Vì sao ông Tập bất ngờ tôn vinh "Tổng bí thư xấu số" của TQ?

20/11/2015 08:25:35

Trong lịch sử hiện đại của đảng Cộng sản Trung Quốc có những Tổng bí thư cống hiến to lớn cho sự nghiệp cách mạng và phát triển của xã hội, nhưng lại bị xử lý oan và bị hạ bệ.

Trong lịch sử hiện đại của đảng Cộng sản Trung Quốc có những Tổng bí thư cống hiến to lớn cho sự nghiệp cách mạng và phát triển của xã hội, nhưng lại bị xử lý oan và bị hạ bệ.
 

Cố Tổng bí thư đảng CSTQ Hồ Diệu Bang

Do bị xử lý oan và bị hạ bệ một cách không bình thường, không theo trình tự luật pháp, dư luận gọi họ là các “Tổng bí thư xấu số”. Hồ Diệu Bang là một trong số đó.

Trong lịch sử hiện đại của đảng CSTQ, nhất là sau khi đánh đổ “Lũ bốn tên” hoành hành trong Đại Cách mạng văn hóa vô sản (Cách mạng văn hóa, 1966 -1976), ba TBT có nhiều công lao là Hoa Quốc Phong, Hồ Diệu Bang và Triệu Tử Dương.

Nhưng cả ba TBT này đều bị xử lý oan mà tới nay vẫn chưa chính thức được minh oan vì thuộc "vấn đề chính trị nhạy cảm” mà không tiện khui ra, vì nếu khui ra sẽ ảnh hưởng rất lớn tới xã hội Trung Quốc.

Khi lên nắm quyền, ông Tập Cận Bình đang từng bước tháo gỡ dần những “vấn đề chính trị nhạy cảm” này mà trước tiên đối với cố TBT Hồ Diệu Bang.

Hồ Diệu Bang là ai?

Sau 26 năm khi ông qua đời (1989) tới nay, đây là lần đầu tiên Trung Quốc tổ chức Lễ kỉ niệm trọng đại nhân dịp 100 năm ngày sinh của ông (20/11/1915 – 20/11/2015). Dư luận cho rằng đây là dấu hiệu đáng lưu ý.

Hồ Diệu Bang sinh ngày 20/11/1915 tại Lưu Dương tỉnh Hồ Nam. Ông tham gia cách mạng từ rất sớm. Trong thời kỳ chống Nhật, ông từng là Phó Ban tổ chức thuộc Tổng cục chính trị, Quân ủy trung ương, từng làm Chính ủy và Chủ nhiệm chính trị của các Trung đội 3, Trung đội 4 và Binh đoàn 18.

Năm 1949 khi nước CHND Trung Hoa thành lập, ông từng giữ các chức vụ như Bí thư thứ nhất Đoàn thanh niên cộng sản, Phó Giám đốc Viện khoa học, Phó Giám đốc trường đảng trung ương, Trưởng ban tổ chức trung ương.

Ông cũng như nhiều cán bộ lãnh đạo lão thành khác bị quy oan trong Cách mạng văn hóa. Sau khi “Lũ bốn tên” bị đập tan, ông được minh oan và được bầu là Ủy viên thường vụ Bộ chính trị, Bí thư trung ương kiêm Trưởng ban tuyên giáo trung ương.

Ông từng giữ chức Chủ tịch đảng thay Hoa Quốc Phong từ 6/1982 tới 9/1982, tiếp đó là TBT từ tháng 9/1982 tới 1/1987.

Hồ Diệu Bang (trái) tại Hội nghị toàn thể trung ương 3 khóa XI đảng CSTQ tháng 2/1978. Ảnh: Phượng Hoàng

Sau khi lên nắm quyền, Hồ Diệu Bang đã thực hiện một loạt các chính sách mới.

Về đối nội, trước tiên ông minh oan cho hơn 5.000.000 trí thức và hơn 3.000.000 cán bộ lão thành bị quy oan trong Cách mạng văn hóa. Bởi vậy, thời kỳ này được dư luận Trung Quốc coi là “Mùa xuân của tri thức”.

Ông xóa bỏ chế độ cán bộ lãnh đạo giữ chức suốt đời, đề xướng trẻ hóa đội ngũ cán bộ lãnh đạo.

Những cán bộ trẻ được bồi dưỡng, đào tạo trong thời kỳ của ông có Hồ Cẩm Đào, Lý Khắc Cường, Hồ Khởi Lập, Lưu Diên Đông, Lý Thiết Ánh, Vương Triệu Quốc… cùng nhiều thanh niên trí thức khác.

Một chính sách nữa đáng lưu ý là Hồ Diệu Bang dám phát động cuộc đấu tranh chống tham nhũng nhằm vào đội ngũ cán bộ lãnh đạo cấp cao của đảng và Nhà nước. Ông thực hiện cải cách lại cơ cấu kinh tế và bộ máy nhà nước, đồng thời mở rộng dân chủ trong nhân dân.

