Vụ việc xảy ra vào sáng 7/2 tại bang Uttarakhand - địa phương ở phía bắc Ấn Độ với hơn 85% là đồi núi. Theo Sputnik, vụ vỡ sông băng và lở tuyết đã gây lở đất, ảnh hưởng nghiêm trọng tới 11 ngôi làng và phá hủy 5 cây cầu.
Những đoạn video đăng trên mạng cho thấy nước tràn từ sông băng cuốn trôi mọi thứ trên đường đi của nó. Còn theo cảnh sát trưởng Ashok Kumar tại bang Uttarakhand, Ấn Độ hôm 7/2 cho biết hầu hết người mất tích là công nhân tại hai nhà máy thủy điện bị lũ lụt tàn phá.
"Có 50 công nhân làm việc tại nhà máy Rishi Ganga và chúng tôi không có thông tin gì về họ. Khoảng 150 công nhân làm việc tại Tapovan", ông nói.
"Khoảng 20 người bị mắc kẹt bên trong một đường hầm. Chúng tôi đang cố gắng tiếp cận những công nhân bị mắc kẹt", Kumar cho biết thêm. Hiện giới chức đã tìm thấy 9 thi thể.
Ông Piyoosh Rautela - Giám đốc điều hành của Trung tâm quản lý và giảm nhẹ thiên tai bang Uttarakhand - cho biết: ''Mực nước tối đa tại đập Tapovan là 1.803m, nhưng theo báo cáo ban đầu, mực nước đã vượt trên 1.080m, gây ra vỡ đập''.
Còn người đứng đầu cơ quan quản lý tài nguyên nước (CWC) cho hay, mực nước sông Dhauliganga tại Jashimath đã phá vỡ mọi kỷ lục: ''Lúc 11h sáng 7/2, mực nước ghi được tại Jashimath là 1.388m''.
Chính quyền đã huy động hơn 2.000 binh sĩ, các nhóm bán quân sự và cảnh sát tham gia chiến dịch tìm kiếm và cứu nạn. Do đường chính bị cuốn trôi, đường hầm đầy bùn và đá, nhóm cứu hộ phải leo xuống sườn đồi bằng dây thừng để đến được lối vào. Trực thăng quân sự và các máy bay khác cũng được điều đến khu vực.
Lực lượng cứu hộ sử dụng dây thừng để tiếp cận nạn nhân, kéo một người đàn ông khỏi hố bùn. Khi được giải cứu, người đàn ông giơ tay lên trời tỏ ý vui mừng, còn nhóm cứu hộ mỉm cười với anh. Hình ảnh khác cho thấy nhóm cứu hộ động viên những nạn nhân đang nằm trên cáng ngoài trời.
Vùng Uttarakhand trên dãy Himalaya là nơi dễ xảy ra lũ quét và lở đất. Hồi tháng 6/2013, lượng mưa kỷ lục đã gây ra lũ lụt kinh hoàng ở khu vực này, cướp đi sinh mạng gần 6.000 người. Thảm họa đó được truyền thông gọi là "sóng thần Himalaya" do các dòng nước xả ra ở vùng núi, khiến bùn và đá đổ ập xuống, vùi lấp nhà cửa, cuốn trôi các công trình, đường xá, cầu cống.
Biên Thùy (Nguoiduatin.vn)