Tuần trước, Đệ nhất phu nhân Zimbabwe Grace Mugabe, gần như chắc chắn là người kế nhiệm chồng mình. Tuy nhiên, ngày 15/11, Tổng thống Robert Mugabe, 93 tuổi, bị quản thúc tại gia ở thủ đô Harare.
Xe tăng di chuyển trên đường phố Harare sau khi quân đội kiểm soát truyền hình nhà nước. Quân đội nói rằng đây không phải là một cuộc đảo chính và ông Mugabe vẫn an toàn.
Theo LA Times, nguồn cơn dẫn đến khủng hoảng chính trị này xuất phát từ Grace Mugabe. Bà và cựu phó tổng thống Emmerson Mnangagwa là những đối thủ để trở thành người kế nhiệm của ông Mugabe. Cuộc tranh đấu giữa họ đã làm chia rẽ đảng cầm quyền Liên minh Quốc gia châu Phi Zimbabwe - Mặt trận Yêu nước (ZANU-PF).
Tuần trước, Tổng thống Zimbabwe đã sa thải ông Mnangagwa, người từng là bộ trưởng quốc phòng, sau khi bà Grace cáo buộc những người ủng hộ của Mnangagwa lên kế hoạch đảo chính.
Việc sa thải này được coi là động thái dọn đường cho đệ nhất phu nhân 52 tuổi lên bậc cao nhất. Tuy nhiên, viễn cảnh này khó xảy ra khi quân đội giờ đã can thiệp và chiếm quyền kiểm soát đất nước, theo Telegraph. Hiện không rõ tung tích của bà Grace, có nguồn tin cho rằng bà đang ở Namibia.
"Gucci Grace"
Grace Marufu sinh ra ở Benoni, một thị trấn ở miền bắc Nam Phi năm 1965 và đến Zimbabwe sống khi 5 tuổi. Khi ngoài 20 tuổi, bà kết hôn với phi công không quân Stanley Goreraza và có con trai Russell.
Bà Grace sau đó làm thư ký tại Tòa nhà Nhà nước Zimbabwe, nơi ở chính thức của Tổng thống Mugabe ở Harare. Ông Mugabe, hơn bà Grace 41 tuổi, đã tán tỉnh bà trong giờ nghỉ giữa các cuộc họp.
Hai người vào thời điểm đó đều đã kết hôn nhưng vợ của Tổng thống Mugabe là Sally ốm liệt giường và được cho là đã chúc phúc cho ông Mugabe và người tình trước khi qua đời năm 1992.
Năm 1996, bà Grace ly dị chồng và kết hôn với Tổng thống Mugabe. Tiệc cưới xa hoa đến mức nó được mệnh danh là "Đám cưới thế kỷ". Hai người có với nhau ba người con. Sau đám cưới, bà từ chối sống tại nơi ở có sẵn mà yêu cầu xây dựng một tòa lâu đài mới.
Hiện giờ, nhà Mugabe được cho là sở hữu tài sản trị giá hàng tỷ USD trên khắp thế giới, bao gồm ở Malaysia và Hong Kong, cũng như các vùng đất nông nghiệp sinh lợi ở Zimbabwe, theo LA Times.
Bà Grace nổi tiếng với thói quen mua sắm xa xỉ. Bà từng tiêu ít nhất 100.000 USD trong một lần mua sắm ở Paris, khiến bà được đặt biệt danh là "Gucci Grace".
Sự xa xỉ này trái ngược với tình hình khó khăn của Zimbabwe, khi nền kinh tế của nước này rơi vào tình trạng hỗn loạn do quản lý sai lầm, tham nhũng và chương trình cải cách đất đai gây tranh cãi nhằm đẩy nông dân da trắng ra khỏi các trang trại có lợi nhuận mà họ đã làm chủ trong nhiều thế hệ.
Trong những năm gần đây, hạn hán nghiêm trọng gây ảnh hưởng nặng nề đến nông nghiệp và đẩy giá lương thực lên cao. Hơn 60% trong dân số 13,8 triệu người sống trong cảnh đói nghèo. Đồng đô la Zimbabwe gần như vô giá trị.
Trong khi đó, những người ủng hộ bà Grace cho rằng bà bị hiểu nhầm và đang bị đối xử bất công. Họ ngưỡng mộ sự ủng hộ mạnh mẽ của bà đối với chồng. Họ khen ngợi lòng từ thiện, việc bà thành lập một trại mồ côi và họ mô tả bà là một nữ doanh nhân giỏi. Những người ủng hộ ca ngợi bà là "người mẹ của đất nước".
Nóng tính
Bà Grace giành được tình cảm của người hâm mộ vì tính cách thẳng thắn và mạnh mẽ nhưng đôi khi bà quá dễ nóng giận.
Năm 2009, bà ra lệnh cho vệ sĩ đấm phóng viên ảnh Richard Jones bên ngoài một khách sạn sang trọng ở Hong Kong, nơi con gái bà đang du học. Bà Grace sau đó cũng tham gia vụ ẩu đả, đấm vào Jones khiến mặt anh này có vết cắt do chiếc nhẫn kim cương mà bà đeo. Chính phủ Trung Quốc không truy cứu vụ việc.
Bà lại trở thành tâm điểm chú ý khi vào tháng 8, bà tấn công người mẫu Gabriella Engels, 20 tuổi, khi cô này đang đi cùng con trai bà ở Nam Phi. Bà Grace đã lấy một sợi dây điện để đánh vào người Engels. Đệ nhất phu nhân Zimbabwe sau đó tiếp tục được hưởng miễn trừ ngoại giao.
Hồi đầu tháng này, truyền thông nhà nước Zimbabwe đưa tin rằng 4 người đã bị bắt sau khi la ó trong cuộc mít tinh của đệ nhất phu nhân.
"Gần đây, bà ấy có tiếng là kiêu ngạo và rất độc đoán trong cách đối xử với những người nghi ngờ về bà ấy và chồng", Edmond Keller, một nhà khoa học chính trị và chuyên gia về châu Phi tại Đại học California, nhận xét.
Chính trường
Sự nghiệp chính trị của bà Grace đã tăng tốc đáng kể kể từ khi bà được bổ nhiệm làm lãnh đạo liên đoàn phụ nữ của đảng cầm quyền năm 2014.
Vị trí này khiến cho bà có một ghế trong Bộ Chính trị của ZANU-PF. Cũng trong khoảng thời gian đó, Đại học Zimbabwe trao cho bà bằng tiến sĩ xã hội học, làm tăng uy tín của bà. Tuy nhiên, những người chỉ trích đặt câu hỏi về tấm bằng này vì bà mới chỉ đăng ký học được ba tháng và không bảo vệ luận văn.
Bà Grace tổ chức nhiều cuộc mít tinh tại các tỉnh của Zimbabwe, với những bài diễn thuyết công kích các đối thủ của chồng mình và khéo léo chứng tỏ mình là người kế nhiệm phù hợp.
Tại một cuộc mít tinh, bà nói: "Họ muốn tôi trở thành tổng thống, tại sao không? Tôi không phải là người Zimbabwe à?".
Tuy nhiên, với sự can thiệp của quân đội vào tuần này, số phận của bà và chồng bà hiện là điều chưa rõ ràng.
Theo Phương Vũ (VnExpress.net)