Hai đường đứt gãy lớn trên mảng Anatolia đã gây ra một số trận động đất lớn. Trận động đất ban đầu mạnh 7,8 độ Richter, xảy ra sáng 06/02, và sau đó vài giờ là một trận khác mạnh 7,6 độ Richter, có cường độ bằng với thảm họa tương tự khiến 30.000 người thiệt mạng ở Đông Bắc Thổ Nhĩ Kỳ hồi năm 1939.
Năm 1999, động đất 7,4 độ Richter xảy ra tại thành phố Izmit khiến hơn 17.000 người thiệt mạng.
Giới chuyên gia cho rằng một số yếu tố đã khiến thảm họa động đất chết chóc hơn. "Một trong những lý do nhiều người thiệt mạng là vì chất lượng các tòa nhà thấp," giáo sư Mustafa Erdik thuộc Viện Nghiên cứu và Quan sát Động đất Kandilli tại Đại học Bogazici nói với Al Jazeera.
Kế hoạt Chiến lược và Hành động Động đất Quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ giai đoạn 2012 - 2023 chỉ ra rằng những cuộc di dân lớn thời thập niên 1950 đã dẫn tới phát triển đô thị không được giám sát chặt chẽ, khiến các thành phố trở nên "rất dễ thiệt hại" trước thiên tai.
Sau động đất 1999, các cơ quan, tổ chức tại Thổ Nhĩ Kỳ nhìn nhận nhu cầu cấp thiết giảm thiểu nguy cơ thiệt hại vì động đất ở nước này. Một năm sau, luật bắt buộc kiểm tra thiết kế và kiểm tra xây dựng tại tất cả các công trình được thông qua.
Tuy vậy, không nhiều tòa nhà được xây dựng với thiết kế chịu động đất tốt. "Những tòa nhà đổ sập đều được xây trước năm 2000", giáo sư Erdik giải thích.
Hơn 5.600 tòa nhà ở miền Đông Nam Thổ Nhĩ Kỳ đã bị sập, theo cơ quan quản lý thảm họa nước này. Phóng viên Sinem Koseoglu của Al Jazeera tại Istanbul cho biết trogn số này có ít nhất hai bệnh viện.
Lý do khác khiến nhiều người thiệt mạng là thời điểm xảy ra động đất, cụ thể là lúc 4 giờ 17 phút sáng, khi phần lớn dân chúng vẫn còn say giấc ngủ. Nhiều người bị kẹt dưới các đống đổ nát.
Giới chức Thổ Nhĩ Kỳ ghi nhận một trận động đất khác mạnh 7,6 độ Richter lúc 13 giờ 24 phút cùng ngày, ở địa điểm cách thị trấn Ekinozu, Kahramanmaras, tâm chấn của trận động đất ban đầu, khoảng 4km về phía Tây Nam.
Truyền hình địa phương đăng tải hình ảnh nhiều tòa nhà đổ sập ở thị trấn Malatya. Không chỉ những tòa nhà hiện đại bị hư hại. Lâu đài Gaziantep, có niên đại từ vương quốc Hittite và được mở rộng dưới thời Đế chế La Mã, đã bị sập một phần.
Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã ban hành khẩn cấp cấp độ 4, bao gồm kêu gọi hỗ trợ quốc tế, cũng như điều động toàn bộ các lực lượng quốc gia.
Giáo sư Chris Elders thuộc Đại học Curtin (Australia) cho rằng tâm chấn nông ở vị trí khoảng 18km cũng góp phần khiến thảm họa chết chóc hơn.
Với tâm chấn nông như vậy, theo giáo sư Elders, "năng lượng giải tỏa bởi động đất sẽ khá gần bề mặt, với cường độ lớn hơn nhiều" nếu so sánh với trường hợp tâm chấn sâu.
Nhà địa chất học Naci Gorur thuộc Viện Khoa học Thổ Nhĩ Kỳ kêu gọi giới chức các địa phương bị ảnh hưởng nhanh chóng kiểm tra đê điều đề phòng khả năng rạn nứt xảy ra, nguy cơ gây lũ lụt lớn.
Tại Syria, nhiều tòa nhà bị đổ sập trong khu vực từ Aleppo tới Hama. Các tổ chức nhân đạo lo ngại số người chết ở Syria còn tăng cao, trong bối cảnh các đội cứu hộ rất thiếu phương tiện để ứng phó với tình huống khẩn cấp.
"Máy móc đã cũ kỹ, không đủ máy xúc để cứu hộ," Mey Al Sayegh, phát ngôn viên Chữ Thập Đỏ và Trăng Lưỡi Liềm Đỏ nói với Al Jazeera.
Tanya Evans, giám đốc Ủy ban Cứu hộ Quốc tế nhận định trận động đất là "một thiệt hại lớn cho dân số dễ bị tổn thương sau nhiều năm xung đột".
Báo cáo ban đầu cho thấy thiệt hại của trận động đất là rất lớn ở các khu vực có nhiều gia đình mới bị mất nhà cửa, trong bối cảnh Syria cũng đang phải hứng chịu bão tuyết và thời tiết lạnh giá.
Đan Anh (Nguoiduatin.vn)