Quyết định của Nga xem xét cung cấp hệ thống phòng không S-300 cho Syria đã nhiều lần làm dấy lên căng thẳng giữa Nga và Israel. Trước đó hôm 24/4, Bộ trưởng Quốc phòng Israel Avigdor Lieberman ra tuyên bố khẳng định, không quân nước này sẽ tấn công hệ thống tên lửa S-300 do Nga sản xuất, nếu chúng được sử dụng chống lại Israel.
Vũ khí nào của Israel có thể hạ gục S-300
Phát biểu với tờ báo Ynet, Bộ trưởng Avigdor Lieberman cho biết: “Điều quan trọng với chúng tôi là các loại vũ khí phòng vệ mà người Nga cung cấp cho Syria sẽ không được sử dụng để chống lại Israel.
Nếu vũ khí này được sử dụng để tấn công chúng tôi, chúng tôi sẽ tiêu diệt chúng. Bất cứ ai tấn công chúng tôi, chúng tôi sẽ đáp trả dù đó là vũ khí S-300 được sử dụng hay bất cứ loại vũ khí nào khác”.
Trước đó cùng ngày, Bộ trưởng Thông tin Israel Yisrael Katz cho biết, nếu Nga chuyển giao S-300 cho Syria sẽ vượt qua ranh giới trong quan hệ với Tel Aviv, gây hậu quả nghiêm trọng. Còn Thứ trưởng Ngoại giao Israel phụ trách quan hệ Âu-Á Alexander Ben-Zvi khẳng định: “Bất cứ loại vũ khí nào đe dọa an ninh Israel sẽ luôn là vấn đề quan tâm hàng đầu của nước này.”
Trên thực tế, các hệ thống phòng không của Nga được triển khai Syria trong nhiều năm qua. Hệ thống phòng không của Syria đều do Nga sản xuất và Israel từng tấn công quân sự vài lần, gần đây nhất là sau khi Damascus bắn rơi một máy bay F-16 vào tháng 2 vừa qua.
Lực lượng phòng không Israel (IAF) được coi là lực lượng có kỹ năng chiến đấu vượt trội trong khu vực, khiến cả Nga và Mỹ đều e dè trước khả năng chiến đấu của họ.
Theo một số truyền thông nước ngoài, IAF đã nghiên cứu kỹ lưỡng cấu tạo cũng như chức năng của hệ thống phòng không S-300 và tập dượt các đòn tấn công trong những cuộc tập trận chung với một số nước đã mua S-300 của Nga.
Trong trường hợp Israel quyết định tấn công Syria thì chắc chắn IAF sẽ huy động phi đội máy bay tàng hình F-35I thực hiện nhiệm vụ. F-35 là tiêm kích tàng hình thế hệ thứ 5 của Mỹ có thể qua mặt được lưới phòng không của Syria.
Chúng cùng với F-22 là những chiếc máy bay thế hệ thứ 5 duy nhất đã được đưa vào hoạt động. Các đợt thử nghiệm cho thấy chúng vẫn là những máy bay đáng sợ có năng lực chiến đấu tuyệt vời, đồng thời cũng là những đối thủ “đáng gờm” trên bầu trời.
Israel là quốc gia hiếm hoi sau Mỹ được sở hữu loại máy bay này và đưa vào trực chiến. Đã có khoảng gần chục máy bay chiến đấu tàng hình F-35 được Mỹ bàn giao cho không quân Israel.
Ngoài F-35, Israel cũng có thể dựa vào sức mạnh của tên lửa hành trình đối đất Delilah, được sản xuất trong nước. Tên lửa hành trình đối đất Delilah được cho là một trong những tên lửa có độ chính xác cao nhất thế giới hiện nay, bán kính sai lệch mục tiêu của tên lửa này chỉ một mét.
Nó được tích hợp một máy lái tự động, tên lửa có hệ thống dẫn đường kết hợp quán tính và GPS. Hệ thống dẫn đường tinh vi cho phép tên lửa này có khả năng đánh trúng mục tiêu ở khoảng cách 250 km. Đến thời điểm hiện tại Delilah là vũ khí mà Israel cho là lợi hại nhất để có thể khống chế được hệ thống S-300.
