Khoảng gần 13:00 chiều thứ năm, ngày 15/06/1972, khi hành khách trên chuyến bay mang số hiệu CX700Z của hãng Cathay Pacific đang chuẩn bị dùng bữa trưa ở độ cao gần 9000m, chiếc máy bay bất ngờ gặp sự cố.
Trên chiếc máy bay Convair 880 được 11 năm tuổi đó có 71 hành khách và 10 thành viên phi hành đoàn. Khi lao xuống đất, máy bay vỡ ra làm 3 phần - khoang lái, thân máy bay với phần cánh và phần đuôi máy bay. Những hành khách đang đứng, xếp hàng chờ toilet và tiếp viên hàng không bị văng ra khỏi chiếc máy bay đang vỡ làm nhiều mảnh.
Chỉ sau hơn 2 phút gặp sự cố, máy bay đâm thẳng xuống mặt đất.
Xác máy bay vỡ ra làm nhiều mảnh, rơi xuống một sườn đồi hẻo lánh cách thành phố Pleiku, Việt Nam khoảng 40km. Động cơ máy bay phát nổ trong khi phần lớn hành khách vẫn mắc kẹt trên ghế. Buồng lái máy bay xuống cách phần thân và đuôi máy bay không xa. Người ta nói thi thể bên trong buồng lái không thể nhận ra được vì tai nạn thảm khốc.
Chiếc máy bay mang số hiệu CX700Z cất cánh từ sân bay quốc tế Don Muang, Bangkok vào lúc 11:55. Nó khởi hành từ Singapore vào sáng sớm, quá cảnh tại Thailand và đang trên đường đi tới Hong Kong. Máy bay dự kiến sẽ bay ngang qua khu vực Tây Nguyên của Việt Nam trước khi tiến về biển Đông.
Một giờ, 4 phút và 2 giây sau khi khởi hành từ Bangkok, chiếc máy bay biến mất khỏi sóng radio của trạm điều khiển không lưu Sài Gòn.
Khi tin tức về vụ tai nạn thảm khốc diễn ra, trụ sở của hãng Cathay Pacific tại Hong Kong phát điện khẩn về trụ sở của tập đoàn Swire Group tại London. Những người quản lý cho rằng CZ700Z có thể đã va chạm với một máy bay quân sự Mỹ. Tuy nhiên, không có bằng chứng khẳng định về một cuộc va chạm trên không. Không có chiếc máy bay khác nào mất tích. Truyền thông bắt đầu đặt giả thuyết về việc CX700Z đã bị sét đánh.
Giả định ban đầu cho rằng có thể có vài người sống sót sau vụ va chạm đã bị bác bỏ. Tin báo từ hiện trường về cho biết: “Không còn ai sống sót”.
Bằng chứng xác đáng của một vụ nổ
Thi thể của tiếp viên trưởng thứ hai Dicky Kong được tìm thấy trong tư thế nằm sõng soài, cách mũi máy bay chỉ vài mét. Xung quanh đó là rất nhiều thi thể khác nằm la liệt, phần lớn chỉ được nhận dạng thông qua trang phục.
Cơ trưởng của chuyến bay là phi công người Úc Neil Morison, một người bạn của Adrian Swire - thành viên của gia đình Swire sở hữu hãng hàng không Cathay Pacific. Trên chuyến bay có 6 thành viên cơ đoàn: 2 tiếp viên trường, William Yuen và Dicky Kong, 4 tiếp viên hàng không Winnie Chan, Ellen Cheng, Tammy Li và Florence Ng.
Thi thể của Morison sau đó đã được di dời ra khỏi buồng lái. Thi thể của Boyer và Hickey - Sĩ quan trưởng và kỹ sư máy bay, được nhận dạng tại một nhà xác Sài Gòn. Phần lớn hành khách trên chuyến bay là người Nhật Bản, Thái Lan và người Mỹ, trong đó có một vài gia đình.
Các chuyên viên điều tra của Cathay Pacific bắt đầu khảo sát hiện trường để thu thập bằng chứng. Ngoài nhân viên Cathay Pacific, hai chuyên viên hàng không người Anh, Vernon Clancy và Eric Newton, cũng đã đến hiện trường để hỗ trợ điều tra. Những giây phút cuối cùng của chuyến bay đã được mô phỏng lại.
