Việt Nam có thể đóng tàu ngầm quân sự: Tại sao không?

08/03/2016 09:27:58

Việt Nam hoàn toàn có thể đóng được tàu ngầm quân sự, cũng như các nước, chúng ta đang dần trải qua những bước đi đầu tiên, nhiều khó khăn.

Việt Nam hoàn toàn có thể đóng được tàu ngầm quân sự, cũng như các nước, chúng ta đang dần trải qua những bước đi đầu tiên, nhiều khó khăn.

Trước nhận định của một số chuyên gia cho rằng, Việt Nam đã bỏ lỡ cơ hội học đóng tàu ngầm cùng Nga và không có khả năng thiết kế, đóng được tàu ngầm quân sự, kỹ sư Hoàng Hùng - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Khoa học Công nghiệp tàu thủy Việt Nam cho rằng, đó là khẳng định thiếu khách quan.

Trao đổi với Đất Việt, ông Hùng phân tích: "Công nghệ đóng tàu ngầm quân sự là công nghệ cao, ngay như các nước Nga, Ba Lan, Đức...để có được như ngày hôm nay cũng phải trải qua một thời kỳ dài, xuất phát điểm cũng nhiều khó khăn, cũng nhiều thất bại.

Có thể họ cũng phải trải qua những giai đoạn như Việt Nam hiện nay, cho nên nói Việt Nam không nên mơ đóng được tàu ngầm là không đúng.

Trước đây, chúng ta chưa bao giờ nghĩ mình sẽ làm được thủy điện, thế nhưng, sau khi có thủy điện Hòa Bình, chúng ta làm đến thủy điện sông Đà to ngang hàng thế giới.

Cũng như, trước đây không ai dám nghĩ Việt Nam sẽ làm được giàn khoan, nhưng mới đây, Công ty Cổ phần Chế tạo giàn khoan dầu khí (PV Shipyard) đã hạ thủy iàn khoan tự nâng 120 mét nước (Tam Đảo 05) với tổng trọng lượng 18.000 tấn có khả năng khoan tới mỏ dầu khí có độ sâu 9.000 mét vừa được hạ thủy tại Vũng Tàu, đứng top 10 của thế giới.

Việt Nam hoàn toàn có thể học đóng tàu ngầm

Để thấy, không có gì là không thể làm được, Việt Nam cũng có thể làm được tàu ngầm, nhưng vấn đề là ở cơ chế chính sách, ủng hộ, tạo điều kiện ra sao, đặc biệt, chúng ta cần thời gian".

Theo ông Hùng, trên thế giới, bất kỳ quốc gia nào cũng đều phải trải qua các bước chập chững, rồi lớn dần và trưởng thành lên qua thời gian. Nói ngay như Triều Tiên qua giai đoạn khó khăn giờ đây là nước rất mạnh về sản xuất vũ khí hạt nhân. Còn Hàn Quốc đã vượt chúng ta quá xa nếu so với mặt bằng những năm 60.

Riêng đối với Việt Nam, giờ đây, chúng ta được tận hưởng lợi thế, tiếp thu, thừa kế những gì thế giới đã có, từ đó phát minh những cái mới.

Trước lo ngại, ngành công nghiệp đóng tàu của Việt Nam chưa có gì, kể cả công nghiệp hỗ trợ, qua bao nhiêu năm vẫn dậm chân tại chỗ, ông Hùng nhận định: "Nếu nói về công nghiệp đóng tàu trong đó có tàu thương mại, tàu ngầm, tàu chiến...nước nào cũng thế, không có nước nào làm được từ A-Z.

Công nghiệp đóng tàu đi kèm theo là các ngành công nghiệp khác như luyện kim, chế tạo máy, nội thất...hàng nghìn ngành công nghiệp khác nhau, tụ hội lên một con tàu.

80% tàu trên thế giới đều nhập một loại máy từ hãng MAN, cho nên không phải cứ có hết tất cả các trang thiết bị rồi thì mới đóng được tàu quân sự. Thậm chí, chúng ta chỉ cần thiết kế, hình thành ở trong đầu óc, rồi bán thiết kế cho nước ngoài làm".

Phải có tàu ngầm của Việt Nam

Tiếp cận vấn đề ở góc độ khác, ông Hùng cũng nói rõ, nhận định các nhà máy đóng tàu Damen - Sông Cấm, Nam Triệu, sông Thu chỉ đóng được tàu cơ bản, thay vì tàu có thiết kế yêu cầu cao như tàu ngầm là không chính xác.

Theo ông Hùng, các nhà máy là công cụ để chế tạo theo thiết kế, mỗi một con tàu làm ra đều có thiết kế, nhà máy làm theo thiết kế có sẵn, chắc chắn đều sẽ làm được.

Những người thợ sẽ làm theo yêu cầu, ví dụ, con tàu hàng làm ra sao, tàu du lịch làm thế nào, về bản chất các thiết bị đều giống nhau, đều tân tiến, chỉ là có đơn đặt hàng để làm hay không.

