Mới đây, một nghi vấn mới đã được đưa ra liên quan vụ tai nạn máy bay Jeju Air tại sân bay Muan, Hàn Quốc xảy ra vào ngày 29/12/2024 đã cướp đi mạng sống của 179 người.
Đoạn video ghi lại khoảnh khắc cuối cùng trước khi máy bay hạ cánh cho thấy khả năng một phần động cơ vẫn hoạt động, trái ngược với giả thuyết ban đầu về việc động cơ ngừng hoạt động hoàn toàn do va chạm với chim. Sự việc này đặt ra nhiều câu hỏi mới về nguyên nhân thực sự của vụ tai nạn hàng không thảm khốc.
“Tiếng động đó có phải từ động cơ không?”
Cuối năm ngoái, một máy bay chở khách của hãng hàng không Jeju Air đã gặp sự cố tại sân bay Muan. Đoạn video ghi lại những khoảnh khắc cuối cùng của máy bay cho thấy có khả năng một phần động cơ vẫn hoạt động, trái ngược với quan điểm ban đầu. Trước đó, giả thuyết được đưa ra là do va chạm với chim (bird strike) khiến toàn bộ động cơ ngừng hoạt động và nguồn điện trên máy bay bị cắt.
Tối ngày 7/4, đài KBS đã công bố đoạn video ghi lại hình ảnh máy bay gặp nạn. Trong video, có thể thấy khói và lửa phát ra từ động cơ bên phải, khiến máy bay chao đảo và bắt đầu giảm độ cao nhanh chóng xuống khoảng 50m so với mặt đất. Tuy nhiên, ngay sau đó, máy bay dường như đã lấy lại được một chút độ cao. Âm thanh được cho là tiếng động cơ cũng liên tục vang lên trong quá trình máy bay cố gắng hạ cánh khẩn cấp bằng bụng.
Đoạn video được ghi lại từ khu vực nhà chứa máy bay của lực lượng Hải cảnh tại sân bay Muan, bắt đầu từ 9 giờ 06 phút 16 giây sáng, tức là 1 phút 20 giây sau khi phi công phát tín hiệu cấp cứu “Mayday”, và kéo dài 2 phút 40 giây cho đến khi máy bay tiếp đất.
Một quan chức thuộc Bộ Quốc đất, Giao thông vận tải và Hàng hải Hàn Quốc (MOLIT) giấu tên cho biết: "Mặc dù không hoàn toàn bình thường, nhưng âm thanh đó có thể là do động cơ vẫn đang hoạt động ở một mức độ nào đó. Việc máy bay có thể lấy lại được một chút độ cao cũng khó có thể xảy ra nếu động cơ hoàn toàn mất lực đẩy."
Nếu âm thanh trong video thực sự là tiếng động cơ, toàn bộ quá trình và nguyên nhân vụ tai nạn có thể sẽ phải được đánh giá lại. Giả thuyết ban đầu cho rằng cả hai động cơ đều ngừng hoạt động do va chạm với chim trong quá trình hạ cánh. Điều này dẫn đến việc mất toàn bộ nguồn điện trên máy bay, khiến máy bay rơi vào tình trạng mất kiểm soát.
Chi tiết khó hiểu về hộp đen
Việc hộp đen, bao gồm thiết bị ghi dữ liệu chuyến bay (FDR) và thiết bị ghi âm buồng lái (CVR), ngừng ghi lại dữ liệu 4 phút trước khi xảy ra va chạm cũng được cho là do mất nguồn điện hoàn toàn. Vị quan chức của MOLIT đặt ra một loạt câu hỏi cần được làm rõ: "Nếu động cơ vẫn hoạt động, dù chỉ một chút, thì tại sao hộp đen lại ngừng ghi? Tại sao càng hạ cánh không được hạ xuống? Tại sao tốc độ máy bay không giảm sau khi tiếp đất? Và tại sao cánh tà giảm tốc không được triển khai?"
Một đại diện của một hãng hàng không khác tại Hàn Quốc cũng nhận định: "Nếu giả thuyết về việc động cơ và hệ thống cung cấp điện đều ngừng hoạt động không còn chính xác, chúng ta cần phải xem xét lại toàn bộ quá trình điều tra nguyên nhân và diễn biến vụ tai nạn." Điều này đồng nghĩa với việc phải kiểm tra lại các khả năng như lỗi thiết kế của máy bay hoặc lỗi trong quá trình bảo trì.
Đại diện Ủy ban Điều tra Tai nạn Hàng không và Đường sắt (ARAIB) thuộc MOLIT, cơ quan đang điều tra nguyên nhân vụ tai nạn, cho biết: "Chúng tôi đã có được đoạn video và đang phân tích nó từ nhiều góc độ. Việc xác định chính xác nguyên nhân vụ việc sẽ mất khá nhiều thời gian."
Theo Chi Chi (Thanh Niên Việt)