Hệ lụy từ vụ hai cha con cựu điệp viên người Nga Sergei Skripal bị đầu độc ở Anh không còn giới hạn trong khuôn khổ Anh và Nga mà đã lan rộng và leo thang rủi ro cả châu lục.
Hàng loạt nước ủng hộ Anh
Hội đồng châu Âu (EC) ngày 23-3 ra tuyên bố muốn các đồng minh trong khối NATO hợp tác chặt hơn để bảo vệ các nước thành viên khỏi các đe dọa vũ khí hóa học và sinh học, hãng tin Reuters cho biết.
Một ngày trước đó, chủ tịch EC là ông Donald Tusk cho biết khối này đã thống nhất triệu hồi đại sứ Liên minh châu Âu (EU) tại Nga Markus Ederer để bàn bạc vụ việc. Theo ông Tusk, EC đồng ý với kết luận của Anh rằng khả năng lớn phía Nga cần chịu trách nhiệm vụ đầu độc. Trang tin Sputnik dẫn một nguồn tin cho biết một số nước EU đang cân nhắc triệu hồi các nhà ngoại giao của mình tại Nga về nước bàn bạc và trục xuất các nhà ngoại giao Nga tại nước mình.
Cộng hòa Czech ngày 21-3 đã triệu tập đại sứ Nga yêu cầu giải thích chuyện Moscow nói chất độc Novichok khả năng lớn đến từ các nước từng tích cực nghiên cứu nhóm hóa chất này kể từ cuối thập niên 1990, bao gồm: Anh, Slovakia, Cộng hòa Czech, Thụy Điển và có thể cả Mỹ. Trong ngày 21-3, Bộ Ngoại giao Mỹ cũng có tuyên bố ủng hộ quyết định trục xuất 23 nhà ngoại giao Nga của chính phủ Anh và có thể sẽ có hành động ngoại giao đối với Nga.
Anh hiện đang vận động các nước EU cùng phối hợp tình báo để phá mạng lưới điệp viên Nga khắp EU. Tổng thống Lithuanian Dalia Grybauskaite đã nhanh chóng hưởng ứng, cho biết sẵn sàng trục xuất các điệp viên Nga. Các nước vùng Baltic và Ba Lan khả năng cũng sẽ tiếp bước.
Theo Reuters, các diễn biến trên là một “chiến thắng ngoại giao” quan trọng của Anh những ngày qua đã bỏ công vận động các lãnh đạo EU lên án Nga. Tuần trước, Anh cũng đã thuyết phục được ba nước Pháp, Đức, Mỹ về phe với mình, cùng ra tuyên bố chung lên án những mối liên hệ của Nga trong nghi án đầu độc cựu điệp viên Sergei Skripal và con gái tại Salisbury.
Nga nghi ngờ ngược lại chính phủ Anh
Trong khi Anh tích cực vận động tìm kiếm ủng hộ thì Nga cũng không ngồi yên chịu trận. Trong cuộc họp Hội đồng An ninh Quốc gia Nga ngày 22-3, có sự tham gia của Tổng thống Nga Vladimir Putin, vụ đầu độc và thái độ của Anh vẫn là chủ đề bàn bạc chính.
Thậm chí trong cuộc gặp song phương với Ngoại trưởng Nhật Taro Kono ngày 21-3, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã bất ngờ bày tỏ hy vọng Nhật Bản, thông qua quan hệ với phía Anh, có thể giúp Nga xác định nơi ở hiện tại của cha con cựu điệp viên Skripal để từ đó làm rõ vụ việc. Cũng cần lưu ý rằng ngay từ khi xuất hiện thông tin về vụ đầu độc ngày 4-3, chính phủ Nga đã đề nghị hỗ trợ và phối hợp điều tra với phía Anh. Nhưng cuối cùng không có hợp tác nào diễn ra, thay vào đó là những cáo buộc từ phía Anh về “động cơ và năng lực” thực hiện vụ đầu độc của Nga dù không thấy công bố bằng chứng về phạm tội.
21 người đã phải điều trị y tế trong vụ đầu độc cha con ông Skripal, theo Văn phòng cảnh sát hạt Wiltshire (Anh). Người cuối cùng là cảnh sát viên Nick Bailey đã xuất viện ngày 22-3.
Tại London ngày 22-3, đại sứ Nga tại Anh Vladimir Yakovenko thậm chí cho rằng Anh có thể liên quan đến vụ đầu độc và nghi ngờ việc Anh xác định loại chất độc đã được dùng quá nhanh chóng. Trả lời phỏng vấn đài RT ngày 21-3, người phát ngôn điện Kremlin Dmitry Peskov chỉ trích Anh quá vội vàng khi đổ tội lên chính phủ Nga. Ông nhắc rằng các chuyên gia Tổ chức Cấm vũ khí hóa học (OPCW) phải có ít nhất ba tuần mới có kết quả điều tra.
Ông Skripal được Nga chuyển giao cho Anh trong một vụ trao đổi điệp viên cấp cao. Theo ông Peskov, Nga chẳng việc gì phải nhọc công đi đầu độc một cựu điệp viên đã hết giá trị với nước này. Nhà phân tích chính trị Andranik Migranyan, Viện Quan hệ Quốc tế Nga, cũng đồng tình rằng Moscow không có động cơ gì để ám hại ông Skripal vì ông này chẳng biết gì nhiều hơn những thông tin đã cung cấp cho cơ quan tình báo Anh MI6 trước khi hầu tòa năm 2006.
Các chuyên gia từ Tổ chức Cấm vũ khí hóa học (OPCW) đang có mặt ở thị trấn Salisbury, hạt Wiltshire (Anh) điều tra. Ngày 22-3, Tòa án Bảo vệ ở London, nơi có nghĩa vụ ra quyết định về quyền lợi của các cá nhân không thể tự mình ra quyết định, đã ra phán quyết cho phép các chuyên gia OPCW thu thập mẫu máu của cha con ông Skripal để xét nghiệm. Kết quả sẽ được so sánh với xét nghiệm trước đó của phòng nghiên cứu quân đội Porton Down của Anh, vốn xác định hóa chất dùng trong vụ án là chất độc thần kinh Novichok.
Dẫn thông tin từ một bác sĩ điều trị cho cha con ông Skripal, thẩm phán David Williams cho biết tình hình sức khỏe hai bệnh nhân vẫn nghiêm trọng nhưng các chức năng duy trì sự sống của cơ thể đã ổn định. Cả hai vẫn còn đang hôn mê và không thể giao tiếp. Điểm đáng ngại là hiện chưa thể đánh giá hai người có thể khôi phục được sức khỏe thần kinh như trước hay không.
Theo Đăng Khoa (Pháp Luật TPHCM)