Ở nước ngoài, mỗi nhà máy sẽ sản xuất chuyên về một thiết bị, nếu như đóng tàu cần thiết bị khác, họ sẽ tận dụng sản phẩm của các nhà máy vệ tinh, chứ không phải sản xuất tất cả, mỗi nhà máy sẽ sản xuất từng chi tiết, thiết bị khác nhau.

Mặt khác, Việt Nam đã có nếp làm ăn với doanh nghiệp nước ngoài từ rất lâu, từ khi nhà máy giấy Bãi Bằng - Việt Trì đặt nhà máy sông Cấm làm một con tàu đẩy để chở nguyên vật liệu từ trên cơ sở có nguyên liệu làm giấy về nhà máy sản xuất.

Cho đến nay, nhà máy đóng tàu Hạ Long cũng đã đóng được con tàu to gấp đôi con tàu sông Cấm đã từng làm cho nhà máy giấy.

"Tất cả để thấy, không phải chúng ta không làm được, chỉ là vấn đề liên quan đến cơ chế, thậm chí chuyên gia của Việt Nam còn giỏi hơn dù học cùng một thầy", ông Hùng khẳng định.

Riêng về việc, dù hợp tác lâu năm, nhưng Nga không hề chuyển giao công nghệ, chế tạo đóng tàu ngầm cho Việt Nam, ông Hùng phân tích: "Nga là cường quốc về tàu quân sự, còn đóng hạm đội, tàu thương mại thì lại là Ba Lan.

Việt Nam đã từng học tại Viện thiết kế tàu của Nga, nhưng không có điều kiện làm vì nó nặng về quân sự, trong khi quân sự là bí mật.

Với tàu ngầm, đó là một loại tàu đặc chủng, đi ngầm dưới nước, ngoài ra trong hệ thống tàu còn có tàu thương mại, tàu kéo trên sông, tàu hàng, tất cả đều có cái khó khăn riêng khi thiết kế.

Nhưng với tàu ngầm thì môi trường ở dưới không có không khí, chịu áp lực lớn, độ sâu 5m-10m-20m đều khác nhau, nếu vật liệu không tốt thì khó có thể chịu đựng được. Càng sâu thì áp lực đè vào càng nhiều, tức là cái áp lực của nước bên cạnh ép vào càng khó, chất liệu không tốt thì sẽ giúm lại.

Mà đối với tàu ngầm quân sự thì không những lặn xuống còn phải di chuyển, chiến đấu, tất cả đều có bài toán giải, đó là phải làm vật liệu tốt hơn, kính nước chịu áp lực tốt. Nhưng các nước đang sản xuất, đều phải nhập khẩu các thiết bị, kể cả thép, chứ không thể sản xuất toàn bộ".

Lấy ngay một ví dụ, ông Hùng đề cập đến dự án đóng tàu lặn Hòa Bình, do Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển công nghệ cao Vinashin đăng ký, đầu tư sản xuất thử nghiệm theo đề tài nghiên cứu khoa học cấp nhà nước với Bộ KH&CN.

Trên con tàu, rất cần một chiếc gioăng, cứ tưởng dễ dàng nhưng chúng ta lại không thể làm được, dù đã nghiên cứu kỹ về cơ lý chính, nhưng xuống mức độ sâu khoảng 2 -3 m thì lại bị hở.

Điều đó cũng là dễ hiểu, bởi vì để làm được thiết bị này chỉ có một số nước, khi xuống áp lực nước thì phải có độ giãn, mà điều này không phải dễ dàng. Chỉ một chi tiết bé như vậy, cũng thấy cần kỹ thuật rất cao, nhìn bề ngoài cũng không khác của chúng ta sản xuất, nhưng của họ lại dùng được, đó chính là bí quyết.

Chiếc gioăng đó chỉ là một chi tiết trong hàng vạn chi tiết của chiếc tàu ngầm, nhưng giấc mơ tàu ngầm Việt Nam là giấc mơ hiện thực. Bởi mặt tiền biển của chúng ta là hơn 3000 km, nếu chỉ có tàu thường, thì sẽ không thể biết được các nước có đi ngầm dưới biển của chúng ta hay không.

"Về nguyên tắc, tàu ngầm là phải tự thiết kế, còn mua về thì họ đã nắm bắt hết kỹ thuật, đó là điều tối kỵ. Nên trước sau chúng ta vẫn phải có những chiếc tàu ngầm của riêng mình, có thể trong một thời gian rất nhanh, cũng có thể rất lâu.

Sắp tới bên Hiệp hội đang có ý định làm Hội thảo về vấn đề tàu ngầm, Hội thảo về vấn đề vật liệu PVC, để có hướng đi cho vấn đề này", ông Hùng nhấn mạnh.

Theo Châu An (Đất Việt)