Vào thời điểm đầu những năm 2000, một số hãng tin lớn của nước ngoài như Reuters hay Jane's Defence Weekly đã đưa tin về việc Nga chào bán cho Việt Nam một phi đội máy bay MiG-31.
Sau khi những thông tin ban đầu được đăng tải trên các tạp chí trên thì không có thêm bất cứ một diễn biến đáng chú ý nào khác, và cho đến thời điểm hiện tại thì mọi việc đã quá rõ ràng, Việt Nam đã từ chối lời đề nghị của Nga.
Việc Việt Nam "hắt hủi" MiG-31 hẳn sẽ gây ra sự tiếc nuối cho không ít người vì loại tiêm kích đánh chặn tầm xa này hiện vẫn được xem là "Quốc bảo" của Nga, nhiều quốc gia khác chẳng hạn như Trung Quốc dù rất muốn mua nhưng Nga cũng kiên quyết không bán.
Tuy nhiên nếu phân tích tường tận thì quyết định của Việt Nam là hoàn toàn hợp lý.
|
MiG-31 là máy bay tiêm kích đánh chặn tầm xa tốt nhất của Nga
|
Những nguyên nhân khiến Việt Nam từ chối mua MiG-31
Thứ nhất, MiG-31 là một máy bay chiến đấu có chi phí mua sắm và vận hành vô cùng đắt đỏ, cao gấp nhiều lần nếu mang ra so sánh với dòng tiêm kích hạng nặng khác là Su-27/30.
Vào thời điểm đầu những năm 2000, khi kinh tế Việt Nam còn gặp rất nhiều khó khăn thì việc "nghiến răng" mua MiG-31 là điều không tưởng.
Thứ hai, nhiệm vụ chủ yếu của MiG-31 là đánh chặn các loại máy bay ném bom hay máy bay chỉ huy và cảnh báo sớm trên không (AWACS) bằng tên lửa Vympel R-37.
Mặc dù Nga chào bán MiG-31 cho Việt Nam nhưng lại không có dấu hiệu nào cho thấy họ sẵn sàng chuyển giao cả loại tên lửa không đối không tầm xa trên. Nếu vậy, sức mạnh của MiG-31 sẽ chỉ còn một nửa.
Bên cạnh đó, nếu gặp đối tượng tác chiến là máy bay tiêm kích đối phương thì với khả năng cơ động không cao lại không được trang bị thứ vũ khí mạnh nhất, MiG-31 chưa chắc đã làm tốt hơn Su-27/30.
Ngoài ra, radar mảng pha quét thụ động Zaslon S-800 của MiG-31 cũng đã khá lạc hậu, năng lực không có gì vượt trội N011 BARS lắp trên một số dòng tiêm kích Su-30.
|
Cấu hình radar và các loại tên lửa trang bị cho MiG-31 |
Thứ ba, với tốc độ rất cao của mình, MiG-31 chỉ thích hợp khi tuần tra không phận một quốc gia có diện tích lãnh thổ rộng lớn như Nga, còn Việt Nam với địa hình dài, hẹp và nhiều đồi núi thì MiG-31 lại không phải là sự lựa chọn lý tưởng.
Thứ tư, MiG-31 với đặc tính là máy bay chiến đấu đơn nhiệm sẽ không thể đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của tác chiến hiện đại cho dù có được cải tiến sâu đến mức nào đi nữa.
Trong khi đó với thế trận thiên về phòng thủ biển đảo, Việt Nam lại đặc biệt cần những loại máy bay chiến đấu đa nhiệm vừa có khả năng không chiến tốt lại vừa đảm nhiệm được chức năng cường kích tấn công mục tiêu mặt đất, mặt nước.
Cũng cần phải nói thêm rằng chỉ những quốc gia có tiềm lực kinh tế hùng mạnh mới đủ sức trang bị các loại máy bay chiến đấu có chức năng chuyên biệt ở mức rất tốt như đánh chặn, đánh biển hay tấn công mặt đất.
Còn với những nước nghèo như Việt Nam thì chúng ta không thể đầu tư dàn trải như vậy mà phải chấp nhận một loại chiến đấu cơ có đủ các tính năng trên trong một thiết kế duy nhất, cho dù nếu so sánh riêng biệt từng chức năng thì chúng khó lòng so sánh nổi với chiến đấu cơ đơn nhiệm.
Thứ năm, nguyên nhân này dù không quan trọng như những điều đã nêu ở trên nhưng cũng nên được nhắc tới là khi đó chúng ta chưa gặp phải sự uy hiếp trên không lớn đến mức cần trang bị một loại chiến đấu cơ như MiG-31.
|
Tiêm kích Su-30MK2 của Việt Nam |
MiG-31 có còn cơ hội xuất hiện tại Việt Nam?
Tổng hợp những phân tích trên có thể thấy rằng việc Việt Nam quyết định mua tiêm kích đa năng Su-30MK2 thay vì tiêm kích đơn nhiệm MiG-31 là hoàn toàn hợp lý.
Tuy nhiên vào thời điểm hiện tại, Nga đã đưa ra một số gói nâng cấp giúp MiG-31 trở thành chiến đấu cơ đa nhiệm có sức mạnh cả đối không lẫn đối đất vượt trội so với nguyên bản.
Ngoài ra với những diễn biến mới rất khó lường của tình hình khu vực, cộng thêm việc nền kinh tế Việt Nam đã có quy mô lớn hơn trước rất nhiều thì phương án mua MiG-31 cũng có thể sẽ được xem xét trong tương lai.
Theo Hải Dương (Dailo.vn)