Sau khi xem xét rất kỹ khoang giữa máy bay, họ tìm ra bằng chứng xác đáng rằng, một vụ nổ lớn đã tạo miệng hố trên thân máy bay đằng sau ghế 10F trải dài tới cánh. Ít nhất một hành khách và khoảng 1-2 ghế đã bị hút ra khỏi hố, va đập vào đuôi máy bay và làm hư hại bộ phận giúp ổn định ở thân phải. Vụ nổ lớn cũng khiến khoang nhiên liệu bị cháy, lan ra tới toàn khoang giữa máy bay. Hỏng bộ phận ổn định, phi công không thể kiểm soát máy bay. Vụ nổ lớn cũng khiến động cơ và nhiều phần bên dưới máy bay hư hỏng nặng. Các kỹ sư và phi công không thể làm gì khác để ngăn chặn thảm họa tàn khốc xảy ra.
Việc tiếp viên hàng không vẫn mặc quần áo phục vụ và các hành khách đứng trên lối đi chứng tỏ không ai được cảnh báo trước về sự cố. Không có bằng chứng gì về sự hoảng loạn. Trong một báo cáo gửi đến giám đốc hàng không dân dụng tại Sài Gòn, điều tra viên người Anh Vernon viết:
“Có bằng chứng rõ ràng về việc một vụ nổ lớn đã diễn ra trong khoang máy bay, gần vị trí đuôi cánh”.
Cathay Pacific CX700Z không gặp tai nạn do va chạm trên không hay bị sét đánh. Nó đã nổ tung trên bầu trời bởi một quả bom được gài bên trong máy bay.
Nghi phạm quan trọng
Các điều tra viên cho rằng, quả bom phải được cài đâu đó trước ghế 10E hoặc ghế 10F, dựa vào vị trí phát nổ. Hành khách ngồi ở khu vực này gồm 2 người Thái Lan - một bé gái 7 tuổi tên Sonthaya Chaiyasut và một phụ nữ 20 tuổi tên Somwang Prompin. Hai người này lên máy bay từ thủ đô Bangkok.
Sonthaya là con gái của Somchai Chaiyasut, một sĩ quan làm việc trong cơ quan an ninh hàng không Thái Lan với người vợ cũ Alice Villiagus. Somwang là người bạn gái mới nhất của Somchai Chaiyasut.
Nguồn tin cho biết vào ngày xảy ra vụ tai nạn, Somchai khi đó đang ở Don Muang có những biểu hiện không bình thường. Anh hộ tống bạn gái và con gái đến quầy check-in tại sân bay, mặc quân phục và yêu cầu nhân viên sắp xếp cho họ ngồi ghế 10E và 10F bên cánh phải. Khi biết hai ghế này đã có người ngồi, Somchai khăng khăng yêu cầu nhân viên đổi ghế này cho con gái và bạn gái.
Cuối cùng, anh ta cũng đổi được hai ghế trên cho bạn gái và con gái. Somchai nói rằng, họ muốn ngồi ở ghế 10E và 10F để có thể nhìn ra ngoài cửa sổ rõ hơn, mặc dù ghế 15E và 15F (hai ghế đáng nhẽ ra họ sẽ ngồi) có tầm nhìn tốt hơn vì không bị che bởi cánh máy bay.
Sonthaya và Somwang không có hành lý ký gửi. Somwang chỉ mang một hành lý xách tay - dạng một chiếc vali nhỏ đựng đồ cá nhân, và đặt dưới ghế.
Sau vụ tai nạn, hãng hàng không chở người nhà của các nạn nhân tới Sài Gòn để xác nhận thi thể. Somchai cũng được đưa tới. Các điều tra viên của hãng Cathay Pacific rất bất ngờ vì thái độ của Somchai khi tới Sài Gòn. Anh ta không quan tâm tới việc tìm thấy thi thể, chỉ một mực hỏi về hộp đựng đồ cá nhân của Somwang. Thay vì đau khổ trước cái chết của bạn gái và con gái, anh ta cứ hỏi đi hỏi lại một câu - mọi người có biết nguyên nhân của vụ tai nạn không? Somchai không giống với những thân nhân khác của vụ tai nạn máy bay kinh hoàng.
