Công chúa Anne, người con gái duy nhất của Nữ hoàng Anh, được biết đến là một trong những thành viên làm việc chăm chỉ nhất của hoàng gia. Bà cũng là người rất thích làm từ thiện và là người bảo trợ cho hơn 200 tổ chức. Công chúa nước Anh đã nhận được sự yêu quý và kính trọng của rất nhiều người.
Đặc biệt, bà từng trở thành "nữ anh hùng" kiên cường trong lòng biết bao người hâm mộ sau một vụ bắt cóc gây chấn động dư luận và Công chúa Anne lại chính là nạn nhân được nhắm đến. Chỉ 4 tuần sau khi cưới, con gái Nữ hoàng Anh đã trở thành đích ngắm của kẻ bắt cóc nhưng chẳng ai ngờ rằng bà đã có cách ứng phó đầy ngoạn mục và kịch tính không khác gì trong phim hành động.
Cuộc đối đầu bất ngờ
Sự việc xảy ra vào khoảng 20h ngày 20/3/1974, khi ấy vợ chồng Công chúa Anne đang trên đường trở về Cung điện Buckingham sau khi tham dự một sự kiện từ thiện ở phố Pall Mall. Trên đường đi, xe hơi chở vợ chồng Công chúa nước Anh bị một chiếc xe Ford Escort màu trắng lao ra chặn đường. Người đàn ông tên Ian Ball hùng hổ bước ra khỏi chiếc xe Ford và cầm một khẩu súng trên tay.
Thanh tra James Beaton, viên sĩ quan cảnh sát đi theo bảo vệ công chúa lập tức bước ra khỏi xe và ngăn gã kia lại nhưng bị hắn bắn trọng thương. Trong tình huống đó, Alex Callender, tài xế của Công chúa Anne, cố gắng tước vũ khí của kẻ tấn công nhưng bất thành. Một nhà báo có mặt tại hiện trường tên Brian McConnell cũng xông vào can thiệp và bị bắn trọng thương.
Tên Ian Ball sau đó di chuyển nhanh chóng đến xe của công chúa, túm lấy tay con gái duy nhất của Nữ hoàng Anh tính lôi bà ra khỏi xe trong khi chồng công chúa là Mark Phillips cố níu vợ mình lại. Gã ta nói với công chúa về kế hoạch bắt cóc và yêu cầu tiền chuộc khoảng 2 - 3 triệu bảng Anh (hơn 62 - 93 tỷ đồng theo tỷ giá hiện tại).
Công chúa Anne bình tĩnh mạnh mẽ đáp lại kẻ tấn công mình bằng câu nói vẻn vẹn 3 từ: "Đừng có mơ!". Câu nói này của công chúa khiến tên Ian Ball run sợ và có phần choáng váng. Hắn ta không thể ngờ lại nhận được câu trả lời cứng rắn đến như vậy. Sau đó, con gái Nữ hoàng Anh nhanh chóng đánh lại gã và tìm cách chạy khỏi xe.
Đảo ngược thế cờ
Giữa tình hình đang "ngàn cân treo sợi tóc", có một vị "anh hùng" đã xuất hiện. Tình cờ đi ngang qua đường, chứng kiến cảnh tượng nguy hiểm, cựu võ sĩ boxing tên Ron Russell đã bất ngờ lao tới đánh vào đầu gã tội phạm từ sau lưng. Với sức mạnh lực lưỡng hơn người của mình, Ron Russell đã dễ dàng khống chế được tên bắt cóc mà không cần tốn quá nhiều sức lực lẫn thời gian.
Tay bắt cóc bị choáng váng và Công chúa Anne cùng chồng nhờ đó mà nhanh chóng chạy thoát khỏi hiện trường một cách an toàn. Một viên cảnh sát tên Michael Hills đến hiện trường giải cứu và cũng bị gã Ian Ball bắn trọng thương, nhưng trước đó anh đã gọi đồng nghiệp đến hỗ trợ. Thanh tra Peter Edmonds có mặt gần đó nghe thấy cuộc gọi đã chạy đến hiện trường và cuối cùng bắt được tên bắt cóc.
