Nga đưa vũ khí mệnh danh "quyền trượng của Putin" tới Việt Nam
Trong khuôn khổ Triển lãm quốc phòng quốc tế 2024 diễn ra tại sân bay Gia Lâm (Hà Nội) từ ngày 19-22/12, tập đoàn Rosoboronexport (Nga) đã mang tới tàu hộ vệ tên lửa lớp Karakurt (Đề án 22800) dưới dạng mô hình để giới thiệu tại Việt Nam.
Theo tạp chí quốc phòng Army Recognition (Bỉ), sự xuất hiện của tàu lớp Karakurt cùng các vũ khí khác của Nga tại Triển lãm quốc phòng quốc tế 2024 đã phản ánh mức độ quan tâm của Moscow trong việc duy trì và tăng cường hợp tác quân sự với Việt Nam.
Việc giới thiệu mô hình tàu lớp Karakurt tại triển lãm năm nay đồng thời cho thấy những nỗ lực mở rộng của Nga nhằm tăng cường xuất khẩu quốc phòng sang Việt Nam nói riêng và Đông Nam Á nói chung.
"Karakurt" là tên một loại nhện độc sa mạc có kích thước lớn. Do đó, khả năng tấn công của tàu lớp Karakurt cũng được ví như "vết cắn" siêu hiểm hóc của loài nhện.
Karakurt có lượng giãn nước khoảng 800 tấn, chiều dài 65m, chiều rộng 10m, mớn nước 4m, tầm hoạt động 5.500km, khả năng hoạt động liên tục trên biển trong 15 ngày.
Tuy có lượng giãn nước khiêm tốn nhưng Karakurt sở hữu hỏa lực tương đương tàu chiến 2.000 – 4.000 tấn.
Trang bị "át chủ bài" của Karakurt là tên lửa hành trình Kalibr-NK. Theo hãng tin Sputnik (Nga), trong bán kính 500km từ tàu Nga, "không có tàu nào của đối phương có thể cảm thấy an toàn". Sau khi phóng tên lửa, con tàu tốc độ cao và tàng hình này có thể nhanh chóng thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm với tốc độ 30 hải lý/giờ.
Theo kênh truyền hình Tsargrad (Nga), tờ Bild (Đức) từng đăng một bài viết ví von các tàu lớp Karakurt của Nga như "quyền trượng của [Tổng thống Nga] Putin", có thể tạo ra "một cơn giông bão thực sự với Mỹ".
Trong chiến dịch chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) ở Syria năm 2017, Hải quân Nga đã bắn 26 tên lửa hành trình Kalibr vào các căn cứ IS từ khoảng cách 1.500km, với sai số chỉ 1m. Thành tích đáng nể này đã cho phép quân đội Nga "thách thức sự thống trị của Mỹ trên biển".
Theo báo Đức, "nhỏ nhưng có võ" và trang bị tên lửa hành trình đáng gờm Kalibr, Karakurt có khả năng tiến hành những cuộc tấn công hiểm hóc trong trường hợp khẩn cấp, và trở thành "tàu chiến không có đối thủ".
Một điểm nổi bật khác của tàu lớp Karakurt là chi phí rẻ. Sputnik cho biết, một nhóm gồm 3 tàu lớp Karakurt sẽ không thua kém các tàu cỡ lớn, ví dụ như tàu tuần dương Mỹ lớp Ticonderoga trang bị tên lửa hành trình Tomahawk.
Tuy nhiên, một chiếc Ticonderoga có giá lên tới 1 tỷ USD. Với số tiền này, có thể chế tạo tới 30 chiếc Karakurt.
3 lần ngỏ ý với Việt Nam
Nga đã ít nhất 3 lần ngỏ ý muốn cung cấp các tàu hộ vệ lớp Karakurt cho Việt Nam.
Vào tháng 7/2018, hãng thông tấn TASS dẫn lời Phó Thủ tướng Nga khi đó là ông Yuri Borisov, nay là Tổng Giám đốc cơ quan vũ trụ Nga (Roscosmos), cho biết Moscow kỳ vọng có thể xuất khẩu các tàu lớp Karakurt sang một số quốc gia tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam.
