Nhà chức trách Mỹ hiện vẫn chưa xác định được tại sao nghi phạm Thomas Matthew Crooks, 20 tuổi, lại nhắm bắn ông Trump tại buổi mít tinh vận động tranh cử ở thành phố Butler, bang Pennsylvania, chiều tối 13/7 (giờ địa phương) hay quan điểm chính trị của anh ta là gì.
Theo Cơ quan Mật vụ Mỹ, ông Trump vẫn an toàn dù bị thương nhẹ ở tai phải, nhưng ít nhất một người dự sự kiện đã thiệt mạng và 2 nạn nhân khác bị thương nặng trong sự vụ. Nghi phạm cũng bị lực lượng an ninh bắn tử vong tại hiện trường.
Giới quan sát nhận định, vụ ám sát hụt cựu lãnh đạo Nhà Trắng và cũng là ứng viên tổng thống của đảng Cộng hòa vào thời điểm này chắc chắn sẽ làm trầm trọng thêm một năm bầu cử vốn đã căng thẳng, trong đó các quan chức đắc cử phải đối mặt với nỗi lo bạo lực và các mối đe dọa ngày càng tăng.
Theo báo Guardian, một cuộc khảo sát do Đại học Chicago thực hiện vào cuối tháng 6 cho thấy hiện có nhiều người ủng hộ bạo lực chống ông Trump (10% người Mỹ trưởng thành, tương đương 26 triệu người) hơn so với số người ủng hộ bạo lực hậu thuẫn ông (6,9%, tương đương 18 triệu người). Trước đó, các cuộc thăm dò dư luận tính đến tháng 1 năm nay lại phản ánh chiều hướng ngược lại.
Các nhà khảo sát lưu ý, trong số 26 triệu người Mỹ trưởng thành ủng hộ bạo lực nhằm ngăn ông Trump tái đắc cử tổng thống, hơn 30% sở hữu súng và gần 80% có quyền truy cập vào các công cụ tổ chức trên Internet.
Tại một cuộc phỏng vấn trước sự cố ngày 13/7, Bob Pape, giáo sư tại Đại học Chicago đứng đầu Dự án Chicago về An ninh và các mối đe dọa, từng cảnh báo thực tế trên khiến nước Mỹ “cần chuẩn bị cho tình trạng bạo lực đến từ phe cánh tả nhằm chống lại sự lãnh đạo của ông Trump”.
Nhiều nhà phân tích chỉ ra rằng, tình trạng leo thang ủng hộ bạo lực chính trị ở Mỹ xảy ra vào giai đoạn chia rẽ đảng phái nghiêm trọng, các thông tin sai lệch tràn lan trên mạng xã hội và tồn tại cả những lời lẽ bạo lực từ cựu tổng thống cũng như các đồng minh của ông. Sự kết hợp của những yếu tố đó từng dẫn đến vụ bạo loạn chết người trên Đồi Capitol, khi đám đông người biểu tình quá khích ủng hộ ông Trump đã đột kích trụ sở Quốc hội Mỹ ngày 6/1/2021 nhằm ngăn các nhà lập pháp chứng thực việc chính khách Dân chủ Joe Biden thắng cử tổng thống năm 2020.
Theo cuộc khảo sát mới, nguyên nhân sâu xa của việc ủng hộ bạo lực ở cả hai phe đối lập đều bắt nguồn từ sự hoài nghi cơ chế và niềm tin vào các thuyết âm mưu. Ở cả hai phía, những người ủng hộ bạo lực chủ yếu là dân thành thị.
Cuộc khảo sát cũng phát hiện, 58,6% người Mỹ trưởng thành nhất trí rằng, ngày nay, các cuộc bầu cử sẽ không giải quyết được những vấn đề chính trị - xã hội cơ bản nhất của đất nước.
“Vụ bắn ông Trump là hậu quả của sự ủng hộ to lớn đối với bạo lực chính trị ở xứ sở cờ hoa. Chúng ta cũng cần lo lắng về nguy cơ trả thù nhằm vào Tổng thống Biden. Điều quan trọng là các nhà lãnh đạo chính trị của cả hai đảng và các cấp chính quyền, kể cả tổng thống, Thượng viện, Hạ viện, các thống đốc và thị trưởng phải ngay lập tức lên án bạo lực chính trị từ bất kỳ khía cạnh khởi phát nào”, giáo sư Pape bình luận.