Người ta không thể tìm thấy thi thể của bé gái 7 tuổi Sonthaya. Kết luận được đưa ra rằng Sonthaya đã ngồi cạnh cửa sổ và bị hút ra khỏi máy bay sau vụ nổ. Thi thể của Somwang sau đó được tìm thấy không còn nguyên vẹn. Điều tra viên cho biết có thể qua bom được giấu trong hộp đựng đồ cá nhân - hành lý xách tay Somwang để dưới ghế. Quả bom dường như đã nổ khi Somwang cúi xuống và mở hành lý.
Các nhân viên Cathay Pacific sau đó phát hiện ra thêm những tình tiết đáng nghi ngờ khác. Somchai đã mua bảo hiểm du lịch cho Somwang và Sonthaya trước chuyến đi. Sau cái chết của hai người, anh ta sẽ được nhận khoảng 3,1 triệu baht - tương đương 225 nghìn USD thời điểm bây giờ.
“Chúng tôi muốn cung cấp thông tin về đối tượng tình nghi chính là một sĩ quan người Thái. Anh ta đang ở Sài Gòn cùng các thân nhân khác để xác định thi thể”, chủ tịch hãng hàng không Cathay Pacific Duncan Bluck gửi thư tới tập đoàn Swire tại London. “Anh ta đã mua bảo hiểm cho vợ và con gái với số tiền lớn. Vợ và con gái nghi phạm không có hành lý ký gửi mà chỉ có một túi xách tay đặt ở dưới ghế được anh ta lựa chọn”.
Một trong những vụ thảm sát tồi tệ nhất lịch sử
Cathay Pacific sau đó đã yêu cầu điều tra kỹ hơn vụ việc. Tại Siam Square, Geoffrey Binstead - giám đốc an ninh của Cathay Pacific người trực tiếp tham gia điều tra, đã trò chuyện với hai người bạn của Somwang: Tommy và Dang. Tommy và Dang nói rằng Somchai thường xuyên ghé thăm quán cafe 24-Hour nơi Somwang làm việc. Cô đã dọn tới ở với Somchai 6 tuần trước khi vụ tai nạn máy bay diễn ra.
Somchai đã nhanh chóng cầu hôn Somwang và yêu cầu cô bay tới Hong Kong cùng con gái Sonthaya. Anh ta nói rằng mẹ mình sẽ đón hai người và đưa cho họ 500 USD để đi mua sắm. Somchai hứa sẽ bay qua Hong Kong sau đó vài ngày.
Binstead cũng nhận ra rằng đó không phải lần đầu tiên Somchai thuyết phục một người phụ nữ Thái Lan đưa con gái mình sang nước ngoài. Somchai từng hứa sẽ cho một cô gái 30,000 baht nếu cô đưa Sonthaya đi shopping tại Hong Kong. Ban đầu cô gái kia đồng ý nhưng sau đó vì nghi ngờ nên đã yêu cầu Somchai đưa trước 5,000 để thử lòng anh ta. Sau khi Somchai từ chối đưa tiền, cô gái trẻ cũng dừng lại kế hoạch - một quyết định sáng suốt cứu đời cô.
Ngày 31/08/1972, Somchai Chaiyasut bị bắt. Nghi phạm khăng khăng mình vô tội và nói rằng mình không bao giờ có ý định giết con gái. Phiên tòa xử Somchai diễn ra vào ngày 11/05/1973. Trong lần trình diện đầu tiên trước hội đồng thẩm phán, Somchai vẫn một mực cho rằng mình vô tội.
“Nghi phạm ăn vận gọn gàng, trông có vẻ căng thẳng và mệt mỏi. Nếu bị cáo buộc, Somchai sẽ trở thành một trong những tội đồ gây ra thảm sát lớn nhất trong lịch sử”, tờ Bangkok Post đưa tin. “Tuy nhiên, anh ta trở nên bình tĩnh hơn sau cú vỗ vai của luật sư biện hộ”. Luật sư biện hộ của Somchai chính là cha đẻ của anh, ông Sont - một luật sư có tiếng tại Bangkok.
