Mối quan hệ Nga - Thổ Nhĩ Kỳ căng thẳng sau khi máy bay Nga bị bắn rơi. Ảnh: TASS |
Biên giới Thổ Nhĩ Kỳ lâu nay vẫn là cửa ngõ chính cho các chiến binh thuộc đủ thành phần xâm nhập Syria, theo The Guardian. Các căn cứ quân sự của nước này cũng đã được sử dụng để phân phát vũ khí và huấn luyện các tay súng nổi dậy, trong khi các thị trấn và làng mạc tại tiền phương là nơi trú ẩn của gần một triệu người tị nạn.
Các sân bay quốc tế của Thổ Nhĩ Kỳ cũng luôn tấp nập. Phần đông, nếu không muốn nói là hầu hết, trong số khoảng 15.000 - 20.000 chiến binh nước ngoài đã gia nhập Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đều bay tới Istanbul hoặc Adana. Số khác di chuyển tới bằng phà dọc theo bờ biển Địa Trung Hải của Thổ Nhĩ Kỳ.
Chính dòng chiến binh đó là cơ sở để các đồng minh của chính quyền Assad, từ trước khi Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi chiếc Su-24 của Nga hôm 24/11, tuyên bố chính quyền Ankara làm ngơ hoặc hậu thuẫn cho IS.
Tuyên bố của Tổng thống Putin rằng Thổ Nhĩ Kỳ là "đồng lõa với khủng bố" có khả năng sẽ được hưởng ứng, thậm chí ngay trong hàng ngũ những người ủng hộ Ankara.
Từ năm 2012, khi các chiến binh jihad bắt đầu tới Syria, sự hiện diện của họ được thấy rất rõ tại mọi ngả đường dẫn về biên giới: tại sân bay Istanbul, tại các thành phố phía nam như Hatay và Gaziantep, và tại các làng mạc vùng biên. Những người nước ngoài trên đường tham chiến xuất hiện nhan nhản trên những tuyến đường này cho tới tận cuối năm 2014. Sau sức ép liên tục từ các quốc gia châu Âu và Mỹ, nhiều nỗ lực phối hợp đã được triển khai để khiến những kẻ cực đoan quay trở về.
Tới khi đó, IS đã trở thành lực lượng áp đảo tại nhiều khu vực ở phía bắc và đông Syria. Nhóm này đè bẹp các phe phái trong lực lượng đối lập ô hợp tại Syria, cũng như các nhóm Hồi giáo, vốn được Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn. IS cũng đảm bảo rằng cho dù có chính quyền nào xuất hiện trong đống tro tàn Syria, thì cũng không mấy liên quan tới mục tiêu ban đầu của họ.
Dòng "thác lũ" chiến binh nước ngoài tràn qua Hatay và Gaziantep một cách công khai, khi tụ tập thường xuyên tại các khách sạn, quán cà phê và trạm xe buýt địa phương. Lo ngại trước tình hình, các nhà ngoại giao châu Âu liên tục cảnh báo giới lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ làm ngơ cho những chiến binh Hồi giáo bảo thủ, trên đường tới chiến đấu chống lại chính quyền Assad.
Trước khi trấn áp các cuộc biểu tình năm 2011, ông Assad từng là một người bạn của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan. "Sau đó ông ta trở thành kẻ thù", một quan chức phương Tây cho biết. "Erdogan đã tìm cách che chở cho Assad. Nhưng sau cuộc trấn áp (người biểu tình) ông cảm thấy mình bị sỉ nhục. Và rồi chúng ta rơi vào tình thế như hiện nay".
Khi tình hình tại Syria chuyển biến, Thổ Nhĩ Kỳ tăng cường cam kết với một loạt các nhóm phiến quân, trong khi cùng lúc nhận ra rằng mối đe dọa từ các phần tử jihad đi qua lãnh thổ nước mình không hề giản đơn. Thay đổi trong đối thoại với giới chức phương Tây trở nên rõ ràng: giới chức an ninh không còn một mực yêu cầu phải gọi những kẻ cực đoan là "những kẻ lạm dụng tín ngưỡng". Việc gọi họ là "những kẻ khủng bố" trong các văn bản chính thức cũng không còn là vấn đề to tát như trước.
