Vũ khí loại biên của Mỹ đủ sức đánh bại YJ-12B

05/05/2018 09:01:58

Dù đang bị thay thế nhưng hệ thống phòng thủ tầm gần Phalanx dủa Mỹ đủ sức đánh bại tên lửa hành trình chống hạm số 1 của Trung Quốc là YJ-12B.

Theo giới thiệu của Hải quân Trung Quốc, YJ-12B là dòng tên lửa hành trình chống hạm hàng đầu của lực lượng này. YJ-12B là mối đe dọa nguy hiểm nhất cho Hải quân Mỹ tại tây Thái Bình Dương bời dòng tên lửa này có tầm bắn lên tới 400 km.

Với ưu thế này, Trung Quốc có thể phóng tên lửa YJ-12B bên ngoài phạm vi tác chiến của một số vũ khí phòng thủ. Tuy nhiên, chúng không thể vượt qua lưới lửa tầm gần Phalanx CIWS trên chiến hạm Mỹ.

Vũ khí loại biên của Mỹ đủ sức đánh bại YJ-12B
Tên lửa hành trình chống hạm của Trung Quốc.

Theo giới thiệu của Hải quân Mỹ, Phalanx chuyên dùng để bắn hạ những tên lửa do chiến hạm hay máy bay địch bắn, đã xuyên qua được hàng rào phòng thủ bên ngoài của hạm đội, đang bay đến gần chiến hạm.

Khi phát hiện tên lửa địch tới gần, Phalanx sẽ tự động điều khiển hệ thống, theo dõi và nhắm vào mục tiêu. Phalanx có tốc độ bắn kinh hoàng với khoảng 4,000 phát/phút để tạo một hàng rào thép chặn đường bay và tiêu diệt các tên lửa của đối phương truớc khi bắn trúng chiến hạm.

Ngoài việc phòng thủ tên lửa, Phalanx còn có chức năng tấn công vào cả các máy bay tầm thấp. Tuy nhiên, theo Hải quân Mỹ, dù vẫn đủ năng lực đánh bại những tên lửa hành trình như YJ-12B nhưng hệ thống Phalanx CIWS đang dần trở nên lạc hậu trong chiến tranh hiện đại.

Vì vậy, Hải quân Mỹ sẽ thay thế Phalanx bằng hệ thống SeaRAM hiện đại hơn rất nhiều. Hải quân Mỹ cũng đã công khai cho biết, hệ thống phòng thủ tầm gần SeaRAM sẽ được Mỹ ưa tiên lắp đặt cho chiến hạm Aegis nước này đang triển khai tại căn cứ hải quân Rota ở Tây Ban Nha, châu Á - Thái Bình Dương để tăng cường khả năng cận chiến cho hạm đội này.

Theo những thông tin được công bố, SeaRAM được hãng Raytheon phát triển dựa trên hệ thống hệ thống pháo phòng không cao tốc Phalanx CIWS. Các tên lửa được dẫn đường bằng hệ thống radar và quang điện tử vốn được tích hợp sẵn trên SeaRAM tương tự như trên Phalanx CIWS.

SeaRAM cũng có thể được xem là biến thể thu nhỏ của hệ thống tên lửa phòng không RIM-116 được Hải quân Mỹ và các nước đồng minh đưa vào trang bị từ đầu những năm 1990 cho tới nay.

Khác với SeaRAM, người tiền nhiệm của nó là RIM-116 được trang bị tới 21 tên lửa đất đối không và có kích thước lớn hơn khá nhiều, tuy nhiên nó lại không sử dụng hệ thống radar hoặc hệ thống dẫn dẫn đường quang hồng ngoại được tích sẵn như trên SeaRAM.

Các tên lửa đối không của RIM-116 hay SeaRAM có trọng lượng khoảng 73.5kg và được trang bị một đầu đạn phân mảnh nặng 11.3kg với chiều dài gần 2.8m có thể bay với tốc độ gấp 2 lần vận tốc âm thanh. Tầm bắn hiệu quả của RIM-116 lên tới 9km và có thể được dẫn đường bằng nhiều chế độ khác nhau.

Trong tất cả các cuộc thử nghiệm, hệ thống SeaRAM đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ khi chặn đứng mọi đòn tấn công của tên lửa chống hạm đang lao đến.

Theo Tuấn Hưng (Đất Việt)