Chuyến thăm này là một phần lịch trình công du của Bộ trưởng Mattis tới một loạt nước châu Á, trong đó có Hàn Quốc và Nhật Bản. Ông đã đến châu Á 7 lần trong hơn một năm qua nhưng chưa từng đặt chân tới Trung Quốc.
Theo CBS News, trò chuyện với các phóng viên trên máy bay khi đang trên hành trình tới điểm dừng ở Alaska, Bộ trưởng Mattis tránh né những chỉ trích gay gắt mà ông từng nhằm vào Trung Quốc mới đây. Thay vào đó, ông khẳng định sẽ bước vào đối thoại mà không có bất kỳ định kiến nào, và ông muốn tập trung vào các vấn đề an ninh lớn hơn, mang tính chiến lược hơn.
Các nhà chức trách Mỹ cho biết, một chủ đề chính được bàn bạc vào cuối tuần này ở Bắc Kinh là phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên và sự tham gia của Trung Quốc với vai trò đồng minh lâu năm của Bình Nhưỡng.
Giới quan sát nhận định, chủ trương thiên về ngoại giao của Bộ trưởng Mattis phản ánh việc chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump công nhận ảnh hưởng lớn của Trung Quốc đối với Triều Tiên, khi các cuộc đàm phán đang được thúc đẩy để buộc ông Kim Jong Un từ bỏ chương trình hạt nhân.
Nhiều vấn đề khác cũng được cho là sẽ được đề cập nhưng với Mỹ, Triều Tiên sẽ là chủ đề chính. Và trong khi muốn Bắc Kinh dùng ảnh hưởng để thúc đẩy đàm phán giải trừ hạt nhân với Triều Tiên, Mỹ còn muốn Bắc Kinh tiếp tục quyết tâm thi hành cấm vận đối với Bình Nhưỡng như một phần của chiến dịch gây áp lực tối đa.
Phía Trung Quốc có vẻ cũng hài lòng khi Mỹ dừng các cuộc tập trận quân sự lớn với Hàn Quốc. Cuối tuần trước, Bộ trưởng Mattis thông báo Lầu Năm Góc đã hủy tập trận Người Bảo vệ Tự do Ulchi vào mùa thu này, theo đúng những gì Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Kim Jong Un đã nhất trí tại hội nghị thượng đỉnh ở Singapore hôm 12/6.
Mỹ từ lâu không vui khi Trung Quốc không chia sẻ thông tin về bất kỳ viễn cảnh chiến tranh hay tình huống bất ngờ nào mà nước này trù tính trong trường hợp xảy ra xung đột trên bán đảo Triều Tiên. Bằng cách cải thiện quan hệ với Bắc Kinh, Washington tin có thể chuẩn bị tốt hơn cho bất kỳ vấn đề nào và có thể phối hợp hiệu quả hơn với Trung Quốc.
BBC đưa tin, trong thông cáo được đưa ra trước chuyến đi của ông Mattis, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc Nhậm Quốc Cường nói hai bên sẽ "phối hợp với nhau để mối quan hệ quân sự song phương trở thành một nhân tố bình ổn quan trọng trong mối quan hệ giữa hai quốc gia".
Trong một bài xã luận, tờ Hoàn cầu Thời báo viết rằng "ông Mattis cần phải lắng nghe thay vì chỉ trích". "Nếu Mỹ không hiểu được tâm lý bất an của Trung Quốc, hoặc diễn giải sai sự cần thiết phải có các hành động mà Trung Quốc đã làm nhằm làm giảm bớt tâm trạng bất an này, thì tình trạng căng thẳng trong quan hệ Trung-Mỹ sẽ không thể tránh khỏi".
Theo Thanh Hảo (Thể Thao VietNamNet)