Nghi vấn về những thương vụ hời với IS
Bất chấp điều đó, mối liên hệ của họ với IS về một số khía cạnh tiếp tục phát triển. Các doanh nhân Thổ Nhĩ Kỳ có được những thương vụ hời với những kẻ buôn lậu dầu mỏ từ IS, giúp nhóm khủng bố kiếm được ít nhất 10 triệu USD mỗi tuần. Người Thổ trở thành khách hàng chính của IS thay cho chính quyền Syria. Trong hai năm gần đây, nhiều thành viên cấp cao của IS khẳng định với tờ Guardian rằng, Thổ Nhĩ Kỳ muốn đứng ngoài cuộc, và hiếm khi trực tiếp cản trở họ.
Trong tuyên bố một ngày sau khi Su-24 Nga bị Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi, Thủ tướng Nga Medvedev cho rằng một số quan chức Thổ Nhĩ Kỳ có "lợi ích tài chính trực tiếp" trong giao dịch dầu mỏ với nhóm khủng bố IS.
"Các hành động của Thổ Nhĩ Kỳ đã gián tiếp bảo vệ cho IS. Việc này không hề bất ngờ, dựa theo thông tin chúng tôi có được về quyền lợi tài chính trực tiếp của một số quan chức nước này, liên quan đến nguồn cung sản phẩm từ dầu mỏ được lọc tại các nhà máy IS kiểm soát", RT trích lời ông Medvedev.
Cộng đồng tình báo ngày càng lo ngại về khả năng những mối liên hệ đó đã vượt xa cả kiểu lập luận "kẻ thù của kẻ thù của tôi là bạn tôi", và không thể tiếp tục được lý giải dưới dạng quan hệ liên minh về lợi ích. Lo lắng đó càng lớn hơn hồi tháng 5 vừa qua, sau khi đặc nhiệm Mỹ tiến hành cuộc bố ráp phía đông Syria, tiêu diệt kẻ phụ trách hoạt động bán dầu mỏ của IS là Abu Sayyaf.
Lục soát nơi ở của Sayyaf, nhiều ổ cứng máy tính đã được tìm thấy, cho thấy rõ mối liên hệ giữa các nhân vật cấp cao IS với một số quan chức Thổ Nhĩ Kỳ. Công văn được gửi về Washington và London cảnh báo rằng phát hiện này có "ý nghĩa khẩn cấp về mặt chính sách".
Không lâu sau đó, Thổ Nhĩ Kỳ mở mặt trận mới chống lại nhóm ly khai người Kurd PKK, vốn đã chiến đấu với lực lượng an ninh Thổ Nhĩ Kỳ suốt gần 40 năm. Cùng quyết định này, Ankara cho phép Mỹ sử dụng căn cứ không quân Incirlik cho các chiến dịch chống IS, kèm cam kết sẽ tham gia không kích.
Từ đó đến nay, các chiến đấu cơ của nước này hầu như chỉ oanh tạc các mục tiêu của PKK bên trong lãnh thổ Syria, nơi YPG, một đồng minh quân sự của PKK, là lực lượng chiến đấu duy nhất đủ sức chống lại IS khi được Mỹ yểm trợ trên không. Các quan chức cấp cao Thổ Nhĩ Kỳ công khai tuyên bố rằng người Kurd, đồng minh chính của Mỹ tại Syria, là mối đe dọa lợi ích quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ lớn hơn cả IS.
Sau tất cả, quốc gia thành viên NATO này vẫn được xem như một đồng minh của châu Âu. Nhưng Mỹ và Anh trở nên ít vồn vã hơn, không sẵn lòng làm lớn chuyện. Washington và London đều lo ngại rằng, nếu họ làm vậy sẽ chỉ làm phát sinh thêm một biến số trong khu vực vốn đã đầy bất ổn, nơi các liên minh, chiến lược, và những ẩn ý không ngừng thay đổi.
"Thổ Nhĩ Kỳ tưởng rằng họ sẽ kiểm soát được tất cả", một quan chức phương Tây nói. "Nhưng họ đã để tình hình vượt ngoài tầm tay. Họ đã nhận hậu quả ngay tại trung tâm Ankara (một vụ đánh bom kép liều chết hồi tháng 10 do IS nhận trách nhiệm), và nó sẽ còn ám ảnh họ trong thời gian dài".
Khu vực Hatay và Gaziantep của Thổ Nhĩ Kỳ nằm sát biên giới với Syria. Đồ họa: Wikimedia |
Theo Hoàng Nguyên (VnExpress.net)