Ngày 21.3, Nhà Trắng cho biết Tổng thống Mỹ Donald Trump sẵn sàng “buộc Moscow chịu trách nhiệm” cho vụ đầu độc cựu điệp viên Nga Sergei Skripal tại Anh.
Thông tin trên được đưa ra trong bối cảnh ông Trump đang phải chịu nhiều áp lực từ dư luận trong nước vì chưa sẵn sàng đối đầu với Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Trong cuộc điện đàm với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, ông Trump cùng người đồng cấp Macron đã tái khẳng định sự đoàn kết với London sau vụ Nga sử dụng vũ khí hóa học trên lãnh thổ Anh. Hai bên cũng đã nhất trí về sự cần thiết phải buộc Nga chịu trách nhiệm cho vụ đầu độc cựu điệp viên Skripal.
Trong khi đó, ngày 21.3, Đại sứ quán Anh tại Nga cho biết Moscow đã không thể đưa ra câu trả lời trong một cuộc họp của Bộ Ngoại giao Nga để trình bày quan điểm liên quan đến vụ đầu độc cựu điệp viên Sergei Skripal. Trên mạng xã hội Twitter, Đại sứ quán Anh viết: “Chúng tôi không nhận được bất cứ câu trả lời nào thích đáng để có thể lý giải tại sao chất độc sản xuất tại Nga được sử dụng trên lãnh thổ Anh. Thay vì đưa ra câu trả lời, Nga tiếp tục truyền bá những lời nói dối và thông tin sai lệch”.
Ngày 21.3, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova trên trang mạng xã hội Facebook cũng lên tiếng chỉ trích những phát biểu của ông Johnson so sánh việc Nga tổ chức Vòng chung kết giải bóng đá thế giới (World Cup) 2018 với Thế vận hội Berlin 1936 dưới thời nhà độc tài Đức quốc xã Adolf Hitler. Bà Zakharova nhấn mạnh: “Việc so sánh như vậy là không thể chấp nhận, không xứng đáng với tư cách đại diện ngoại giao của một quốc gia châu Âu”.
Trong khi đó, theo báo Anh Daily Star, Nga cho biết không loại trừ khả năng chính quyền Anh đã đạo diễn nên vụ tấn công nhằm vào bà Yulia Skripal, con gái cựu điệp viên Nga tị nạn tại Anh Sergei Skripal. Theo báo này, Giám đốc Vụ không phổ biến và kiểm soát vũ khí Bộ Ngoại giao Nga Vladimir Ermakov tuyên bố chính quyền Anh hoặc không có khả năng đảm bảo an ninh cho công dân, hoặc chính họ trực tiếp hoặc gián tiếp đạo diễn nên vụ tấn công bà Yulia Skripal.
Theo ông Ermakov, logic sự việc chỉ ra rằng chỉ có hai giả thuyết trên, mà không có giả thuyết thứ ba. Ông nhấn mạnh rằng, London đã từ chối cho phép Moscow tiếp cận với hồ sơ của cơ quan điều tra về vụ việc Skripal, mà không nêu lý do. Ông Ermakov khẳng định Nga không liên quan đến vụ đầu độc cựu điệp viên Skripal "đơn giản là Nga không thể chấp nhận hành động phiêu lưu như vậy vì về mọi mặt nó đều không có lợi cho Nga”.
Ông Ermakov cũng bác bỏ cáo buộc của Anh nói rằng chất kịch độc "Novichok" được sử dụng trong vụ đầu độc nêu trên. Ông Ermakov nói rằng chất độc này, nếu đúng được sử dụng để đầu độc cha con cựu điệp viên Skripal, có lẽ đã lập tức gây chết người hàng loạt tại hiện trường.
Vụ việc cựu điệp viên Skripal đã khiến căng thẳng ngoại giao Nga- Anh đang đến đỉnh điểm. Hôm qua, 23 nhà ngoại giao Nga bị Anh trục xuất đã trở về nước. Anh cũng tuyên bố đình chỉ hoạt động tiếp xúc cấp cao với Nga. Đổi lại Nga cũng Nga cũng trục xuất số nhà ngoại giao tương tự, yêu cầu đóng cửa Văn phòng Hội đồng Anh tại Nga cũng như Tổng lãnh sự quán Anh tại St. Petersburg. Nga cho biết, sau Anh là những hành động đáp trả đối với Mỹ.
Giới quan sát đặt câu hỏi, sự kiện Anh ngưng mọi tiếp xúc song phương với Nga, trục xuất 23 nhà ngoại giao, con số lớn nhất kể từ thời chiến tranh lạnh, thông báo đầu tư 48 triệu bảng Anh để phòng ngừa chiến tranh vi trùng, cộng với hậu thuẫn của các nước đồng minh phải chăng là màn đầu của chiến tranh lạnh?
Theo Duy Anh (Dân Việt)