Dưới chế độ xã hội phong kiến ở Trung Quốc, Hoàng đế quản lý chính sự thiên hạ và Hoàng hậu quản lý hậu cung, hai bên hỗ trợ cho nhau. Hậu cung xưa nay vẫn luôn là nơi phức tạp, tranh giành quyền lợi cũng ở hậu cung mà ra, chém giết xu nịnh cũng từ hậu cung mà ra, cai quản hậu cung được ví như cai quản một đế chế thu nhỏ.
Tuy nhiên, bản thân Tần Thủy Hoàng cho đến khi qua đời cũng không lập Hoàng hậu, vì vậy ông đã trở thành vị Hoàng đế duy nhất không lập Hoàng hậu trong lịch sử Trung Quốc. Đây cũng là một bí ẩn khó hiểu nhất của vị Thiên cổ nhất đế này.
Ảnh hưởng của mẹ Tần Thủy Hoàng đối với ông
Tần Thủy Hoàng có một người mẹ không thủ tiết. Người thân sinh ra Tần Thủy Hoàng là Triệu Cơ. Triệu Cơ là người phụ nữ có nhiều người tình, sau này khi đã trở thành Thái hậu nhưng thường xuyên tư thông với Lã Bất Vi, sau đó lại bí mật qua lại với tình nhân tên Lao Ái, thậm chí còn sinh hạ 2 người con riêng cho người này.
Quá tức giận, Tần Thủy Hoàng bức tử Lã Bất Vi, tru di tam tộc nhà Lao Ái, sát hại 2 con riêng của thái hậu Triệu Cơ đồng thời đuổi bà ra khỏi kinh thành, cấm không được xuất hiện ở thành Hàm Dương.
Đây cũng có thể là điều khiến Tần Thủy Hoàng cay đắng, tạo thành định kiến trong tâm trí của vị vua tài năng này. Ông chán ghét phụ nữ, mất lòng tin vào sự chung thủy từ đó trở thành rào cản trong hôn nhân và khiến ông không muốn lập hậu.
Luôn cho mình là phi thường, ám ảnh với "trường sinh bất lão"
Tần Thủy Hoàng là vị Hoàng đế đầu tiên thống nhất Trung Hoa, không cần phải nói, hậu thế đều khẳng định và đánh giá cao những thành tựu lịch sử của ông.
Lúc bấy giờ Tần Thủy Hoàng tự cho mình là phi thường, công trạng của ông đã vượt qua Tam hoàng Ngũ đế thời cổ đại, vì thế mới tự xưng là Hoàng đế, cũng là vị Hoàng đế đầu tiên trong lịch sử Trung Quốc.
Theo đó, Tần Thủy Hoàng có yêu cầu rất cao đối với Hoàng hậu, thậm chí không biết đặt ra tiêu chuẩn ra sao để xứng tầm với mình, đến nỗi ba ngàn giai lệ trong hậu cung không ai có thể đạt được.
Ngoài ra, chúng ta đều biết rằng Tần Thủy Hoàng luôn khát khao sự bất tử, chấp mê chấp muội với thuật luyện đơn và các hành trình tìm kiếm phương thuốc trường sinh. Tần Thủy Hoàng luôn tin rằng nếu bản thân không bao giờ chết đi thì sẽ luôn kiểm soát được quyền lực thiên hạ. Vì thế đến cuối đời, Tần Thủy Hoàng cũng không lập Thái tử, chứ đừng nói lập Hoàng hậu.
Theo Hạ Tú (Thương Hiệu và Pháp Luật)