Về đối ngoại, ông thực hiện mở rộng cửa với thế giới bên ngoài, nhất là với các nước Mỹ, Nhật và Phương Tây.

Ông kêu gọi cần học tập và tiếp thu phương thức quản lý kinh tế tiên tiến, thực hiện xã hội văn minh và giá trị dân chủ của các nước Phương Tây.

Những đường lối và chính sách này làm Trung Quốc trong thời kỳ Hồ Diệu Bang có bước phát triển lớn, xã hội phồn vinh, thậm chí khi đó ông Đặng Tiểu Bình từng nói khi tiếp khách nước ngoài rằng: “Trung Quốc giờ đây không sợ trời sập xuống vì đã có hai đồng chí Hồ Diệu Bang và Triệu Tử Dương chống đỡ”.

Nhưng trớ trêu thay, lời nói của ông Đặng Tiểu Bình chưa được bao lâu thì Hồ Diệu Bang bị hạ bệ do những đường lối chính sách cải cách mở cửa của ông đã đụng chạm tới quyền lợi của phái bảo thủ mà điển hình là một số cán bộ lão thành.

Hồ Diệu Bang bị kết tội đi theo con đường tư bản chủ nghĩa và đấu tranh không có hiệu quả với tự do hóa của giai cấp tư sản.

Bởi vậy, tháng 1/1987 ông bị các nguyên lão bức phải từ chức mà không theo trình tự pháp lý nào.

Tại Hội nghị toàn thể trung ương 7 Khóa 12 ĐCS Trung Quốc họp tại Bắc Kinh ngày 20/10/1987, Ban chấp hành trung ương đã “chấp nhận” đơn từ chức của ông và chức TBT giao cho Triệu Tử Dương.

Ông đã ngậm oan và quá uất ức nên ngày 15/4/1989 ông qua đời do đau tim.

Tập Cận Bình lật lại "vấn đề chính trị nhạy cảm"

Sự kiện Hồ Diệu Bang được coi là “vấn đề chính trị nhạy cảm” liên quan tới cải cách thể chế chính trị ở Trung Quốc mà không ai dám đụng vào, ngay cả ông Đặng Tiểu Bình là người có quyền thế nhất Trung Quốc thời kỳ đó.

Phát biểu nội bộ với cán bộ cấp cao vào tháng 4/2013 khi mới lên nắm quyền, ông Tập Cận Bình nói: “Đảng ta từng có các đồng chí lãnh đạo tiền bối rất lý tưởng như Trần Độc Tú, Trương Văn Thiên, nhưng rồi kết cục của họ trong đảng đều không tốt, còn đồng chí Triệu Tử Dương không cần phải nói…

Không phải là tôi không muốn cải cách thể chế chính trị hiện nay mà thực sự tôi không thể cải cách và cũng không dám nhẹ dạ cải cách.

Ngay trong thời đại của mình, hai vị TBT là Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào cũng đã phải gác lại vấn đề này.”

Sau khi lên nắm quyền, ông Tập Cận Bình đã thâu tóm tới 9 chức vụ quan trọng, thông qua cuộc đấu tranh chống tham nhũng “Đánh hổ lớn, đập ruồi nhặng” tới nay uy tín và địa vị của ông đã được củng cố.

Trang Đa Chiều hôm 17/11 cho rằng việc Trung Quốc tiến hành kỉ niệm trọng thể Lễ kỉ niệm 100 năm ngày sinh cố TBT Hồ Diệu Bang là dấu hiệu cho thấy ông Tập Cận Bình đang từng bước tháo gỡ “vấn đề chính trị nhạy cảm”.

“Vấn đề chính trị nhạy cảm” mà ngay Đặng Tiểu Bình, Giang Trạch Dân, Hồ Cẩm Đào không dám đụng vào là do xã hội Trung Quốc sau khi cải cách mở cửa thực sự đã gặp phải nhiều vấn đề gây cấn nếu đột phá sẽ có sự thay đổi to lớn về thể chế chính trị ở Trung Quốc.

Hồ Diệu Bang (đứng) và Đặng Tiểu Bình trao đổi tại phòng nghỉ, bên lề Hội nghị trung ương 3 khóa XII đảng CSTQ ngày 20/10/1984. Ảnh: Phượng Hoàng

Việc ông Tập Cận Bình dám tháo gỡ “vấn đề chính trị nhạy cảm” xuất phát từ những nhân tố sau:

Một là, ông Tập Cận Bình là TBT, Chủ tịch đầy quyền lực trong đảng CSTQ, Nhà nước và quân đội, nên cho phép ông có thể làm được mà không sợ “cơ chế nguyên lão”, các nhóm lợi ích chống đối và hạ bệ như họ đã làm với Hồ Diệu Bang và Triệu Tử Dương.

Hai là, hiện nay sự phát triển của xã hội Trung Quốc thực sự cũng đang gặp phải những vấn đề gay go về các mặt kinh tế, chính trị, xã hội cần phải có bước đột phá, tháo gỡ “Vấn đề chính trị nhạy cảm” nhằm tạo cho ông Tập Cận Bình có bước đột phá mới thời gian tới.

