Trong 3 năm, Zimbabwe liên tiếp trải qua những đợt hạn hán nghiêm trọng. Vụ mùa ở đất nước này bị ảnh hưởng nặng nề và thất bát. Chờ đợi cơn mưa trong vô vọng dường như là lựa chọn duy nhất của người dân Zimbabwe, trong khi ít nhất 5 triệu người cần được cứu trợ lương thực khẩn cấp, 72% người dân sống trong cảnh đói nghèo.
Đối với người dân Zimbabwe, chờ đợi dường như là "bài học vỡ lòng" về một sự đổi mới trong chính quyền vốn chịu sự cai trị của Tổng thống Robert Mugabe từ quá lâu. Ông đã điều hành đất nước kể từ khi Zimbabwe giành độc lập vào năm 1980. Chừng ấy thập kỷ Zimbabwe dưới thời Mugabe cũng là khi nền kinh tế nước này lao dốc không phanh.
Nắm quyền không buông
Lần Zimbabwe tổ chức bầu cử gần nhất là vào năm 2013. Khi đó, Robert Mugabe đã 89 tuổi. Nhiều ý kiến cho rằng ông đã già yếu để tiếp tục ra tranh cử, nhưng vị tổng thống phản bác, nói rằng ông thậm chí có thể trụ tiếp đến hai nhiệm kỳ, đến năm 2023, ở ngưỡng 99 tuổi.
Trước đó, trong cuộc bầu cử năm 2008, Mugabe từng tuyên bố: "Nếu anh thua trong cuộc bầu cử và bị nhân dân phản đối thì tốt hơn là nên rút khỏi chính trị".
Kết quả vòng 1 trong cuộc bầu cử năm đó cho thấy Mugabe về sau ứng viên Morgan Tsvangirai nhưng vị tổng thống lại không giữ lời. "Chỉ có ông trời mới có thể đuổi tôi ra khỏi văn phòng này", Mugabe nói.
Vị tổng thống này đã sử dụng đến quân đội, trấn áp và bạo lực để giữ vững "ngai vàng" của ông. Với Tsvangirai, vì không muốn cử tri của mình bị thương tổn, ông đã rút khỏi vòng 2 của cuộc bầu cử nên Mugabe tiếp tục nắm quyền.
"Chìa khóa" để hiểu về Mugabe chính là từ cuộc kháng chiến giai đoạn thập niên 1970 ở Zimbabwe để giành độc lập từ tay người Anh. Đây là thời điểm mà ông làm nên tên tuổi của mình, ghi dấu ấn như một người hùng dân tộc, đấu tranh giành quyền tự do cho nhân dân. Đó là lý do vì sao nhiều lãnh đạo châu Phi tỏ ra ngần ngại khi chỉ trích Mugabe.
Từ khi Zimbabwe giành độc lập, phần lớn thế giới đã tiến đi rất xa nhưng tư tưởng của Mugabe vẫn không thay đổi. Với ông, hai kẻ thù chính vẫn là chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa thực dân.
Mugabe đổ lỗi cho những yếu kém kinh tế của Zimbabwe là vì âm mưu phá hoại của các nước phương Tây, đặc biệt do nước Anh dẫn đầu. Mugabe bị ám ảnh việc phương Tây muốn lật đổ ông do ông đã tịch thu toàn bộ đồn điền, trang trại của người da trắng sau cuộc giải phóng.
Năm 2000 đánh dấu lần đầu tiên Mugabe đối mặt với làn sóng phản đối mạnh mẽ. Ông đáp trả bằng phong cách của một chiến binh, sử dụng quân đội, bạo lực, và thậm chí cả ám sát, để duy trì chiến thắng và giữ vững quyền kiểm soát chính trị. Mọi đơn vị của chính quyền, từ lực lượng an ninh, công chức, truyền thông nhà nước... đều được đảng cầm quyền Zanu-PF huy động để bảo vệ ngai vàng cho Mugabe.
Làm kiệt quệ đất nước
Nếu để tìm một điểm sáng ở Zimbabwe sẽ dễ dàng nhận thấy đó là thành tựu giáo dục. Nhờ nỗ lực của Mugabe trong việc đẩy mạnh giáo dục hơn 30 năm qua, Zimbabwe trở thành quốc gia châu Phi có tỷ lệ người dân biết chữ cao nhất, đạt 90%.