Tổ hợp tên lửa S-300 của Nga sắp “làm mưa làm gió” trên bầu trời Syria VOV.VN - Tuyên bố của Nga xem xét triển khai hệ thống phòng không S-300 tới Syria trong thời gian sớm nhất được coi là thông điệp cảnh báo đối với Mỹ và Israel.
Nga xuống nước
Trước tuyên bố cứng rắn của Israel, Đại sứ Nga tại Israel Alexander Shein ngày 25/4 đã tìm cách hạ nhiệt căng thẳng giữa hai nước liên quan đến việc Nga xem xét triển khai hệ thống phòng không S-300 cho Syria.
Trả lời phỏng vấn kênh truyền hình Yediot Acharonot, Đại sứ Alexander Shein nêu rõ, Nga luôn nhận thức rõ được những lo ngại của Israel về sức mạnh quân sự của Syria, tuy nhiên các hành động đơn phương mà Israel thực hiện tại Syria đang làm phức tạp mọi vấn đề.
Vị quan chức này cho biết, ý tưởng chuyển giao S-300 cho Syria, mà Nga vẫn chưa quyết định thời điểm, là hệ quả của các vụ không kích tên lửa ác liệt hôm 14/4 do các lực lượng của Mỹ, Anh và Pháp tiến hành nhằm vào Syria.
“Bất chấp những tuyên bố tuần trước về việc Nga sẽ cung cấp miễn phí cho Syria hệ thống phòng không S-300, song thỏa thuận này vẫn chưa được thảo luận với Syria. Theo tôi được biết vẫn chưa có động thái chính thức liên quan đến vấn đề này.
Nhiều phương tiện truyền thông khẳng định khả năng cao thỏa thuận sẽ được thực hiện. Nếu động thái này diễn ra thì đó là nhằm hỗ trợ Syria chống lại sự xâm lược của các nước phương Tây và không can dự tới Israel”, ông nói.
Khi được hỏi liệu Nga sẽ ngăn cản Israel tự do hành động tại Syria hay không, Đại sứ Shein rất thận trọng nói rằng:
"Tất nhiên việc những hành động này không xảy ra nằm trong lợi ích của chúng tôi, vì những hành động này sẽ khiến tình hình Syria tồi tệ hơn. Chúng tôi hiểu những lý do dẫn tới việc Israel quyết định có các hành động như vậy và tất nhiên cũng muốn những lý do này không tồn tại".
Ông Alexander Shein nhấn mạnh: “Nga luôn xem xét những mối quan tâm lợi ích của Israel trong vấn đề an ninh. Tất nhiên chúng tôi cũng lo ngại về những lời đe dọa lẫn nhau cũng như mối quan hệ căng thẳng giữa Israel và Iran, đặc biệt là sự hiện diện của Iran tại Syria.
Căng thẳng giữa hai quốc gia này có thể dẫn đến sự bùng phát một cuộc chiến mới tại Trung Đông. Chúng tôi hối thúc các bên nên thận trọng và kiềm chế”.
Ngoài ra, Đại sứ Shein cũng đánh giá thấp nguy cơ một cuộc xung đột giữa Nga và Israel về Syria khi nói:
"Tôi không thể tưởng tượng bất kỳ kịch bản nào như vậy bởi có sự hợp tác và cập nhật tình hình giữa hai chính phủ cũng như các bộ ngành 2 nước. Cho đến nay vẫn chưa xảy ra bất cứ sự cố về an ninh nào giữa hai nước, thậm chí nguy cơ xảy ra vụ việc như vậy cũng không có".
Giới quan sát cho rằng, việc nhún nhường Israel lúc này là quyết định khôn ngoan của Nga, sẽ giúp nước này tránh một sự đối đầu nguy hiểm tại Trung Đông, trong bối cảnh Nga đang sa lầy vào cuộc chiến tại Syria và kinh tế của nước này đang bị ảnh hưởng do các biện pháp trừng phạt.
Tuy nhiên, điều này cũng có thể khiến danh tiếng của Nga với đồng minh Syria và các nước có quan hệ thân thiết với Nga bị ảnh hưởng ít nhiều.
Theo Hồng Anh (Soha/Trí Thức Trẻ)