Phản ứng lập tức từ các chính trị gia phần lớn là nhất quán. Trong một tuyên bố ngay sau vụ ám sát hụt ông Trump, Tổng thống Biden tuyên bố: “Không có chỗ cho loại bạo lực này ở Mỹ. Đất nước chúng ta phải đoàn kết để lên án nó”.
Cựu Tổng thống Dân chủ Barack Obama cũng có phát biểu tương tự. “Mặc dù chúng ta chưa biết chính xác chuyện gì đã xảy ra, nhưng tất cả chúng ta nên cảm thấy nhẹ nhõm vì cựu Tổng thống Trump không bị tổn thương nghiêm trọng. Hãy tận dụng thời điểm này để tái cam kết giữ thái độ lịch sự và tôn trọng trong hoạt động chính trị của chúng ta”, ông Obama nói.
Giới phân tích chỉ ra rằng, trong những năm gần đây, bạo lực chính trị ở Mỹ diễn ra dưới nhiều hình thức, bao gồm cả đe dọa bạo lực, quấy rối các quan chức phụ trách bầu cử cũng như nỗ lực hành hung những quan chức đắc cử.
Tháng 10/2020, một tháng trước cuộc tổng tuyển cử cùng năm, Thống đốc bang Michigan Gretchen Whitmer là mục tiêu của một âm mưu bắt cóc. Một tuần sau cuộc bầu cử, một giám đốc quản lý hệ thống bỏ phiếu Dominion đã buộc phải đi trốn vì những người tin có gian lận bầu cử đã chia sẻ địa chỉ nhà của ông và treo thưởng hàng triệu USD cho việc tấn công trả đũa ông.
Việc kích động bạo lực trên Internet thậm chí còn dễ dàng hơn bao giờ hết đối với những người có niềm tin chính trị cực đoan. Theo Hiệp hội quốc gia về nghiên cứu và ứng phó với chủ nghĩa khủng bố, hầu hết các vụ bạo lực chính trị ở Mỹ do những người không thuộc bất kỳ tổ chức chính thức nào gây ra.
Vụ nổ súng tại sự kiện vận động tranh cử của ông Trump xảy ra 2 ngày trước khi khai mạc đại hội toàn quốc của đảng Cộng hòa (RNC), nơi cựu tổng thống dự kiến sẽ chính thức được công bố là ứng cử viên đại diện đảng “đấu chung kết” vào Nhà Trắng với Tổng thống Biden vào tháng 11 tới đây. RNC đã nâng cao cảnh giác về an ninh sau đánh giá của Cục điều tra Liên bang Mỹ (FBI), Cơ quan Mật vụ, sở cảnh sát Milwaukee và Trung tâm Phân tích mối đe dọa Đông Nam Wisconsin.
Đài CBS trích dẫn một nguồn tin hành pháp tiết lộ, các báo cáo đánh giá cho thấy lo ngại về nguy cơ RNC có thể trở thành mục tiêu của các tổ chức khủng bố nước ngoài, các nhóm hoặc phần tử cực đoan bạo lực trong nước, những kẻ xả súng hoặc tấn công đơn độc.
Trong bài phát biểu trước quốc gia từ Nhà Trắng tối 14/7, Tổng thống Biden đã lên án âm mưu ám sát ông Trump, đồng thời kêu gọi mọi người sát cánh bên nhau và “hạ nhiệt” chính trường.
“Chính trường không bao giờ được phép trở thành chiến trường theo nghĩa đen hay nơi giết chóc… Chúng ta tranh luận và không đồng tình, chúng ta so sánh và đối chiếu tính cách của các ứng cử viên, các thành tựu, vấn đề, chương trình nghị sự, tầm nhìn cho nước Mỹ. Nhưng ở Mỹ, chúng ta giải quyết những khác biệt tại thùng bỏ phiếu, chứ không phải bằng súng đạn. Quyền thay đổi nước Mỹ phải luôn nằm trong tay người dân, chứ không phải trong tay một kẻ có khả năng trở thành sát thủ”, ông Biden nhấn mạnh.
Theo Tuấn Anh (VietNamNet)