“Một viên đạn không bao giờ là đủ”
Thái Lan vào thời điểm bấy giờ được cai trị bởi chế độ độc tài quân sự. Colonel Narong, con trai của Thanom Kittikachorn - nhà độc tài quân sự nổi tiếng Thái Lan vào thời điểm đó từng lên tiếng:
“Chúng tôi đã thu thập đủ bằng chứng để buộc tội Somchai. Một viên đạn không thể đủ cho tội ác ấy, phải là 81 viên đạn”.
Tuy nhiên, vụ việc trở nên phức tạp hơn khi trở thành tâm điểm quốc tế. Chính quyền e sợ rằng hình ảnh Thái Lan sẽ trở nên xấu đi nếu một cảnh sát người Thái dính líu tới một vụ án nghiêm trọng như vậy. Sự thật rằng quả bom đã được tuồn lên máy bay tại Don Muang cũng là một sự sỉ nhục cho những kẻ độc tài, vốn từ lâu luôn tự hào về việc kiểm soát an ninh sân bay chặt chẽ và nghiêm ngặt. Nguyên soái Prapas và các quan chức khác lên tiếng nói rằng không có quả bom nào trên máy bay cả. Hãng hàng không chỉ đang cố gắng hạ bệ danh tiếng của sân bay Don Muang.
Prapas khăng khăng bảo vệ Somchai với lý lẽ không đời nào một người Thái lại đi sát hại con mình. Cathay Pacific chỉ đang cố gắng làm mất uy tín của sân bay Don Muang. Khi được hỏi về những cáo buộc kỳ quặc, một quan chức chính phủ Thái Lan phát biểu: “Nguyên soái Prapas và các quan chức khác đã nói rằng không có quả bom nào trên máy bay. Đó chỉ là sự tuyên truyền của hãng hàng không để cố gắng hủy hoại danh tiếng của Don Muang”.
Tuy nhiên, những bằng chứng đưa ra trong phiên tòa lại chứng tỏ Somchai có tội.
Bốn vali hành lý tương tự chiếc mà bạn gái của Somchai mang lên máy bay đã được tìm thấy tại nhà anh ta. Somchai đã khoan lỗ trên hai trong số đó và giải thích rằng, mình có ý định lắp tay cầm để kéo.
Một sĩ quan Thái khai trước tòa rằng mình đã đưa cho Somchai gần 1kg chất nổ dẻo C4 trong một khóa huấn luyện cả hai tham gia.
Một sĩ quan khác nói rằng Somchai đã từng hỏi mình xem đặt bom ở đâu trên máy bay thì hiệu quả nhất và được khuyên rằng nên đặt gần cánh máy bay. Một kỹ sư hàng không cũng kể việc Somchai từng hỏi mình về ảnh hưởng của một vụ nổ trên máy bay. Tổng cộng có 67 nhân chứng đã tham gia trong phiên xét xử và chỉ có 4 người đứng ra biện hộ bảo vệ cho Somchai.
Ngày 30/04/1074, Thẩm phán trưởng Chitti Vuthipranee ra tuyên án. Bản tuyên án nói rằng không có bằng chứng về việc Somchai đã sắp đặt việc mang bom lên máy bay. Không có nhân chứng nào nhìn thấy Somchai đặt bom trong vali của bạn gái và Somwang cũng không nhận thấy điều gì bất thường trong vali.
Hơn nữa, gia đình Somchai không nghèo nên việc sát hại con gái vì động cơ tài chính dường như không hợp lý.
Tòa tuyên án: Vô tội.
Công tố viên yêu cầu phúc thẩm và một phiên tòa khác được mở. Tuy nhiên, phiên tòa vào năm 1976 vẫn cho ra một kết quả tương tự - vô tội.
Somchai Chaiyasut trở lại với công việc tại cơ quan cảnh sát hoàng gia Thái Lan. Anh ta sau đó đã nhận được 5,5 triệu baht. Đến năm 1983, Somchai di cư tới Mỹ.
Người thân của các nạn nhân giận dữ với phán quyết của tòa án, chỉ trích nền tư pháp Thái Lan.
Năm 1985, Somchai trở về Bangkok sau khi bị chẩn đoán mắc ung thư gan. Hắn ta qua đời ít lâu sau đó, thọ 43 tuổi, khép lại một vụ án nổi tiếng trong lịch sử ngành hàng không thế giới.
Theo Minh Đức (Trí Thức Trẻ)