Theo ông Borisov, "Các tàu đề án 22800 lớp Karakurt được phát triển rất thành công: Có trọng tải lớn, được trang bị vũ khí mạnh, trong đó vũ khí quan trọng nhất là tên lửa Kalibr.
Các tàu này cũng có giá cả phải chăng, nhỏ nhưng chắc chắn và có tốc độ di chuyển nhanh. Tôi tin rằng chúng có tiềm năng xuất khẩu tốt sang nhiều quốc gia, đặc biệt là các nước châu Á - Thái Bình Dương như Việt Nam, Trung Quốc, Ấn Độ và một số nước khác".
Tiếp đó vào tháng 10/2019, trong khuôn khổ Triển lãm Quốc tế về Quốc phòng và An ninh (DSE Vietnam 2019), Nga đã lần đầu giới thiệu mô hình tàu Karakurt-E (phiên bản xuất khẩu) tại Hà Nội, với cấu hình thay đổi một chút so với bản nội địa nhưng tính năng không thua kém.
Điều bất ngờ nằm ở việc, Nga đã mang tới Việt Nam mô hình nâng cấp mới nhất của tàu Karakurt, với tháp radar được điều chỉnh để tăng khả năng tàng hình.
Mẫu tàu này tiếp tục được Moscow đưa tới Việt Nam trong khuôn khổ Triển lãm quốc phòng quốc tế 2022, cùng với hơn 400 sản phẩm khác, làm nổi bật kỳ vọng của Moscow trong việc xuất khẩu tàu lớp Karakurt sang Việt Nam.
Theo ông Alexander Mikheev, Tổng giám đốc Rosoboronexport, tập đoàn của Nga "luôn mang tới cho Việt Nam các sản phẩm quốc phòng phù hợp, đáng tin cậy và hiệu quả nhất để trang bị cho quân đội, cũng như lực lượng an ninh.
Hợp tác quân sự-kỹ thuật giữa Nga và Việt Nam luôn là một phần quan trọng trong quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước chúng ta".
"Cơ hội vàng" tại Việt Nam
Theo ông Taras Ivanov, phụ trách Văn phòng đại diện thường trú của Sputnik tại Hà Nội, Triển lãm quốc phòng quốc tế 2024 đã trở thành sự kiện quan trọng, đánh dấu bước tiến lớn trong việc củng cố quan hệ song phương giữa Nga và Việt Nam.
"Tiếp nối truyền thống hợp tác chặt chẽ từ thời kỳ Liên Xô, Nga nhận định đây là cơ hội vàng để phát triển hợp tác quốc phòng với Việt Nam" - Ông Ivanov cho hay.
Theo ông, sự quan tâm của Việt Nam đối với các sản phẩm quốc phòng từ Nga vẫn duy trì ở mức cao. Đáng chú ý, nhu cầu này trải dài trên toàn bộ danh mục vũ khí của Nga, được chứng minh hiệu quả trong các chiến dịch quân sự thực tế.
Nhận định riêng về tàu tên hộ vệ của Nga, theo tạp chí Army Recognition, chương trình hiện đại hóa hải quân đang đưa Việt Nam trở thành thị trường tiềm năng cho các lớp tàu như Karakurt. Thiết kế và khả năng tác chiến của lớp tàu này có thể thu hút các quốc gia đang tìm kiếm những phương tiện hải quân nhỏ gọn và tiết kiệm chi phí.
Trong khuôn khổ chuyến thăm và tham dự Triển lãm IMDS-2019 tại Nga, Đoàn Bộ Quốc phòng Việt Nam đã tới thăm gian hàng của Rosoboronexport và nghe giới thiệu sâu về các đặc tính kỹ thuật của tàu hộ vệ Karakurt-E. Động thái này được phía Nga nhìn nhận là một "tín hiệu tích cực".
Tại Triển lãm quốc phòng quốc tế 2022, ông Alexander Mikheev một lần nữa cho biết, các cán bộ quốc phòng và an ninh Việt Nam dành nhiều sự quan tâm cho gian hàng của Nga, các sáng kiến cũng như sản phẩm quốc phòng và Moscow mang tới.
Theo Minh Nhật (Nguoiduatin.vn)