Những người bị thương nhanh chóng được đưa đến bệnh viện để điều trị và nhanh chóng hồi phục. Thanh tra James Beaton được Nữ hoàng trao tặng huân chương George Cross, huân chương cao quý nhất dành cho thường dân và sĩ quan có tấm lòng dũng cảm. Cảnh sát Michael Hills và cựu võ sĩ boxing Ron Russell được trao tặng huân chương George.
Tài xế Alex Callender, nhà báo Brian McConnell và thanh tra Peter Edmonds được trao tặng huân chương Queen's Gallantry (giải thưởng được trao cho những hành động dũng cảm mẫu mực). Công chúa Anne cũng đã đến bệnh viện thăm và cảm ơn những người bị thương vì cứu mình, đặc biệt là thanh tra James Beaton.
Nỗi ám ảnh
Về phía tên Ian Ball, hắn phạm tội có ý đồ giết người và bắt cóc, được thẩm định là mắc triệu chứng tâm thần, bị kết án tù chung thân, sống trong bệnh viện tâm thần suốt quãng đời còn lại. Đây là vụ tấn công hi hữu với mưu đồ bắt cóc thành viên hoàng gia xảy ra vào thời hiện đại.
Ian Ball cho biết hắn đã nghĩ về vụ bắt cóc này trong nhiều năm và Công chúa Anne là đối tượng hắn nghĩ là có thể dễ dàng khống chế được. Thật không may cho hắn ta vì đã có sự đánh giá hoàn toàn sai lầm. Công chúa Anne thừa hưởng tư duy nhanh nhạy, tinh thần thép và sự sắc sảo của cha mình, Hoàng tế Philip.
Được biết, để chuẩn bị cho vụ bắt cóc diễn ra suôn sẻ, tên Ball đã thuê một chiếc xe hơi từ tên John Williams, cảnh sát sau đó đã tìm thấy hai chiếc còng tay, thuốc an thần và một lá thư đòi tiền chuộc gửi cho Nữ hoàng Anh. Trong lá thư hắn chỉ trích gia đình hoàng gia và yêu cầu một khoản tiền chuộc trị giá 2 triệu bảng Anh. Ball yêu cầu Nữ hoàng Anh để số tiền chuộc trong 20 chiếc vali và đưa lên máy bay đến Thụy Sĩ. Hơn nữa, tên này còn yêu cầu Nữ hoàng Anh cần xuất hiện trên máy bay để tăng tính đảm bảo.
Năm 2014, trong một cuộc phỏng vấn, tên tội phạm này gửi lời xin lỗi đến Công chúa Anne vì đã làm cô sợ và nói "nhờ có tôi mà hoàng gia mới được cảnh tỉnh, tăng cường an ninh hơn". Dù thể hiện thái độ rất tự tin và mạnh mẽ trước mặt kẻ bắt cóc liều lĩnh nhưng Công chúa Anne và chồng vẫn không thể nào tránh được nỗi ám ảnh sau vụ tấn công đột ngột.
Bà Anne đã được mẹ trao tước hiệu Công chúa hoàng gia cao quý ngay từ khi còn trẻ và cũng là một thành viên thực hiện các nghĩa vụ hoàng gia khá tích cực. Tuy nhiên, khi sinh con trai đầu lòng vào năm 1977, công chúa đã có một quyết định chưa từng có tiền lệ là xin từ chối mọi danh hiệu hoàng gia cho các con của mình.
Do đó, hai cháu ngoại của Nữ hoàng Anh là Peter Phillips và Zara Phillips trên danh nghĩa đều là thường dân dù vẫn có tên trong danh sách thừa kế ngai vàng Anh. Quyết định khác biệt của công chúa về sau được phụ tá thân cận là ông Robert Hardman giải thích trên truyền thông.
Theo đó, yêu cầu của Công chúa Anne bắt nguồn từ chính nỗi ám ảnh và sợ sệt do vụ bắt cóc kinh hoàng gây ra. Bà Anne mong muốn các con của mình không phải chịu sự ảnh hưởng quá nhiều từ thân phận đặc biệt, có thể sống kín tiếng và bình thường, ít bị để ý nhất có thể. Như vậy, các con của bà sẽ ít gặp nguy hiểm và được đảm bảo an toàn hơn.
Theo Diệp Lục (Pháp Luật & Bạn Đọc)