Tuyên bố của Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 10/5 về thời gian và địa điểm diễn ra cuộc gặp giữa ông và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã tạo thêm sự lạc quan thận trọng về việc đạt được một thỏa thuận hủy bỏ chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên.
Tuy nhiên, vấn đề mấu chốt là ở chỗ liệu các điều khoản trong thỏa thuận này có được thực hiện sau khi 2 nhà lãnh đạo bước ra khỏi phòng họp ở Singapore hôm 12/6 tới hay không.
Dấu hiệu lạc quan
Frank Aum, một chuyên gia cao cấp về Triều Tiên làm việc tại Viện Hòa bình Mỹ, trả lời phỏng vấn hãng tin Yonhap (Hàn Quốc) rằng: "Hai ông Trump và Kim sẽ không gặp nhau nếu hai bên không nhất trí được về một số việc. Hai bên có thể sẽ đạt được một thỏa thuận lớn về phi hạt nhân hóa và hòa bình, với một vài sự nhượng bộ ngay lập tức của cả hai bên. Triều Tiên có thể đồng ý ngừng các hoạt động hạt nhân và thử tên lửa đạn đạo để đổi lấy cam kết của Mỹ ngừng sử dụng các vũ khí hạt nhân và chiến lược trong các cuộc tập trận quân sự chung với Hàn Quốc".
Aum nói thêm: "Nhìn chung, tôi cho rằng cuộc gặp lịch sử này sẽ thành công và thậm chí có thể tạo một hay hai sự ngạc nhiên bởi hai ông Trump và Kim luôn là những người hay khiến mọi người phải như vậy. Như tôi đã nói, dễ đạt được thỏa thuận. Cái khó là ở chỗ thực hiện và kiểm chứng việc thực hiện thỏa thuận này, con đường gập nghềnh là vào cuối năm nay".
Robert Manning, một học giả lâu năm của tổ chức tư vấn Hội đồng Đại Tây Dương, thì cho biết ông bi quan với chuyện bất cứ thỏa thuận nào sẽ được thực hiện trong khoảng thời gian từ 6 tới 24 tháng tới. Tuy nhiên, cuộc gặp thượng đỉnh này có thể sẽ thành công, đạt được sự nhất trí về nguyên tắc.
Nhà phân tích này nhận định: "Triều Tiên sẽ đánh đổi việc từ bỏ các vũ khí hạt nhân và có thể cả các tên lửa tầm xa và tầm trung để đổi lấy một số gói đảm bảo an ninh, chính trị và lợi ích kinh tế".
Còn theo Bruce Bennett, một nhà phân tích quốc phòng lâu năm của tổ chức RAND, nếu Triều Tiên nghiêm túc trong chuyện phi hạt nhân hóa, như ông Kim đã nhiều lần nhắc tới, thì nước này nên có hành động thể hiện điều đó trong khoảng thời gian từ bây giờ tới ngày 12/6.
Chuyên gia này nói: "Theo tôi, Triều Tiên cần phải từ bỏ khoảng 5 vũ khí hạt nhân mỗi tháng kể từ tháng 5 này, để đến tháng 12 có thể loại bỏ gần 40 vũ khí hạt nhân mà nước này có thể có. Ngoài ra, nước này cũng nên đóng cửa một cơ sở hạt nhân mỗi tháng, bắt đầu với bãi thử hạt nhân Punggye-ri trong tháng 5 và cơ sở làm giàu urani Yongbyon trong tháng 6".
Ông Kim Jong-un đã tuyên bố rằng ông sẽ cho phép các nhà báo và chuyên gia quốc tế chứng kiến việc đóng cửa bãi thử hạt nhân Punggye-ri trong tháng này. Những người chỉ trích cho rằng lý do duy nhất ông Kim Jong-un đóng cửa cơ sở này là do ông không còn cần thử vũ khí hạt nhân nữa.
Về việc lựa chọn địa điểm gặp gỡ, cả hai bên dường như đã đạt được một sự thỏa hiệp. Manning bình luận: "Tôi nghĩ Singapore là một địa điểm trung lập, hợp lý. Tôi cho rằng Mỹ không muốn tổ chức cuộc gặp này ở khu phi quân sự (DMZ), nơi Washington chấp nhận hòa trong cuộc chiến tranh Triều Tiên, bởi như vậy Trump sẽ phải bước qua đường phân định về phía Triều Tiên".
Aum phân tích thêm: "Singapore là một nước trung lập, khá gần gũi với Triều Tiên, và có cơ sở hạ tầng đảm bảo an ninh cho 2 nhà lãnh đạo cũng như tạo điều kiện cho giới truyền thông tác nghiệp. Không có nhiều lựa chọn có thể đáp ứng các tiêu chí này. Singapore có thể là địa điểm xa nhất mà ông Kim tới với tư cách nhà lãnh đạo Triều Tiên, do đó đây có thể là một sự trải nghiệm thú vị".
Trong khi đó, Bennett lưu ý các vấn đề về văn hóa và hậu cần có thể là những yếu tố quyết định việc chọn địa điểm gặp gỡ này.
Ông giải thích: "Thứ nhất, theo văn hóa châu Á, khi hai nhà lãnh đạo quốc gia gặp nhau, nhà lãnh đạo của nước yếu hơn thường tới gặp nhà lãnh đạo nước mạnh hơn và thể hiện sự tôn kính; do đó Bình Nhưỡng là một địa điểm không thể chấp nhận được.
Thứ hai, ông Kim Jong-un phải có thể tới đó một mình nếu không ông ấy sẽ làm mất thể diện ở Triều Tiên. Máy bay của Triều Tiên ở trong tình trạng không tốt nên sẽ là rủi ro khi chọn một địa điểm ở xa ở châu Âu như Thụy Sĩ - Phần Lan, hay Mỹ (mặc dù ông Kim Jong-un có thể thích xem bóng rổ chuyên nghiệp ở nước này). Còn Bắc Kinh có thể không được chấp nhận bởi như vậy, cuộc gặp này sẽ chịu ảnh hưởng của Trung Quốc".
Ông Kim đọc tuyên bố chung sau phiên họp chiều ngày 27/4 |
Theo Hoàng Linh (Soha/Thời Đại)