưu trước chuyến bay theo quy định.
Thế nhưng, ông Fernandes lại lên tiếng bảo vệ nhân viên của mình khi nói rằng các dữ liệu thời tiết đã được AirAsia phổ biến qua thiết bị điện tử cho các phi công giống như cách làm của nhiều hãng hàng không khác.
|
Quy định mới của Indonesia gây ra làn sóng tranh cãi quyết liệt trong dư luận |
Các phi công khác cũng đồng loạt lên tiếng bảo vệ cơ trưởng Iriyanto trước cáo buộc của nhà chức trách Indonesia. Phi công kỳ cựu Sardjono Jhony Tjitrokusumo nói: “Đừng làm quá mọi việc lên và nói rằng phi công có lỗi nếu không nhận tài liệu về thời tiết. Đó không phải là một phần của quy định bắt buộc trước khi cất cánh”.
Phi công này còn “khuyên” chính phủ Indonesia: “Đừng bất ngờ trở thành một chuyên gia hàng không, như thể các ông biết mọi thứ về lĩnh vực này. Xin hãy tỏ ra khôn ngoan”.
Theo Trí Dũng (Dân Việt)