Tuy nhiên, nhà khoa học chính trị quá cố Masipula Sithole cho rằng nỗ lực của Mugabe để nâng cao dân trí người dân cũng là khi ông đang tự "đẩy mình xuống dốc". Những công dân Zimbabwe trẻ tuổi được trang bị học thức đầy đủ đã có thể phân tích, đánh giá các vấn đề trầm kha của Zimbabwe. Phần lớn họ bắt đầu chỉ trích chính phủ về sự tham nhũng, quản trị yếu kém dẫn đến tỷ lệ thất nghiệp cao, trong khi lạm phát ngày càng vượt qua các mốc kỷ lục.
Zimbabwe từng là một trong những vùng đất ao ước của châu Phi khi nước này có tài nguyên phong phú, ngành nông nghiệp phát triển mạnh cùng nguồn nhân lực dồi dào. Tuy nhiên, ông Mugabe gần như đã làm kiệt quệ tất cả sau 37 năm cai trị.
Bước ngoặt quan trọng cho những cải cách sai lầm của Mugabe xảy ra năm 2000, khi vị tổng thống thực hiện chính sách "thần tốc" trong quản lý đất đai, chủ trương cưỡng đoạt trang trại của người chủ là da trắng. Thành phần này khi đó chính là xương sống của nền nông nghiệp Zimbabwe.
Các trang trại được trao về cho người da đen quản lý, trong khi họ không có nhiều kinh nghiệm canh tác nông nghiệp hiện đại. Sở dĩ những người này được chọn là vì thân cận với đảng Zanu-PF của Mugabe.
Ngành nông nghiệp sa sút ảnh hưởng đến doanh thu xuất khẩu khiến toàn bộ nền kinh tế Zimbabwe bị sốc và lao dốc. Trong bối cảnh này, ông Mugabe lại quyết định can thiệp vào cuộc nội chiến ở Congo.
Ngân hàng trung ương buộc phải in thêm tiền để trả nợ và hỗ trợ các cựu binh, những người được xem là đối tượng quan trọng trong các chính sách xã hội của Mugabe.
Sự xuống dốc của nền kinh tế ngày càng vượt khỏi tầm kiểm soát, trong khi vị tổng thống luôn bỏ ngoài tai những lời khuyên khoa học, mà ông áp đặt quan điểm của mình vào cách vận hành nền kinh tế. Mugabe từng khẳng định một đất nước không bao giờ rơi vào tình cảnh vỡ nợ.
Trong bối cảnh Zimbabwe là nền kinh tế co hẹp lại nhanh nhất thế giới và tỷ lệ lạm phát lập kỷ lục thế giới (231 triệu phần trăm vào tháng 7/2008), Mugabe vẫn quyết tâm áp dụng lý thuyết của riêng ông đến cùng. Có lúc Zimbabwe in tiền nội tệ đến mức kỷ lục: 100 nghìn tỷ đô la Zimbabwe nhưng giá trị chỉ tương đương 40 xu Mỹ.
Tháng 11/2016, Ngân hàng Trung ương phát hành loại tiền mới dưới hình thức trái phiếu. Chính phủ khẳng định tờ giấy này có giá trị tương đương USD (người dân Zimbabwe sử dụng USD là phương tiện thanh toán chính từ năm 2009 sau đợt siêu lạm phát khiến nước này bỏ đồng tiền riêng), nhưng không người dân nào tin vào điều này.
Tờ Economist miêu tả khung cảnh đường phố năm 2016 ở thủ đô của Zimbabwe là "người dân xếp hàng dài bên ngoài các ngân hàng, hy vọng rút được tiền mặt".
Trong khoảng một thập niên, nhiều phong trào và các phe đối lập đã trỗi dậy mạnh mẽ để kiểm soát các chính sách kinh tế hủy hoại của Mugabe, hạn chế phần nào quyền lực của ông.
Tuy nhiên, sau khi tái đắc cử năm 2013, Mugabe vẫn tiếp tục phong cách cai trị độc đoán của mình.
Cuối tháng 2/2017, Mugabe đã thổi nến sinh nhật tuổi 93. Lúc này, ông khẳng định vẫn muốn tiếp tục tranh cử vào năm 2018 và nói "chỉ có Chúa mới có thể ngăn cản tôi".
Didymus Mutasa, một trong những cộng sự thân cận của Mugabe, từng chia sẻ với BBC về phong tục hoàng gia của Zimbabwe: "Trong văn hóa của chúng tôi, những nhà vua chỉ bị thay thế sau khi họ mất. Mugabe chính là nhà vua của chúng tôi".
Theo Minh Anh (Tri Thức Trực Tuyến)