Ba là, ông Tập Cận Bình sẽ tiếp tục cuộc đấu tranh chống tham nhũng đi vào chiều sâu hơn nữa để làm trong sạch đội ngũ cán bộ trong cơ quan Đảng và Nhà nước, vì Hồ Diệu Bang ngay khi làm TBT đã dám kiên quyết phát động cuộc đấu tranh chống tham nhũng.

Bốn là, năm 2016 là năm chuẩn bị nhân sự cho Đại hội 19 triệu tập vào năm 2017, vì vậy tháo gỡ vấn đề này nhằm mục đích dọn đường cho ông Tập Cận Bình thuận lợi tiếp tục thêm một khóa nữa.
Mối quan hệ giữa 2 gia tộc

Về quan hệ riêng tư với Hồ Diệu Bang, tháng 4/2013 khi phát biểu nội bộ với cán bộ cấp cao Trung Quốc, ông Tập Cận Bình nói: “Cha tôi và cựu TBT Hồ Diệu Bang là bạn thân thiết với nhau.

Cựu TBT Hồ Diệu Bang trước đây chẳng đã từng tham gia cuộc vạn lý trường chinh đó sao?

Tôi nghĩ, mình cần phải ôn lại lịch sử và tinh thần chiến đấu của Đảng ta trong những năm tháng đấu tranh gian khổ giành chính quyền”, đồng thời coi Hồ Đức Bình (con trai trưởng của Hồ Diệu Bang) là “ông anh của tôi.”

Báo chí Trung Quốc ngày 17/11/2015 cho biết Hồ Diệu Bang và Tập Trọng Huân (cha của Tập Cận Bình) là hai người cùng một tư tưởng và là bạn thân thiết với nhau.

Khi nắm quyền, Hồ Diệu Bang đã lập tức minh oan cho Tập Trọng Huân, ngược lại Tập Trọng Huân là người ủng hộ mạnh mẽ Hồ Diệu Bang.

Khi các nguyên lão yêu cầu hạ bệ Hồ Diệu Bang thì Tập Trọng Huân là người phản đối gay gắt nhất. Mối quan hệ thân thiết giữa hai gia đình đã truyền lại cho các con của họ.

Việc tổ chức Lễ kỉ niệm trọng thể 100 năm ngày sinh cố TBT Hồ Diệu Bang, ông Tập Cận Bình vẹn cả công – tư đôi đường.

Bởi vậy, ngay từ năm 2014, Trung Quốc công bố Lễ Kỉ niệm 100 năm ngày sinh cố TBT Hồ Diệu Bang là một trong 4 ngày lễ lớn trong năm 2015 của Trung Quốc.

Hồ Diệu Bang và Tập Trọng Huân (phải) tại sân bay Quảng Châu, xuân 1980. Ảnh: Takungpao

Hàng loạt hoạt động rầm rộ kỷ niệm ngày sinh Hồ Diệu Bang

Báo chí Trung Quốc cho biết ngoài việc cơ quan tuyên truyền của đảng mở đợt tuyên truyền về công lao của Hồ Diệu Bang, cơ quan đảng và Nhà nước sẽ tổ chức nhiều hoạt động kỉ niệm, như ngày 16/11/2015 tạp chí “Động thái lý luận” của giới lý luận Trung Quốc tổ chức hội thảo “Hồ Diệu Bang với Động thái lý luận”.

Nhân dân Nhật báo ngày 17/11/2015 cho biết Nhà xuất bản Nhân dân xuất bản cuốn “Hồ Diệu Bang tuyển tập”, “Hồ Diệu Bang ở Trường đảng trung ương”. Các nhà xuất bản khác xuất bản “Hồ Diệu Bang truyện”, cuốn họa báo “Hồ Diệu Bang”.

Đài truyền hình trung ương Trung Quốc xây dựng phim tài liệu 5 tập “Hồ Diệu Bang” trong đó nhấn mạnh cuộc đấu tranh chống tham nhũng trước đây do ông khởi xướng.

Ngày 20/11/2015 Trung Quốc sẽ tổ chức Lễ kỉ niệm tại Đại lễ đường nhân dân Bắc Kinh với sự tham dự của ông Tập Cận Bình, đồng thời tại quê Hồ Diệu Bang ở Lưu Dương, Hồ Nam và “Thành phố thanh niên” ở Giang Tây cũng tổ chức nhiều hoạt động kỉ niệm.

Dư luận các nước cho rằng tổ chức long trọng Lễ kỉ niệm 100 năm ngày sinh cố TBT Hồ Diệu Bang rõ ràng có mục đích chính trị lớn để ông Tập Cận Bình tạo ra bước đột phá mới như Hồ Diệu Bang đã làm cách đây 28 năm./.

Theo Kiều Tinh (Soha.vn/Trí Thức Trẻ)

Nổi bật