Hai cuộc thử nghiệm tên lửa đạn đạo DF-17 gắn thiết bị siêu thanh (HGV) của Bắc Kinh được tiến hành ngày 1/11 và 15/11, trong đó cuộc thử nghiệm ngày 1/11 là lần phóng thử HGV có khả năng triển khai chiến đấu đầu tiên trên thế giới.
Nguồn tin từ Quân đội Trung Quốc cho biết, thành công từ vụ phóng đã chứng minh ngay cả Mỹ và Nga dù nỗ lực phát triển công nghệ siêu thanh nhưng vẫn chưa thực hiện được những cuộc thử nghiệm tương tự.
Vũ khí HGV vừa được Trung Quốc thử nghiệm mà Lầu Năm Góc gọi là WU-14, là một phương tiện bay có tốc độ cực cao, có khả năng bay nhanh gấp 8 lần tốc độ âm thanh. Các thử nghiệm trước đó của vũ khí này cho thấy nó có khả năng mang đầu đạn hạt nhân với tốc độ trên Mach 10, tương đương với trên 12.000 km/h.
Vụ thử nghiệm lần gần đây nhất đối với loại vũ khí siêu thanh này đã được quân đội Mỹ xác nhận. Phát ngôn viên Lầu Năm Góc, Trung tá Hải quân đánh bộ Jeff Poof tuyên bố: "Chúng tôi luôn theo dõi các hoạt động quân sự của nước ngoài, trong đó có các vụ thử tên lửa của Trung Quốc". Tuy nhiên, ông không cho biết chi tiết của vụ phóng.
Trước đó, Bắc Kinh cũng đã tiến hành hai vụ thử nghiệm thiết bị bay siêu thanh. Theo tờ Washington The Free Bacon của Mỹ, Trung Quốc đã bí mật tiến hành vụ thử vũ khí HGV tại một bãi phóng tên lửa ở ở tỉnh Sơn Tây. Tuy nhiên, vụ thử này được cho là đã thất bại.
Trong khi đó, vụ thử nghiệm đầu tiên được nước này thực hiện trước đó được coi là thành công. Thông tin này sau đó được một số nguồn tin chính thức, trong đó có Bộ Quốc phòng Trung Quốc thừa nhận là Trung Quốc đang thử nghiệm thiết bị bay siêu thanh, với thiết bị mẹ là các tên lửa đạn đạo liên lục địa.
Loại vũ khí siêu thanh này được phóng lên các quỹ đạo tầm thấp, có khả năng tái nhập tầng khí quyền nhanh, làm giảm khả năng bị phát hiện khi tiếp cận mục tiêu. Việc sản xuất hàng loạt hệ thống phóng như vậy cũng sẽ gia tăng tầm bắn của các tên lửa đạn đạo liên lục địa hiện tại của Trung Quốc lên 1/3 lần.
Ngoài Trung Quốc, Mỹ được cho là cũng đang tham gia vào cuộc chạy đua vũ khí siêu thanh, với 4 chương trình thử nghiệm là HTV-2 Phalcon của Hải quân, AHW cho Lục quân, HIFiRE và X-51 Vawerider cho không quân.
Nga đã công bố chương trình GHV gồm một tên lửa tốc độ cao cho một máy bay ném bom tàng hình mới, các đầu đạn siêu thanh cho các tên lửa đạn đạo và đưa ra kế hoạch sẽ hoàn tất chương trình vào năm 2020. Đồng thời Ấn Độ cũng cho thấy tham vọng khi đưa ra chương trình hợp tác với Nga về các tên lửa hành trình siêu thanh.
Ông James Acton, chuyên gia hạt nhân của trung tâm Carnegie, cho biết trên tờ Business Insider rằng, loại vũ khí này "được phóng ra từ các tên lửa lớn, giống như tên lửa đạn đạo. Tuy nhiên, thay vì bay vòng lên cao hơn bầu khí quyển, chúng lại được đưa vào quỹ đạo để quay trở lại tầng khí quyển nhanh nhất có thể. Sau đó, chúng chỉ cần lướt thẳng tới mục tiêu".
Trong khi đó, Giám đốc Trung tâm phân tích thương mại vũ khí Thế giới có trụ sở tại Moscow - ông Igor Korotchenko cho rằng, việc Trung Quốc thử nghiệm thành công HGV cho thấy nước này có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh quốc gia của Mỹ.
Ông Korotchenko nói: "Quan ngại của Mỹ được tập trung vào thực tế là Trung Quốc đang tích cực thử nghiệm vũ khí dựa vào tốc độ siêu thanh, loại vũ khí mà các hệ thống phòng thủ tên lửa hiện tại của Mỹ gần như không thể đánh chặn".
Chuyên gia Korotchenko nhấn mạnh rằng việc tạo ra những vũ khí HGV này cho thấy Trung Quốc có khả năng tạo nên công nghệ cần thiết để có thể gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia của Mỹ.
"Hiện nay, ngành công nghiệp quốc phòng của Trung Quốc được phát triển theo định hướng lấy Mỹ là kẻ thù chính. Các kế hoạch phát triển của quân và cơ cấu của quân đội Trung Quốc, và khát vọng xây dựng những hạm đội tàu sân bay lớn - tất cả đều đang diễn ra trong bối cảnh của cuộc đối đầu với Mỹ", ông Korotchenko nói.
Theo Tuấn Vũ (Đất Việt)